Diện tích rừng giảm nghiêm trọng
Theo số liệu thống kê mới nhất của ngành Kiểm lâm cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2019, diện tích rừng tự nhiên của khu vực Tây Nguyên đã giảm tới 27.466 ha (từ 2.234.441 ha xuống còn 2.206.975 ha). Bên cạnh đó, chất lượng rừng bị suy thoái mạnh, tỷ lệ rừng trung bình, rừng giàu còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 18,40% tương ứng với diện tích 0,406 triệu ha; còn lại là rừng nghèo và rừng phục hồi. Ngoài ra, việc cho chuyển đổi rừng sang mục đích sử dụng khác có liên quan theo quy định hiện hành; tình trạng dân di cư tự do, xâm lấn đất trái phép, vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng cũng đã xảy ra nghiêm trọng và diễn biến rất phức tạp.
Tây Nguyên vẫn là điểm nóng về nạn phá rừng và là điểm nóng nhất trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của cả nước. Diện tích rừng tự nhiên của khu vực Tây Nguyên vẫn tiếp tục bị suy giảm; tỷ lệ che phủ rừng năm 2019 của 3/5 tỉnh là Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông trong khu vực tiếp tục bị giảm so với năm 2018. Diện tích rừng do các các công ty lâm nghiệp bị giải thể hiện chưa được quản lý, bảo vệ phù hợp. Ngoài ra, việc sắp xếp các công ty lâm nghiệp diễn ra chậm, chưa có hiệu quả rõ rệt; còn vướng mắc về đất đai. Một số địa phương chưa kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác có liên quan.
Tập trung quản lý, bảo vệ rừng
Theo các chuyên gia và các nhà quản lý có liên quan đến ngành lâm nghiệp, để đạt mục tiêu đến năm 2030, diện tích rừng của toàn khu vực Tây Nguyên đạt khoảng 2,72 triệu ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên hơn 49% theo đề án đề ra thì đòi hỏi các cấp chính quyền, cơ quan quản lý và cộng đồng xã hội toàn khu vực Tây Nguyên phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Theo đó, các tỉnh cần sớm xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đơn vị tổ chức thực hiện hiệu quả đề án; tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án bảo vệ và phát triển rừng trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020; rà soát, bố trí vốn thực hiện các dự án bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời, có kế hoạch, kịch bản, giải pháp cụ thể để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ về bảo vệ và phát triển rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, sắp xếp đổi mới công ty lâm nghiệp ở địa phương; chỉ đạo các chủ rừng hoàn thành việc xây dựng phương án quản lý rừng bền vững.
Nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo mà các tỉnh khu vực Tây Nguyên cần phải thực hiện theo đề án là các tỉnh tập trung thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu còn thiếu của đề án trong giai đoạn 2016 - 2020 và thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ cấp bách về bảo vệ và phát triển rừng, phát triển lâm nghiệp công nghệ cao; quản lý rừng cộng đồng, cải thiện sinh kế; phát triển sản phẩm lâm nghiệp, phát triển lâm nghiệp theo chuỗi giá trị; phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng, chế biến và thương mại sản phẩm lâm sản; quản lý rừng bền vững rừng, cấp chứng chỉ rừng. Ngoài ra, hàng năm, các tỉnh cần có kế hoạch cụ thể để thực hiện đề án; xây dựng, triển khai thực hiện dự án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021 - 2030.