Môi trường

Biến đổi khí hậu làm giảm hiệu quả giảm nghèo ở miền núi phía Bắc

Trung Nguyên 29/02/2024 - 16:03

(TN&MT) - Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, BĐKH gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với các địa phương khu vực miền núi phía Bắc, nhất là đối với các lĩnh vực thế mạnh như nông nghiệp, lâm nghiệp. Sinh kế của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng và điều này sẽ làm chậm đà phát triển của các địa phương nói riêng và cả vùng nói chung, trong khi đây là khu vực có tỷ lệ nghèo đa chiều nằm trong nhóm cao nhất cả nước.

Tác động trực tiếp tới kinh tế

Khu vực miền núi phía Bắc gồm 10 tỉnh: Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn, Sơn La, Tuyên Quang, Yên Bái. Nơi đây có nhiều đồng bào các dân tộc cùng sinh sống. Tuy nhiên, tổng sản phẩm bình quân đầu người của khu vực ở mức thấp so với cả nước.

Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tại khu vực miền núi phía Bắc, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề về người và của, ảnh hưởng tới công cuộc xóa đói giảm nghèo, chỉ tiêu tăng trưởng GRDP và sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại các tỉnh miền núi phía. Trong giai đoạn 2010 – 2020, tổng thiệt hại do biến đổi khí hậu, thiên tai ở khu vực này lên tới hơn 16 nghìn tỷ đồng.

Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025 trên phạm vi toàn quốc do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa công bố cho thấy, xét theo các vùng, Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ nghèo đa chiều cao nhất, chiếm 18,2%. Trong đó, riêng 10 tỉnh miền núi phía Bắc có tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là hơn 465 nghìn hộ.

p2l9m0mp2ugloauylu-ong-sa-pa-1694574290394668029.jpeg
Khung cảnh tan hoang nơi xảy lũ ống tại xã Liên Minh, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai

Theo đánh giá từ Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT), khu vực miền núi phía Bắc thường xuyên chịu ảnh hưởng và chịu thiệt hai nặng nề bởi các loại hình thiên tai chính như: lũ, lũ quét, sạt lở đất, rét hại, sương muối, hạn hán, mưa lớn, băng tuyết... Căn cứ tính chất, khả năng gây thiệt hại, thiên tai khu vực thường được chia thành 3 nhóm chính. Cụ thể, nhóm 1 gồm: mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất. Nhóm gây thiệt hại lớn thứ 2 gồm: sương muối, rét hại và băng tuyết; nhóm 3 gồm: nắng nóng, lốc, sét, mưa đá và các loại hình thiên tai khác.

Đáng chú ý, trượt lở đất đá và lũ quét là hai loại hình thiên tai nguy hiểm, có sức phá hoại lớn, thường xuyên xảy ra vào mùa mưa bão hàng năm tại khu vực MNPB. Nhìn chung, các trận lũ quét, lũ bùn đá xảy ra tại các vùng núi, trung du Việt Nam từ những năm 1990 đến nay hầu như đều có liên quan đến trượt lở đất đá. Các tỉnh thường xuyên bị ảnh hưởng như: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng..., gây thiệt hại rất lớn đến tính mạng và tài sản của nhân. Một số sự kiện gây thiệt hại nghiêm trọng như: Vụ trượt lở, lũ quét rạng sáng ngày 25/8/2021 trên địa bàn một số khu vực thuộc xã Nặm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La gây thiệt hại về nhà ở, giao thông, nông nghiệp, ước tính thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng (Theo số liệu của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La). Gần đây nhất, ngày 7/08/2023, mưa lớn xuất hiện ở Mù Cang Chải (Yên Bái) dẫn đến lũ ống, sạt lở đất khiến 34 ngôi nhà bị hư hỏng, trôi, sập hoàn toàn, 2 cháu nhỏ bị từ vong. Trên đường quốc lộ 32 xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở đất, cô lập hoàn toàn đường vào 2 xã Hồ Bốn và Lao Chải.

Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân gây trượt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam rất đa dạng, trong đó đặc biệt phải kể đến các yếu tố địa chất, kiến tạo, địa hình, địa mạo, thạch học, vỏ phong hóa, thổ nhưỡng, thảm phủ, sử dụng đất, khí tượng, thủy văn. Thực tế cho thấy, phần lớn các tai biến này xảy ra chỉ từ một số nguyên nhân, trong đó có các nguyên nhân chính và các nguyên nhân chỉ đóng vai trò kích hoạt (ví dụ như mưa hoặc do con người). Đáng chú ý, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng miền đồi núi nếu không được quy hoạch một cách bền vững dựa trên các luận cứ khoa học nhất quán sẽ có khả năng gây nhiều tác động tiêu cực, làm phá vỡ thế cân bằng tự nhiên. Từ đó, trở thành một trong những nguyên nhân quan trọng kích hoạt sự xuất hiện cũng như mức độ nghiêm trọng của trượt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ quét.

byyvxgazreagblrottxvncaobangbanggiabaophutrangdinhphjaoac2-1645359986836316267363.jpg
Băng giá bao phủ khá dày tại vùng núi cao Phia Oắc (xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng)

Sương muối, rét đậm, rét hại, băng giá cũng đang dần trở thành mối lo ngại thường trực. Các loại hình thiên tai này thường diễn ra vào tháng 11 đến tháng 3 năm sau, với trung bình khoảng 5 - 15 đợt ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc, gây ảnh hưởng lớn sức khỏe còn người, thiệt hại nghiêm trọng tới cây trồng và vật nuôi. Điển hình, từ ngày 23-27/1/2016, rét đậm, rét hại, băng giá ở mức lịch sử diễn ra ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc gây thiệt hại nghiêm trọng về cây trồng, vật nuôi; ước tính thiệt hại khoảng 15.700 tỷ đồng.

Những khó khăn hiện hữu

Thời gian vừa qua, Bộ TN&MT đã giao Cục Biến đổi khí hậu phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) nghiên cứu, điều tra, khảo sát và xây dựng dự thảo Báo cáo về giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm phát triển bền vững khu vực miền núi phía Bắc. Trên cơ sở đánh giá tác động của biến đổi khí hậu ở khu vực miền núi phía Bắc và hoạt động thích ứng đã được thực hiện, nhóm nghiên cứu đã xác định các thách thức, rào cản và thiếu hụt trong việc thực hiện chính sách thích ứng với BĐKH tại khu vực này.

Về một số khó khăn chính, nhóm nghiên cứu chỉ ra, các chính sách thích ứng BĐKH ở cấp quốc gia đã được ban hành, tuy nhiên, việc lồng ghép các nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu trong các kế hoạch phát triển và nguồn lực đầu tư hạn chế, dẫn đến hiệu quả thấp trong thực hiện kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu. Các giải pháp thích ứng với BĐKH hầu hết có tính ngắn hạn chưa chú trọng vào dài hạn, chủ yếu tập trung vào phục hồi các tác động vật lý đến môi trường tự nhiên và cuộc sống của con người nên còn bị động và nhiều khi chưa kịp thời đáp ứng khi thiên tai xảy ra.

Thực tiễn cho thấy, ở các địa phương trong khu vực miền núi phía Bắc, nhân lực có chuyên môn về BĐKH rất hạn chế, thường là kiêm nhiệm, chuyển từ lĩnh vực khác sang, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa thực sự đáp ứng với nhu cầu. Thống kê của Cục Biến đổi khí hậu cho thấy, mới chỉ có 4/10 tỉnh có phòng chức năng về BĐKH, gồm: Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Tuyên Quang. Vẫn còn nhiều Sở TN&MT chưa có phòng chức năng về BĐKH, và tất cả các huyện trong tỉnh chưa có phòng chức năng về BĐKH.

Công tác ứng phó với BĐKH tuy đã được các địa phương khu vực MNPB quan tâm đầu tư nhưng còn hạn chế. Mặt khác, còn thiếu các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư trong chuyển đổi công nghệ và triển khai các hoạt động ứng phó với BĐKH. Việc giải quyết các vấn đề liên ngành, liên tỉnh và liên vùng liên quan tới BĐKH thực sự chưa đạt được hiệu quả cao.

190720_satlo.jpg
Trượt lở đất đá gây chia cắt giao thông tại các địa phương vùng núi phía Bắc

Trong những năm tới, biến đổi khí hậu được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra nhanh với mức tăng nhiệt độ trung bình năm là khoảng 2,2 độ C và lượng mưa có xu thế tăng với mức phổ biến trong khoảng từ 6 đến 12%. Biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục là yếu tố chính đóng góp cho sự gia tăng của thiên tai, đặc biệt là lũ ống, lũ quét, ngập lụt và trượt lở đất đá.

Dự báo có hơn 75% diện tích của toàn khu vực, đặc biệt là các khu vực đất dốc và đất lâm nghiệp sẽ chịu tác động mạnh của nguy cơ về trượt lở đất đá; lũ ống, lũ quét là nguy cơ lớn nhưng khả năng dự báo còn rất hạn chế. Các nguy cơ này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng và có tác động đáng kể đến đời sống, tài sản, cơ sở hạ tầng và sản xuất ở các địa phương khu vực miền núi phía Bắc theo quy mô và cấp độ khác nhau.
Trước các rủi ro của biến đổi khí hậu trong thời gian tới, các bất cập hiện nay và đòi hỏi từ thực tiễn, cần có các định hướng mang tính chiến lược, dài hạn, đồng bộ và toàn diện, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của khu vực miền núi phía Bắc và các vùng hạ du.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến đổi khí hậu làm giảm hiệu quả giảm nghèo ở miền núi phía Bắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO