Bám biển không xa bờ

02/12/2018 15:16

(TN&MT) - Thay vì đánh bắt thủy sản xa khơi, các mô hình bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản bền vững ven bờ đã tạo nên sinh kế mới cho cư dân nhiều vùng ven biển.

image001
Rừng ngập mặn có thể là môi trường nuôi tôm - sò có hiệu quả. Ảnh: Nguyễn Cường

Vừa bảo vệ, vừa tái tạo

Những năm qua mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ đang mang lại hiệu quả lớn trong bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản tại nhiều địa phương ven biển như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa…

Mô hình lấy trọng tâm và phát huy vai trò là người dân, người trực tiếp hưởng lợi để nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển. Nếu như trước đây phần lớn ngư dân vẫn cho rằng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản là trách nhiệm của Nhà nước thì việc thành lập Tổ Đồng quản lý nghề cá ven bờ với ngư dân là thành viên đã tạo nên mối liên kết Nhà nước và người dân cùng tham gia bảo vệ.

Hoạt động của các Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ này đã mang lại những tín hiệu tích cực mang lại nhiều chuyển biến trong nhận thức. Nhiều ngư dân bỏ nghề cấm như cào sò, giã cào, lờ dây.

Ngoài phát huy tinh thần tự giác khi khai thác thủy sản, các thành viên Tổ Đồng quản lý đã kiên trì đến từng hộ ngư dân vận động, tuyên truyền, ký cam kết chuyển đổi nghề. Đồng thời các Tổ Đồng quản lý nghề cá ven bờ cũng có nhiệm vụ giám sát tình hình khai thác của các tàu cá hoạt động trên địa bàn, tổ chức tuyên truyền vận động các tàu không đánh bắt trong mùa cá sinh sản để đảm bảo nguồn lợi thủy sản ven bờ và bảo vệ môi trường biển. 

Không chỉ bảo vệ, các địa phương còn có hoạt động thiết thực tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tỉnh Nghệ An đã tiến hành thả 1000m² rạn nhân tạo cách bờ biển làm nơi trú ngụ cho các loài sinh vật biển và cũng là cách ngăn không cho các phương tiện khai thác gần bờ.

Phát huy sinh kế

Cũng phát triển từ mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ, các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang đã có giải pháp mới phát triển sinh kế khi thực hiện mô hình đồng quản lý. Ví như mô hình nuôi thủy sản kết hợp dưới tán rừng theo hình thức quảng canh cải tiến. Cách sản xuất này không chỉ ít rủi ro, cho thu nhập ổn định mà còn giúp các địa phương khôi phục lại diện tích rừng ngập mặn ven biển. 

Ở Sóc Trăng, mô hình thực hiện với diện tích 10.000 m2 dưới tán rừng ngập mặn, đối tượng thả nuôi là Vọp, ốc len, ba khía, thòi lòi. Từ hiệu quả của mô hình, các Tổ Đồng quản lý nghề cá ven bờ đề xuất tiếp tục nhân rộng theo hướng phát triển du lịch sinh thái.

Còn tại Kiên Giang, từ nguồn vốn của chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC), những hộ dân nhận khoán đất rừng phòng hộ ven biển An Biên - An Minh đã thực hiện việc nuôi tôm - sò dưới tán rừng ngập mặn vừa thêm thu nhập, lại bảo vệ rừng. Nhờ gia tăng được diện tích rừng, tạo được độ mát bước đầu cho mặt ao nuôi kết hợp với chế độ điều tiết nước phù hợp đúng kỹ thuật đã tạo được hiệu quả tốt cho việc nuôi tôm - sò dưới tán rừng ngập mặn. Nhiều hộ dân có thu nhập ổn định.

“Đây là bài tuyên truyền về Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam năm 2018”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bám biển không xa bờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO