(TN&MT) - Với chiều dài bờ biển hơn 65km, những năm qua, tỉnh Bến Tre thường xuyên phải đối mặt với hạn hán và xâm nhập mặn. Trước tình hình trên, tỉnh đã và đang thực hiện nhiều biện pháp quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài.
Mỗi năm, cứ đến mùa khô, người dân ở vùng ven biển Bến Tre thường xuyên phải chịu cảnh khô hạn, thiếu nguồn nước ngọt để tiêu dùng. Năm nay, trước khi mùa mưa kết thúc, nguồn nước trên các con sông, rạch chưa chuyển mặn, người dân xứ biển đã sớm chủ động tích trữ nguồn nước ngọt để sinh hoạt và sản xuất trong những tháng mùa khô sắp tới.
Anh Trần Thanh Phong, ngụ xã Bảo Thuận (huyện Ba Tri) vừa qua đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để xây hồ chứa nước mưa bằng bê tông dùng cho sinh hoạt gia đình. Cũng giống như anh Phong, nhiều hộ dân nơi đây đã chủ động trang bị lu hồ, mua bạt trữ nước, túi nước cỡ lớn để chứa nước ngọt. Một số hộ dân khác thì tu sửa, ngăn kênh ao, tạo thành các hồ tạm tích trữ nước ngọt để sử dụng trong sản xuất, chăn nuôi.
Còn tại vùng chuyên canh cây trái, hoa kiểng ở huyện Chợ Lách, để tích trữ, bảo vệ nước ngọt, phòng chống hạn mặn, nhiều hộ dân linh hoạt bằng nhiều biện pháp khác nhau như: đào ao, hồ chứa nước, túi trữ nước trên đất vườn, ngăn trữ trong kênh mương... Với mô hình này, các hộ dân, các cơ sở sản xuất nơi đây tích trữ được hàng trăm đến cả hàng ngàn khối nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô.
Bến Tre bảo vệ và phát triển các vùng đất ngập nước quan trọng của tỉnh |
Theo ngành chức năng Bến Tre, trên địa bàn tỉnh ngoài 4 con sông lớn còn có hàng trăm kênh đào, sông, rạch chằng chịt. Nước mặt là nguồn tài nguyên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đời sống và sản xuất của tỉnh Bến Tre, là nguồn cung cấp cho các nhà máy nước phục vụ cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, những năm gần đây, Bến Tre đang dần chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp hiện đại hóa khiến chất lượng môi trường nước trên địa bàn có phần bị ảnh hưởng. Hiện nay, mực nước dưới đất trong các tầng chứa nước ở tỉnh Bến Tre đang bị hạ thấp, chất lượng nước dưới đất hiện đã có dấu hiệu ô nhiễm, suy thoái, không đảm bảo nước sinh hoạt. Còn nguồn nước mặt trên các kênh, sông, rạch tại Bến Tre hiện đang bị ô nhiễm bởi chất hữu cơ, vi sinh, chất rắn lơ lửng, kim loại và có chiều hướng ngày càng gia tăng.
Ông Lê Văn Đáo - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre cho biết, để quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài, tỉnh Bến Tre đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên nước, góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với đời sống, sản xuất, để từ đó sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước.
Bên cạnh đó, đứng trước những áp lực và hệ quả của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tỉnh Bến Tre thực hiện các giải pháp kỹ thuật, khai thác hiệu quả những thông tin cập nhật từ hệ thống trạm quan trắc tự động, hoàn chỉnh hệ thống tích hợp, liên thông trong công tác quản lý, vận hành mang tính thích ứng cao khi hệ thống thủy lợi hoàn thành đưa vào sử dụng.
Đồng thời, xây dựng danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng xả thải, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm ảnh hưởng đến nguồn nước, nhất là nước thải từ khu đô thị và khu công nghiệp; quản lý tổng hợp môi trường các nguồn cấp nước ngọt quan trọng trên địa bàn; duy trì, bảo vệ và phát triển các vùng đất ngập nước quan trọng của tỉnh.
Người dân vùng ven biển Thạnh Phú (Bến Tre) đã bắt đầu mua nước ngọt được vận chuyển từ nơi khác đến |
Theo ông Lê Văn Đáo, ngay từ đầu năm 2021, Tỉnh ủy Bến Tre có Chương trình số 10 về quản lý, đảm bảo an ninh nguồn nước, nguồn cấp nước ngọt thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2020 - 2030. Tại Chương trình này, tỉnh Bến Tre tập trung hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại hóa thủy lợi, hệ thống quan trắc môi trường, chất lượng nước và mạng lưới cấp nước trên địa bàn phục vụ mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đồng thời, thu hút mạnh mẽ các hình thức đầu tư, cung cấp nước sạch sử dụng nguồn nước nhiễm mặn tại chỗ và năng lượng tái tạo. Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cấp nước thô từ thượng nguồn sông Tiền, đa dạng hóa nguồn cung cấp nước, đảm bảo cung ứng đủ nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân và doanh nghiệp trong mùa hạn, mặn.
Từ Chương trình số 10 của Tỉnh ủy, mới đây, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện nhằm tạo sự đồng thuận cao trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, Bến Tre đặt mục tiêu đến năm 2022 công bố danh mục nguồn nước nội tỉnh, danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; đến năm 2023 hoàn thành việc rà soát, đánh giá hiện trạng khái thác, xử dụng tài nguyên nước mặt, hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước trên toàn tỉnh; đến năm 2025 hoàn thành công tác kiểm kê tài nguyên nước; đến năm 2030 sẽ hoàn thành việc cắm mốc hành lang các nguồn nước phải bảo vệ...
Thời gian tới, Sở TN&MT Bến Tre sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về khai thác sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả, an toàn gắn với việc bảo vệ, chống suy thoái nguồn nước; theo dõi, quản lý chặt chẽ việc khai thác sử dụng tài nguyên nước; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, giám sát các nguồn gây ô nhiễm nguồn nước; đồng thời chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng thanh, kiểm tra và xử lý các vi phạm về hành lang bảo vệ nguồn nước.
“Tỉnh Bến Tre phấn đấu đến năm 2025, hệ thống thủy lợi cơ bản khép kín, đồng thời hoàn thành hệ thống dẫn nước ngọt từ Tiền Giang để kết nối các mạng cấp nước hiện có trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Bến Tre cũng tập trung đầu tư hệ thống nước máy để tăng tỷ lệ sử dụng nước sạch, dần thay thế nước hợp vệ sinh; tỷ lệ dân số sử dụng nước hợp vệ sinh sẽ đạt 99%, trong đó tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch đạt 70%”.
Ông Lê Văn Đáo
Phó Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre