Tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm
Bình Dương là tỉnh nằm trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, xung quanh được bao bọc bởi các con sông chính như: sông Sài Gòn, sông Bé và sông Đồng Nai. Bình Dương luôn xác định BVMT lưu vực sông Đồng Nai chính là BVMT trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, Bình Dương luôn duy trì tốc độ phát triển kinh tế ở mức cao, bình quân 9,35%/năm. Hiện, Bình Dương có 29 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 12.670 ha và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 790 ha, có 3.904 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 35,1 tỷ USD và 47.286 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 421.000 tỷ đồng.
Trước áp lực gia tăng từ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bình Dương đã quan tâm và đặc biệt coi trọng công tác quản lý, BVMT nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững của tỉnh, cũng như BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai thông qua việc thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp chủ yếu. Theo đó, tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, tỉnh cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo BVMT tỉnh để tập trung chỉ đạo thực hiện các dự án, đề án, nhiệm vụ BVMT theo Kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dường cũng đã chủ động xây dựng và ban hành các chương trình, quy định, cơ chế và chính sách về BVMT thuộc thẩm quyền của tỉnh một cách rõ ràng, thiết thực để phân giao nhiệm vụ cho các ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện như: Quy định BVMT tỉnh; Quy định quản lý chất thải rắn; Quy định bố trí các ngành nghề sản xuất công nghiệp; Danh mục các ngành nghề, vùng, địa điểm có nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường; Chương trình và chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, đô thị.
Tỉnh Bình Dương còn xây dựng quy chế phối hợp giữa ngành TN&MT với các ngành, địa phương, các đoàn thể nhằm huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia tuyên truyền, giám sát, kiểm tra và tổ chức thực hiện công tác BVMT; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BVMT. Đặc biệt, tỉnh đã thành lập Đội kiểm tra liên ngành để kiểm tra đột xuất đối với các đối tượng có hành vi né tránh thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc cố tình xả lén chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho biết: Sau hơn 10 năm thực hiện, đến nay, các chỉ tiêu mà Đề án BVMT lưu vực sông Đồng Nai đề ra, Bình Dương đều đã đạt và vượt mức. Cụ thể, 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường được xử lý triệt để; 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu dân cư, khu nhà ở mới xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tập trung theo đúng hồ sơ môi trường được phê duyệt; chất lượng môi trường nước được cải thiện…
Tỉnh Bình Dương đã đầu tư hơn 12.100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước và vốn vay ODA để triển khai thực hiện các công trình, dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị, dự án xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh với tổng công suất xử lý trên 80.000 m3/ngày; thực hiện các dự án cải tạo, khơi thông dòng chảy trên kênh Ba Bò, Chòm Sao - suối Đờn, suối Cát, Suối Chợ - Tân Phước Khánh. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng các công trình xử lý chất thải theo hồ sơ môi trường được phê duyệt.
Đẩy mạnh phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm
Sau gần 5 năm (2016 - 2020) triển khai Kế hoạch BVMT, công tác khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường được tỉnh Bình Dương quan tâm chỉ đạo thực hiện thông qua việc đẩy mạnh công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình thoát nước, xử lý nước thải, nên các khu vực ô nhiễm trên địa bàn tỉnh như: kênh Ba Bò, suối Cầu, suối Tân Thiều, sông Thị Tính… đã được kiểm soát, chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh có cải thiện.
Hoạt động quan trắc chất lượng nước sông trên địa bàn tỉnh Bình Dương |
Qua kết quả quan trắc diễn biến chất lượng nước sông Sài Gòn giai đoạn 2016 - 2020, cho thấy, hầu hết các thông số đều đạt quy chuẩn cho phép, chất lượng nước có xu hướng cải thiện so với giai đoạn 2011 - 2015 và tốt dần lên, nồng độ NH3-N có xu hướng giảm dần qua các năm, dao động trong khoảng 0,75 - 2,3 mg/l; các thông số ô nhiễm khác như: pH, SS, NO3-N, NO2-N, Coliform, tổng dầu mỡ, kim loại nặng và vi sinh đều đạt QCVN 08-MT: 2015/BTNMT (A2).
Kết quả quan trắc diễn biến chất lượng nước sông Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020 cũng cho thấy, hầu hết các thông số đều đạt quy chuẩn cho phép, chất lượng nước có xu hướng cải thiện so với giai đoạn 2011 - 2015, chỉ có thông số NH3 có xu hướng tăng nhẹ qua các năm (NH3-N vượt quy chuẩn từ 1,1 - 2 lần), còn các thông số khác như: DO, COD, NO3-N, NO2-N, Coliform, tổng dầu mỡ, kim loại nặng và vi sinh đều đạt QCVN 08-MT: 2015/BTNMT (A2).
