Bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp: Không ít bất cập

28/09/2018 10:51

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) của Quốc hội đang thực hiện giám sát chuyên đề về môi trường các khu công nghiệp (KCN). Kết quả ban đầu cho thấy, các địa phương đã quan tâm hơn đến công tác bảo vệ môi trường (BVMT), tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc cần khắc phục.

Xử phạt nhiều cơ sở vi phạm

Theo Ủy ban KHCNMT của Quốc hội, cùng với việc phát triển các KCN, thu hút đầu tư, các địa phương đã quan tâm hơn đến công tác BVMT với quan điểm "không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế". Tỉnh Hưng Yên hiện có 10 KCN, trong đó 3 KCN đã hoạt động, thu hút hàng chục DN trong lĩnh vực giặt mài, dệt nhuộm, sản xuất giấy, thép và hóa chất - những cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Để bảo đảm công tác BVMT, địa phương yêu cầu các cơ sở này hoàn thiện lắp đặt thiết bị quan chắc tự động và kết nối dữ liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra những khu vực được coi là "điểm nóng" về nguy cơ ô nhiễm môi trường. Từ năm 2015 đến nay, Hưng Yên đã xử phạt vi phạm hành chính 271 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 19 tỷ đồng.

BVMT Khu công nghiệp
Các KCN cần tuân thủ quy định nhằm đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra 4 KCN đang hoạt động và 17 cơ sở luyện gang thép, 3 cơ sở sản xuất giấy, 6 cơ sở sản xuất hóa chất trên địa bàn. Từ năm 2015 đến nay, đã tổ chức 53 cuộc kiểm tra các KCN, cơ sở sản xuất thép, giấy, hóa chất; xử lý 19 cơ sở vi phạm với số tiền phạt hơn 2 tỷ đồng.

Tỉnh Yên Bái hiện thu hút 27 dự án đầu tư đã đi vào hoạt động tại các KCN. Để BVMT, địa phương này thường xuyên có các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn DN thực hiện quy định của pháp luật, các nội dung trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)…

Ý thức doanh nghiệp chưa cao

Mặc dù các địa phương đã quan tâm hơn đến BVMT, song vì nhiều nguyên nhân, công tác này vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương. Theo đó, tại hầu hết các địa phương vẫn tồn tại những KCN dù đã đi vào hoạt động nhưng chưa hoàn thiện hạ tầng BVMT, như: Hệ thống thoát nước; xử lý chất thải rắn công nghiệp; quan trắc môi trường… Điển hình, tại Yên Bái vẫn tồn tại tình trạng các KCN thiếu hệ thống thoát nước và xử lý chất thải rắn công nghiệp, xảy ra tình trạng sạt lở, bồi lấp rãnh, gây ách tắc dòng chảy, ngập úng một số tuyến giao thông, ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác của nhân dân, gây ô nhiễm môi trường tại các vị trí xung quanh KCN…

Bên cạnh đó, ý thức về BVMT của một số DN chưa cao, vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật về BVMT, thực hiện không đầy đủ các nội dung trong ĐTM hay đề án bảo vệ môi trường được xác nhận. Đặc biệt, một số quy định tại Luật BVMT đã đến thời điểm bắt buộc áp dụng nhưng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn. Các cơ quan chức năng làm dịch vụ về quản lý, xử lý chất thải nguy hại còn ít, mức giá dịch vụ cao nên khi DN đầu tư công nghệ tiên tiến, thân thiết môi trường thường phải hợp đồng với đối tác nước ngoài, mất nhiều chi phí.

Ông Trần Văn Minh - Phó chủ nhiệm Ủy ban KHCNMT, Trưởng đoàn giám sát: Phát triển kinh tế phải gắn với BVMT, ổn định đời sống và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp: Không ít bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO