Bảo vệ môi trường hồ Ba Bể

08/04/2015 00:00

(TN&MT) - Với hơn 3.000 hộ dân sinh sống rải rác trong vùng lõi Vườn quốc gia Ba Bể thì áp lực lên môi trường sinh thái nơi đây là tương đối lớn. Đó là chưa kể...

 

(TN&MT) - Với hơn 3.000 hộ dân sinh sống rải rác trong vùng lõi Vườn quốc gia Ba Bể thì áp lực lên môi trường sinh thái nơi đây là tương đối lớn. Đó là chưa kể nguy cơ ô nhiễm môi trường từ khai thác du lịch cũng đang tăng dần lên. Điều này đang đặt ra đòi hỏi cấp bách về việc bảo vệ môi trường bền vững thông qua triển khai đồng bộ quy hoạch du lịch hồ Ba Bể.

Một địa điểm đổ rác bừa bãi trên đường vào hồ Ba Bể. - ảnh: Hồng Tuyến
Một địa điểm đổ rác bừa bãi trên đường vào hồ Ba Bể. - ảnh: Hồng Tuyến

Nhiều áp lực

Là vùng có hệ sông, suối và hồ phong phú có tiềm năng trong khai thác, nuôi trồng thuỷ sản, song lĩnh vực này vẫn chưa được khai thác một cách hợp lý. Hiện tượng đánh bắt cá bừa bãi, thiếu quy hoạch đang dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên thuỷ sản, tuyệt diệt một số loài quý hiếm và gây ô nhiễm môi trường. Tại khu vực hồ Ba Bể đã xuất hiện tình trạng sử dụng kích điện để đánh cá gây tận diệt thủy sản. Việc người dân săn lùng các loại cá quý như cá lăng, cá chiên, cá bống, cá chày đất… đã làm cho các loài cá này đứng trước nguy cơ tuyệt diệt. Có những loại cá trước đây khá nhiều như cá lợ, cá hỏa nhưng hiện nay gần như không còn xuất hiện.

Hồ Ba Bể đang có nguy cơ bồi lắng cao bởi sự tàn phá thảm thực vật trên các dãy núi quanh hồ. Hiện tại những chỗ bồi lấp cũng đã lan ra tới hàng chục héc- ta, được người dân biến thành những ruộng lúa, nương ngô để canh tác. Áp lực lớn nhất đối với môi trường khu vực hồ Ba Bể là chưa có giải pháp triệt để đối với thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải rắn sinh hoạt... Bãi rác huyện Ba Bể hiện tại mới chỉ là bãi chứa, rác chưa được xử lý triệt để.

Hệ thống thoát nước hiện có của các khu dân cư trong khu vực lân cận hồ đều là hệ thống thoát nước chung cả nước mưa và nước thải. Phần lớn nước thải không được xử lý, xả ra hệ thống thoát nước, ao và khu ruộng trũng. Những thông số quan trắc gần đây cho thấy chất lượng nước thải sinh hoạt tại các nguồn xả của khu Chợ Rã có nhu cầu oxy sinh hoá (BOD) đạt tiêu chuẩn loại A, còn đối với nhu cầu oxy hoá học (COD), hàm lượng tổng phốt pho chỉ đạt tiêu chuẩn nước thải loại B cần phải xử lý trước khi thải ra môi trường. Đối với hàm lượng amoni, hàm lượng cặn, coliform đều vượt tiêu chuẩn nước thải loại C, rất nguy hiểm đối với chất lượng môi trường cần ngăn chặn, khống chế.

Trước đây, Vườn quốc gia Ba Bể đã thí điểm đưa vào sử dụng ba thuyền máy chạy bằng ắc quy điện tại hồ Ba Bể. Thí điểm thành công, UBND tỉnh đã có chủ trương mở rộng số lượng nhằm giảm tiếng ồn, giảm xăng dầu thải ra hồ, giảm khói bụi gây ô nhiễm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nhưng chủ yếu là việc các chủ xuồng không đủ tiền để trang bị đã khiến việc nhân rộng không thành. Do đó, hàng trăm xuồng máy chạy dầu vẫn đang nhả khói trên hồ mỗi ngày.