Riêng kết quả quan trắc diễn biến chất lượng nước sông Bé trong giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, hầu hết các thông số đều đạt quy chuẩn cho phép, chất lượng nước có xu hướng cải thiện so với giai đoạn 2011 - 2015, nồng độ NH3-N có xu hướng giảm từ 0,44 - 1,08 mg/l (vượt quy chuẩn từ 1,5 đến 3,6 lần), các thông số ô nhiễm khác như: DO, COD, NO3-N, NO2-N, Coliform, tổng dầu mỡ, Cl-, PO43-, kim loại nặng và vi sinh đều đạt QCVN 08-MT:2015/BTNMT (A2).
Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương nhận định: Qua kết quả quan trắc, chất lượng mặt tại sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Bé có cải thiện hơn so với trước đây. Trong đó, chất lượng nước sông Sài Gòn và sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh đều đạt tiêu chuẩn cấp nước cho sinh hoạt. Chất lượng nước mặt trên địa bàn tỉnh được cải thiện đáng kể là do tỉnh Bình Dương đã tập trung kiểm soát được các nguồn thải công nghiệp và nhiều công trình thoát nước, xử lý nước thải và chất thải rắn đã được đầu tư xây dựng nhằm hạn chế thấp nhất lượng chất thải chưa xử lý đạt quy chuẩn thải ra môi trường nói chung và thải vào nguồn nước mặt nói riêng.
Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho biết: Tỉnh Bình Dương đã trang bị hệ thống quan trắc tự động để quan trắc các thành phần môi trường và kiểm soát các nguồn thải, bao gồm: 100 trạm quan trắc nước thải, 14 trạm quan trắc khí thải, 30 trạm quan trắc nước dưới đất và 3 trạm quan trắc nước mặt tự động; đồng thời, tỉnh cũng đã kiểm soát 24/24 thông qua hệ thống quan trắc tự động được 85% lượng nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh; xây dựng được cơ sở dữ liệu môi trường cho gần 10.000 doanh nghiệp.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của địa phương
Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho hay: Qua đánh giá tình hình triển khai thực hiện Đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh Bình Dương, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và BVMT. Đặc biệt, tỉnh Bình Dương sẽ tập trung nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp và chính quyền địa phương trong việc thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và BVMT.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về BVMT và nâng cao chất lượng lập quy hoạch, quản lý quy hoạch trên các lĩnh vực liên quan đến BVMT; triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định về Danh mục các dự án đầu tư, các vùng, các địa điểm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và Quy định bố trí các ngành nghề sản xuất công nghiệp; khuyến khích thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hạ tầng kỹ thuật phù hợp với ngành nghề sản xuất theo định hướng của tỉnh.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thoát nước và xử lý nước thải theo Kế hoạch BVMT tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, đẩy mạnh việc đấu nối nước thải của các hộ dân vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải của đô thị Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, khu vực Thuận An - Dĩ An - Tân Uyên; lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước cho các khu vực phát triển công nghiệp và đô thị nhưng chưa có hạ tầng thoát nước như: khu vực Uyên Hưng - Khánh Bình (TX. Tân Uyên), khu vực An Tây - An Điền (TX. Bến Cát).
Ngoài ra, tỉnh Bình Dương sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là các doanh nghiệp có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày trở lên và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực BVMT; đồng thời, tiếp tục vận hành, mở rộng hệ thống giám sát nước thải tự động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các nguồn thải có lưu lượng trên 500 m3/ngày trên địa bàn tỉnh; quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả hệ thống quan trắc tự động nước mặt, nước dưới đất; nâng cao chất lượng thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Mặt khác, tỉnh Bình Dương cũng sẽ triển khai thực hiện Dự án Điều tra, đánh giá, phân loại và cập nhật, nâng cấp cơ sở dữ liệu các nguồn thải thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tỉnh Bình Dương duy trì thực hiện các chương trình quan trắc môi trường, tổng hợp số liệu nhằm đánh giá tổng thể chất lượng môi trường ở địa phương; xây dựng và triển khai Chương trình thực hiện Đề án Thành phố thông minh Bình Dương trong lĩnh vực BVMT trên địa bàn tỉnh.