anh-2.jpg
Câu chuyện môi trường

Bảo vệ nguồn sống người dân ven biển

Đình Tiệp 29/08/2023 - 17:35

Những cánh rừng ngập mặn là lá phổi xanh chắn sóng. Ở đó, là dự trữ sinh quyển, là nguồn sống của hàng vạn người dân ven biển xứ Nghệ hôm nay...

Lá chắn xanh” bảo vệ làng mạc

Từ TP.Vinh, chạy dọc theo con đường sinh thái ven sông Lam (Quốc lộ 46C) đoạn từ địa phận xã Hưng Hòa (TP.Vinh), xuống chân cầu Cửa Hội thuộc phường Nghi Hải (TX.Cửa Lò), những cánh rừng bần, rừng sú xanh tốt, như một con đê xanh chạy dài tít tắp làm nhiệm vụ chắn sóng, chắn bão cho người dân các xã ven biển.

anh-2.jpg
Rừng bần Hưng Hòa rộng gần 65ha chở che đê Tả Lam và những cánh đồng, làng mạc.

Chúng tôi gặp ông Hoàng Thiên Dương, trú tại xóm Xuân Cảnh, xã Nghi Xuân (Nghi Lộc), người đã có hơn 10 năm làm nhiệm vụ trông coi và bảo vệ vùng rừng ngập mặn tại địa phương này.

Theo lời kể của ông Dương, những cánh rừng bần, rừng sú ở đây đã có từ lâu, ngày trước người dân cũng không mấy coi trọng, nhiều người còn lội xuống chặt cây về phơi làm củi, có người còn vào rừng săn bắt chim. Thế rồi sau nhiều năm hứng chịu những trận bão lớn, sóng dâng cao cả chục mét đánh thẳng vào đất liền, người dân đã biết quý trọng những cánh rừng ngập mặn hơn.

Nghệ An là tỉnh có đường bờ biển kéo dài tới hơn 82km, chạy qua địa phận 144 xã, phường của 6 huyện, thị. Hiện ở khu vực này đang có 7.728,09 ha rừng, trong đó có 331,09 ha rừng ngập mặn; 1.652,82 ha rừng chắn gió, chắn cát; 5.744,18 ha rừng tự nhiên.

Ông Dương cũng cho biết, ông bảo vệ và chăm sóc tất cả 14,1 ha kéo dài từ xã Nghi Thái (Nghi Lộc) đến xuống tận chân cầu Cửa Hội thuộc phường Nghi Hải (TX.Cửa Lò). Hằng ngày, ngoài việc phải thường xuyên tuần tra, ông Dương luôn phải chằng chống lại những cây non mới trồng mỗi khi thủy triều lên cao. Vào những khi mưa gió, ông còn phải túc trực ngoài rừng để hỗ trợ cho những chiếc thuyền đánh cá không may bị dạt vào rừng.

Đã 23 năm làm công tác bảo vệ rừng ngập mặn xã Hưng Hòa (TP Vinh), ông Đinh Thìn (69 tuổi) thuộc rừng như lòng bàn tay. Buổi trưa, dù trời nắng gắt nhưng ông vẫn thoăn thoắt dẫn tôi lội bộ đi xuyên dọc cánh rừng mà mình nhận chăm sóc, bảo vệ bấy lâu.

anh-1.jpg
Ông Đinh Thìn và ông Trần Văn Chương ở xóm Thuận Hòa, xã Hưng Hòa (TP Vinh) đang đi kiểm tra rừng bần.

“Rừng ngập mặn xã Hưng Hòa kéo dài gần 9km xuống tận Phúc Thái Thọ, diện tích lại rộng gần 65ha. Trước đây rừng hay bị chặt, chim hay bị săn bắn trộm. Công tác bảo vệ rừng cần phải có phương tiện đi lại ven sông, ven biển nên cũng khó khăn. Tôi phải thuê xuồng con đi tuần tra, bảo vệ ban đêm những lúc cần thiết. Trước đây có những gia đình chặt rừng về làm củi nấu bị tôi bắt được nhắc nhở, xử lý. Tôi tham mưu giải pháp bảo vệ rừng cho xã, tuyên truyền tới từng gia đình. Mưa dầm thấm lâu nên giờ đây ý thức bảo vệ rừng bần của người dân rất tốt, tôi yên tâm hơn hẳn…” – Ông Đình Thìn phấn khởi.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, trong năm 2021, thực hiện Dự án “Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển – FMCR”, đã có 28,83 ha rừng phòng hộ ven biển đã được trồng mới, trong đó có 23,71 ha rừng ngập mặn và 5,12 ha rừng chắn gió, chắn cát. Còn năm 2022, toàn tỉnh trồng mới 15,15 ha, đồng thời bổ sung, phục hồi, làm giàu 255 ha rừng ngập mặn và rừng chắn gió, chắn cát ven biển.

Tiền đề của nghề nuôi trồng thủy sản

Tại huyện Diễn Châu hiện nay có 1.249,29 ha rừng phòng hộ ven biển đang được giao cho Hạt Kiểm lâm Diễn Châu quản lý, trong đó có 114,99 ha rừng ngập mặn và 341,52 ha rừng phi lao chắn cát, chắn gió.

Các xã Diễn Bích, Diễn Vạn những năm qua đã khá nổi tiếng với mô hình nuôi cua biển nhờ tiềm năng rừng ngập mặn. Từ tháng 10 hàng năm đến tháng 1,2 năm sau, cua biển thường vào rừng ngập mặn để sinh sản và tháng 3 là thời gian cua con trưởng thành. Những năm đầu khi rừng ngập mặn hình thành, cua biển rất nhiều, người dân Diễn Châu luôn có loại đặc sản này để bán ở chợ.

anh-3.jpg
Rừng bần xã Diễn Kim (huyện Diễn Châu) rộng hơn 150ha xanh ngút ngàn bảo vệ làng biển.

Tuy nhiên, nguồn lợi tự nhiên này dần khan hiếm, bà con bắt đầu đi bắt những con cua nhỡ trong rừng ngập mặn về và thả nuôi xen với cá vược, nuôi xen tôm sau vụ tôm chính, nuôi cua ruộng lúa trên địa bàn. Đó là tiền đề để hình thành nên nghề nuôi cua cho đến nay.

Ông Phan văn Trung, ở xã Diễn Bích, cho biết, gia đình ông nuôi cua quảng canh đã khá lâu, nguồn cua giống bắt được từ rừng ngập mặn và thu mua từ các hộ dân trong vùng. Ông Trung có 3ha thì gia đình thả trên 20 nghìn con, đạt sản lượng khoảng 1 tấn/ha. Con cua đã đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình trong những năm qua.

anh-4.jpg
Nuôi thủy sản phía trong rừng bần ở Diễn Vạn (huyện Diễn Châu).

Còn theo lãnh đạo UBND xã Diễn Vạn, hiện nay địa phương này là xã có nhiều hộ gia đình nuôi cua nhất huyện. Nhờ rừng ngập mặn cho nguồn giống cua dồi dào, bà con trên địa bàn đã nuôi cua xen canh sau vụ tôm cho thu nhập cao. Hiện nay cả xã này có đến gần 30 hộ nuôi cua với diện tích trên 30ha. Mỗi vụ thu hoạch cua của cả xã lên đến hàng vài tỷ đồng, nguồn thu nhập này đã giúp cho nhiều hộ dân vươn lên làm giàu.

Cũng được hưởng lợi từ những cánh rừng ngập mặn là huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Theo đó, ở huyện Quỳnh Lưu, nghề nuôi ngao thương phẩm phát triển từ hàng chục năm trước và đến nay là một trong những nơi chuyên nuôi và xuất ngao giống đi cả nước.

Về nguồn gốc của con ngao ở Quỳnh Lưu thì không thể không kể đến vai trò của rừng ngập mặn. Cùng với nguồn thủy sản sinh sôi, phát triển đa dạng như cua, cáy, hàu, cá bống...dưới chân rừng thì việc phát hiện ngao sinh sôi từ rừng ngập mặn và đưa con giống về nhân lên nuôi được coi là món quà vô giá mà những cánh rừng ngập mặn “ban tặng” cho người dân nơi đây.

Từ số lượng con giống ít, nuôi manh mún, sau một thời gian, ngao được nhân rộng từ một vài héc ta thì đến nay diện tích đã được nhân lên đến hàng trăm héc ta. Từ việc nuôi ngao, nhiều hộ gia đình cho thu nhập đến 300 triệu đồng/năm. Khi thấy được thế mạnh của việc nuôi ngao, bà con trăn trở về chất lượng con giống và muốn tăng cả năng suất lẫn giá trị sản phẩm. Từ đó, nhiều hộ gia đình đã lặn lội tìm vào các trại ngao trong tận Bến Tre để lựa chọn những giống ngao tốt nhất đưa về địa phương nuôi.

anh-5.jpg
Nhờ tiền đề con giống từ rừng ngập mặn mà nghề nuôi ngao ở Quỳnh Lưu phát triển rất nhanh trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Ông Đặng Văn Long, ở xã Sơn Hải (huyện Quỳnh Lưu), cho biết, từ việc xuất hiện con ngao ở rừng ngập mặn, gia đình đã mạnh dạn đầu tư nuôi ngao và sau đó kết hợp nuôi cùng ngao Bến Tre cho thấy có hiệu quả kinh tế cao. Trung bình mỗi héc ta ngao có thể cho năng suất 50-60 tấn, mỗi kg ngao hiện bán giao động từ 10 đến 15 nghìn đồng thì gia đình mỗi năm cũng có thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng.

Nhờ có rừng ngập mặn che chở, tạo nguồn con giống mà các địa phương như Quỳnh Lưu, Hoàng Mai cũng phát triển mạnh nghề nuôi tôm, nuôi hàu. Đến nay, diện tích nuôi tôm của thị xã hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu đã lên đến trên 1.000ha. Hơn nữa, những năm gần đây bà con đã chuyển sang nuôi theo tiêu chuẩn VietGap, nuôi theo công nghệ sinh học thân thiện, bảo vệ môi trường.

anh-6.jpg
Diện tích nuôi tôm bạt ngàn ở xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai).

Xác định thế mạnh kinh tế biển trong quá trình phát triển kinh tế, Nghệ An cũng đã luôn quan tâm, chăm lo đầu tư xây dựng nhiều công trình ven biển góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ thành quả kinh tế và bảo vệ rừng ngập mặn.

Ông Nguyễn Khắc Hải – Trưởng phòng Quản lý và Bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, cho biết: Rừng ngập mặn là yếu tố quan trọng làm giảm sự tác động của biến đổi khí hậu, ngăn sóng, chống bão, cân bằng hệ sinh thái vùng ven biển và là tiền đề cho nhiều ngành nghề nuôi trồng thủy sản phát triển, giảm nghèo bền vững. Vì vậy, ngành Lâm nghiệp thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tiến hành chăm sóc, bảo vệ và giao khoán rừng một cách nghiêm túc nhất theo đúng quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ nguồn sống người dân ven biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO