Bệnh viện Trung ương Huế đạt giải “VIP” của Hội Đột quỵ thế giới

Văn Dinh| 11/06/2020 14:13

(TN&MT) - Ngày 11/6, Giáo sư Phạm Như Hiệp – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, Trung tâm Đột quỵ của bệnh viện vừa đạt giải thưởng Platinum theo tiêu chuẩn Hội đột quỵ thế giới - WSO trong tổ chức cấp cứu và điều trị đột quỵ.

Đây là một giải thưởng danh giá của Hội Đột quỵ thế giới dành cho các đơn vị Đột quỵ và Trung tâm Đột quỵ đạt các tiêu chí khắt khe bao gồm khả năng huấn luyện con người; thiết bị chẩn đoán, điều trị đột quỵ cấp và hợp tác với các nhân viên chăm sóc đột quỵ khác. Quy trình này được xem xét bởi một cơ quan kiểm định quốc gia và 2 cơ quan kiểm định quốc tế. Ủy ban về đơn vị Đột quỵ sẽ ra quyết định cuối cùng.

Bệnh viện Trung ương Huế là một trong 3 bệnh viện trong toàn quốc đạt giải thưởng Platium về chất lượng điều trị Đột quỵ của Hội Đột quỵ Thế giới trong tổng số hơn 80 bệnh viện có trung tâm hay khoa đột quỵ tại Việt Nam.

Chăm sóc bệnh nhân đang điều trị đột quỵ tại Huế

Trung tâm Đột Quỵ Bệnh viện Trung ương Huế thành lập vào tháng 10/2017, được xây dựng với cơ sở vật chất khang trang, máy móc, trang thiết bị hiện đại; và đặc biệt là đội ngũ nhân lực trình độ cao, tiếp thu nhanh nhạy các kỹ thuật y học tiên tiến. Đội can thiệp ứng phó nhanh và tận dụng tối đa thời gian trên từng ca cấp cứu. Mỗi năm tiếp nhận trên 2.500 bệnh nhân, trung tâm đã thực hiện đầy đủ chức năng và vai trò cấp cứu đột quỵ, điều trị đột quỵ toàn điện và hồi sức đột quỵ tích cực.

Trong năm 2019, trung tâm đã hồi sức thành công trên 200 trường hợp đột quỵ nặng và rất nặng; thực hiện liệu pháp tái thông cấp cứu bao gồm tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và can thiệp lấy huyết khối cho hơn 200 trường hợp; can thiệp điều trị phình mạch cho 50 trường hợp túi phình mạch não vỡ gây xuất huyết dưới nhện; can thiệp đặt Stent điều trị hẹp mạch cảnh cho hơn 20 trường hợp; can thiệp điều trị dị dạng mạch não vỡ gây xuất huyết não cho gần 30 trường hợp;tiến hành chụp DSA chẩn đoán cho gần 450 trường hợp. Trung tâm đã triển khai thành công các kỹ thuật khó như can thiệp đường tĩnh mạch tắc dò xoang hang, can thiệp dị dạng mạch máu tủy. Can thiệp lấy huyết khối đạt tỉ lệ tái thông tốt trên 90%. Can thiệp phình mạch đã triển khai tất cả các kỹ thuật để có thể xử lý tối đa các loại phình mạch bao gồm thả coil, Stent – coil, bóng – coil, đặt stent chuyển dòng, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân đột quỵ nặng, đe dọa tính mạng...

“Thời gian tới, Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Trung ương Huế quyết tâm phấn đấu đạt Giải thưởng Kim cương của Hội Đột quỵ thế giới trong cấp cứu và điều trị đột quỵ với mục đích duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng điều trị bệnh nhân đột quỵ; góp phần  xây dựng, phát triển Bệnh viện Trung ương Huế thành Trung tâm Y tế chuyên sâu, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế”, Giáo sư Phạm Như Hiệp chia sẻ.

Được biết, mỗi năm ước tính Việt Nam có hơn 200.000 ca đột quỵ mới, với hậu quả hơn 11.000 người tử vong và trên 100.000 người bị tàn phế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh viện Trung ương Huế đạt giải “VIP” của Hội Đột quỵ thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO