(TN&MT) - Những năm qua, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện Điện Biên được triển khai thường xuyên. Các quy định về bảo vệ môi trường được đưa vào nội quy cơ quan; quy ước của bản, xã… Góp phần tạo điều kiện cho các xã hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Những năm qua việc thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường là một trong những bài toán khó trong xây dựng NTM ở Điện Biên. Sau nhiều năm nỗ lực thực hiện, người dân nông thôn Điện Biên đã tạo được nhiều thói quen tốt trong xây dựng và bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng đối với kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới của địa phương. Để đạt chuẩn nông thôn mới về môi trường đòi hỏi mỗi xã phải đảm bảo các yếu tố như: trên 90% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 50% được sử dụng nước sạch; 70% hộ dân có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo “3 sạch”; trên 60% hộ chăn nuôi có chuồng trại, hợp vệ sinh; các chất thải khu dân cư tập trung và cơ sở sản xuất, kinh doanh phải được thu gom theo quy định; xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn.
Đánh giá về công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng lòng chảo Điện Biên, ông Ngô Xuân Chinh, Phó chủ tịch UBND huyện Điện Biên, cho biết: Trong khi hiện trạng môi trường nông thôn ở huyện Điện Biên lúc bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM) không có chỉ tiêu nào đảm bảo chuẩn theo đúng tiêu chí của Trung ương, nhất là tình trạng chăn nuôi thả rông, nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn; vấn đề xả rác bừa bãi. Cùng với đó là việc các hộ dân sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, không có nước sạch… Do đó, huyện đã chỉ đạo các xã việc đầu tiên phải tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo vệ cảnh quan môi trường nông thôn xanh – sạch – đẹp; các tiêu chí chuẩn môi trường nông thôn mới và nhấn mạnh ý nghĩa, tác dụng của việc thực hiện xây dựng chuẩn môi trường nông thôn mới.
Qua đó, người dân đã bắt tay vào thực hiện và làm quen dần với các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn từ nhà ra ngõ. Trước tiên, các hộ từ bỏ việc chăn nuôi thả rông và làm chuồng trại tách biệt với nhà ở để đảm bảo vệ sinh môi trường từ mỗi gia đình. Cùng với việc đưa vật nuôi ra khỏi gầm sàn và thực hiện nuôi nhốt, bà con ở các thôn, bản trong toàn tỉnh hiện nay cũng dần hình thành thói quen làm vệ sinh môi trường công cộng như từ việc quét dọn, thu gom, xử lý chất thải, khơi thông cống rãnh cho đến trồng cây xanh, hoa và cây cảnh, bảo vệ phát triển rừng, hạn chế xả thải, tái chế rác thải nhựa, kiến thiết, tạo dựng cảnh quan môi trường.
Xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên là 1 trong 11 xã trên địa bàn trên cả nước được Ban Bí thư Trung ương chọn làm thí điểm triển khai chương trình xây dựng NTM, là xã có xuất phát điểm thấp nhất trong 11 xã điểm của Trung ương. Thời điểm bắt đầu triển khai năm 2009, xã có 2/19 tiêu chí đạt chuẩn. Môi trường là một tiêu chí khó trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM. Xác định điều đó, cấp ủy, chính quyền xã Thanh Chăn đã ban hành nhiều chính sách và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, huy động sự hưởng ứng của người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các thôn vào cuộc vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường; phân công cán bộ phụ trách các thôn, bản và có quy chế về bảo vệ môi trường phù hợp với thực tế. Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, xã đẩy mạnh truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh; tổ chức cho các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm ký cam kết không để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý kịp thời những vi phạm trong thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh.
Vào ngày 15 hàng tháng, xã phát động trên hệ thống loa truyền thanh yêu cầu các thôn, bản; các nhà trường…tổ chức tổng vệ sinh môi trường. Đến nay, hoạt động này đã đi vào nền nếp cứ đến định kỳ, đoàn viên, hội viên cùng nhân dân đều tự giác mang dụng cụ đến khu vực công cộng làm vệ sinh. Cùng với đó, việc bố trí 13 điểm thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên chia sẻ: Từ khi được Hội phụ nữ, đoàn viên thanh niên trong xã hướng dẫn, tuyên truyền về cách xử lý, thu gom rác thải sau sử dụng, thường ngày gia đình tôi phân các loại rác, trong đó các loại rác như gốc rau và một số loại rác dễ phân hủy thì chúng tôi cho ra góc vườn, gốc cây cối để làm phân, còn các loại rác khó phân hủy tôi bỏ vào thùng rác hoặc bao để thu gom. Một trong những việc làm tạo thêm cho cảnh quan môi trường nông thôn đẹp hơn là: Phong trào làm con đường hoa ở các thôn, bản. Việc này cũng được người dân nhiều nơi nhiệt tình hưởng ứng và tham gia thực hiện, nhất là với các xã vùng lòng chảo huyện Điện Biên, hầu hết các tuyến đường dân sinh ở đâu cũng đều hình thành những con đường hoa với nhiều chủng loại, đa màu sắc, tạo cho cảnh quan nông thôn thêm tươi mới và có phần hiện đại hơn. Mọi người đã tranh thủ thời gian, dành công sức để trồng, bảo vệ và chăm sóc cho từng đoạn, từng tuyến để quanh năm có hoa nở, khoe sắc trên mọi tuyến đường quê.
Hiện nay nhiều xã đạt chuẩn NTM đều có những tuyến đường được phủ đầy hoa. Hoa được người dân trồng dọc hành lang giao thông trên mỗi tuyến đường không chỉ nhằm mục đích làm đẹp cho diện mạo nông thôn, mà còn là cách để người dân có ý thức hơn trong việc tạo môi trường xanh, sạch nơi mình sinh sống.