Vấn đề nổi cộm trong bảo vệ môi trường tại khu vực hồ Ba Bể hiện tại là các hoạt động du lịch và sinh hoạt chưa được kiểm soát chặt chẽ nguồn thải đã gây nên các điểm ô nhiễm cục bộ. Các vấn đề về xã hội cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức và sự tham gia đóng góp của người dân trong việc bảo vệ môi trường. Khi quy hoạch du lịch không được thực hiện các xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra theo chiều hướng xấu hơn.

Sớm có giải pháp

Để bảo vệ môi trường tại đây, Vườn Quốc gia Ba Bể đã phối hợp với các cơ quan chức năng đã tiến hành và duy trì một số hoạt động bảo vệ môi trường tự nhiên như quy định về vệ sinh môi trường tại các điểm bán hàng tại bờ hồ, nơi tập trung nhiều hộ kinh doanh, bán lẻ; đặt các thùng rác nhỏ trên thuyền, tại những điểm tham quan, dừng chân của du khách; vệ sinh định kỳ tại các địa điểm du lịch, 2lần/tháng… Dự án 3PAD đã triển khai thí điểm mô hình chi trả dịch vụ môi trường rừng tại thôn Bản Duống, xã Hoàng Trĩ, thôn đầu nguồn nước chảy vào hồ Ba Bể. Mô hình sử dụng nguồn tài chính thu được từ các nguồn đóng góp của Hợp tác xã Xuồng, các nhà nghỉ và các nguồn khác để thực hiện các hoạt động tuần tra bảo vệ rừng, phục hồi rừng mới và xây dựng quỹ sinh kế cho cộng đồng. Tỉnh đã đầu tư lắp đặt một lò đốt rác thải sinh hoạt tại huyện.

Theo Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Kạn đến 2015, định hướng đến 2020 thì đối với hồ Ba Bể những nhiệm vụ đặt ra là lập dự án trồng rừng, bảo tồn, phát triển rừng và bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên; kiểm kê, đánh giá hiện trạng tài nguyên sinh vật và xác định độ đa dạng sinh học; định hướng bảo vệ và phát triển thủy sinh; định hướng bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, với những hạn chế như đã nói trên thì đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia vẫn đang chịu nhiều áp lực.

Việc triển khai Quy hoạch xây dựng khu du lịch Ba Bể đến năm 2030 cũng sẽ gây ra một số tác động tới môi trường khu vực hồ. Nhất là hoạt động của các khu vực dịch vụ du lịch sẽ thải ra một lượng lớn các chất ô nhiễm trong nước thải, khí thải và chất thải rắn... Nếu không có các biện pháp bảo vệ môi trường hợp lý sẽ có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái hồ Ba Bể và sức khoẻ của người dân. Theo dự báo tại Quy hoạch vùng Ba Bể tới 2025 thì tải lượng các chất ô nhiễm có trong nước phát sinh từ du khách tới du lịch tại hồ Ba Bể sẽ gia tăng đáng kể. Cụ thể, chất BOD là hơn 220kg/ngày; COD 492kg/ngày; SS hơn 267kg/ngày; TDS 488kg/ngày; N hơn 44kg/ngày.

Việc phát triển du lịch tại hồ Ba Bể là hoàn toàn đúng đắn tuy nhiên ngay từ lúc này cần có những giải pháp bảo vệ môi trường triệt để hơn. Đó là cần phải xây dựng hạ tầng xử lý nước thải sinh hoạt để bảo đảm không có nước “bẩn” chảy vào lòng hồ. Hoạt động của các xuồng du lịch cũng cần phải chuyển đổi sang sử dụng máy móc, công nghệ xanh thay vì sử dụng dầu như hiện tại… Đây là vấn đề cần được quan tâm để phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường; để hồ Ba Bể mang lại giá trị kinh tế những vẫn bảo đảm một môi trường sống sạch cho nhân dân và duy trì du lịch bền vững./.

Tuấn Sơn 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ môi trường hồ Ba Bể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO