Theo đó, dự án do Sở TN&MT Bình Dương làm chủ đầu tư, thực chất là việc ứng dụng công nghệ thông tin theo một thiết kế tổng thể, thống nhất trong toàn ngành TN&MT về cơ sở toán học, định dạng dữ liệu... và có kế hoạch triển khai dài hạn để đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc lưu trữ, bảo quản, khai thác thông tin. Ngoài việc liên kết giữa các phân hệ đo đạc bản đồ, môi trường, địa chất khoáng sản, khí tượng thuỷ văn, tài nguyên nước..., sản phẩm của dự án còn có khả năng mở rộng, tương thích với các hệ thống thông tin địa lý khác.
Cùng với đó, dự án còn đào tạo nâng cao trình độ cán bộ địa phương về công nghệ thông tin nhằm phục vụ cho công tác chuyên môn hàng ngày và liên quan trực tiếp đến cơ sở dữ liệu đã được xây dựng như: thu thập, cập nhật, lưu trữ, cung cấp và khai thác thông tin tài nguyên và môi trường. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành, sản phẩm dự án được đưa vào vận hành, khai thác, sử dụng và hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực TN&MT nói chung, nhất là về lĩnh vực quản lý đất đai nói riêng trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Trong đó, dự án “Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý TN&MT tỉnh Bình Dương” đã trang bị thiết bị, máy móc cho nhân viên các phòng, đơn vị thuộc Sở TN&MT và đến từng công chức địa chính các xã, phường, thị trấn. Những thiết bị này, gồm: máy chủ, máy trạm, ổ cứng, bộ lưu điện, máy scan, switch... ngoài việc phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn hàng ngày còn phục vụ cho công tác quản lý, lưu trữ và khai thác cơ sở dữ liệu.
Bên cạnh đó, dự án cũng đã trang bị cho các phòng, đơn vị thuộc Sở TN&MT Bình Dương, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và 09 Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai đầy đủ, đồng bộ các thiết bị, hệ thống mạng như: Modem, Switch, mạng VPN-Firewall, hệ thống chống sét..., kết hợp với sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước, tốc độ đường truyền khoảng từ 12Mbps đến 64Mbps để khai thác, vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu đã xây dựng.
Ngoài ra, dự án đã xây dựng được phần mềm ViLIS với hơn 200 chức năng để các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện các thủ tục về đất đai cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.... Đặc biệt, Bình Dương là một trong những tỉnh, thành đầu tiên của cả nước tổ chức thực hiện, xây dựng đồng bộ cơ sở dữ liệu địa chính tập trung cho 91 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Thành phần, cấu trúc dữ liệu được xây dựng đúng theo các quy định hiện hành của Bộ TN&MT.
Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý TN&MT tỉnh Bình Dương” còn cập nhật, chỉnh lý và đưa vào vận hành một bộ bản đồ địa chính dùng chung duy nhất trên toàn tỉnh Bình Dương. Qua đó, nhân viên Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, công chức địa chính các xã, phường, thị trấn có thể khai thác, cập nhật các biến động trên nền bộ bản đồ duy nhất này nhằm đảm bảo tính thống nhất, tính kịp thời của các biến động đất đai trên địa bàn tỉnh.
Những kết quả đạt được của dự án là nền tảng để tỉnh Bình Dương tiến tới xây dựng hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu đất đai, góp phần tích cực vào công cuộc hiện đại hóa ngành TN&MT Bình Dương, đẩy nhanh công cuộc cải cách, tinh giảm thủ tục hành chính; phục vụ đắc lực, hiệu quả công tác kê khai, đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cung cấp thông tin, dịch vụ hành chính công trực tuyến phục vụ cá nhân và tổ chức ở nhiều mức độ khác nhau; làm cho các hoạt động của ngành TN&MT ngày càng minh bạch, tiết kiệm, hiệu lực, hiệu quả.
Đồng thời, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, tra cứu thông tin cũng như tiếp cận các dịnh vụ công và phục vụ các nhiệm vụ chuyên môn khác của ngành TN&MT. Qua triển khai thực hiện dự án với những kết quả đạt được nêu trên, trong năm 2017, Sở TN&MT Bình Dương đã được xếp hạng đứng đầu về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành TN&MT do Bộ TN&MT bình chọn; đứng thứ 2 trong 20 Sở, Ban, Ngành trên địa bàn tỉnh Bình Dương về kết quả thực hiện Chỉ số Cải cách hành chính.
Qua triển khai thực hiện cho thấy, sản phẩm của dự án “Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý TN&MT tỉnh Bình Dương” ngoài việc đáp ứng yêu cầu công tác chuyên ngành TN&MT còn phục vụ nhu cầu ứng dụng của các hệ thống thông tin địa lý khác đang thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh Bình Dương cũng như đáp ứng nhu cầu chia sẻ thông tin cho các Sở, ban, ngành có liên quan trong tỉnh. Trong đó, sản phẩm của dự án cũng đã chia sẻ, cung cấp thông tin cho Đề án xây dựng thành phố thông minh tỉnh Bình Dương.
Hiện tại, dự án đã hình thành một hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất, tập trung, đồng bộ và hoàn chỉnh để đưa vào quản lý, khai thác và sử dụng theo quy định. Sở TN&MT Bình Dương còn quan tâm, chỉ đạo thường xuyên công tác cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính. Qua đó, giúp cho việc tra cứu, báo cáo số liệu, cung cấp thông tin được thuận lợi, nhanh chóng, chính xác và hiệu quả hơn; hỗ trợ tốt hơn, hiệu quả hơn, đắc lực hơn cho công tác thanh tra, kiểm tra, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai… trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Đặc biệt, nhờ sớm xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, Bình Dương là 1 trong 5 tỉnh, thành đầu tiên trên cả nước triển khai, ứng dụng liên thông thuế theo hình thức điện tử giữa Cơ quan Thuế và Cơ quan Đăng ký đất đai, qua đó góp phần giảm thời gian thực hiện, giảm sự chờ đợi cho người dân và doanh nghiệp; công tác luân chuyển hồ sơ giữa hai Cơ quan này được thuận lợi hơn, tiết kiệm thời gian và nhân lực so với việc luân chuyển hồ sơ giấy như trước đây, rút ngắn thời gian thực hiện từ 1 đến 3 ngày làm việc, so với quy định là 5 ngày làm việc.