Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển” - Thở đi nào biển ơi! - Bài 3: Hãy hành động mạnh mẽ hơn vì biển

Bài và ảnh: Mai Lữ (Báo Nhân dân)| 25/03/2021 15:26

(TN&MT) - Máy ép rác hay các hình thức thu gom, xử lý tạm thời… vẫn chỉ là giải pháp mang tính ứng phó với thực trạng đã và đang diễn ra. Dù nỗ lực, nhưng các giải pháp trên chỉ giải quyết được một số lượng nhất định, còn lượng rác khổng lồ vẫn xâm nhập khắp đại dương và “tấn công” lại cuộc sống con người. Ô nhiễm, dịch bệnh… là hậu quả đã nhìn thấy rõ, song vẫn tồn tại sự chủ quan, thờ ơ, vô trách nhiệm. Nếu yêu biển, bạn hãy để tim mình hành động mạnh mẽ hơn.

Góp một cánh tay chặn con đường của rác

Không phải ngẫu nhiên chúng tôi chọn Quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 làm điểm thực tế và khảo sát về thực trạng, giải pháp xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa trên biển. Đây là vùng biển, đảo tiền tiêu của Tổ quốc, đang đảm đương nhiệm vụ thiêng liêng với điều kiện khí hậu, sinh hoạt còn nhiều khó khăn, khắc nghiệt. Thế nhưng, mỗi ngày, bộ đội trên đảo, Nhà giàn đều phải có trách nhiệm cao với môi trường, xử lý lượng rác khổng lồ mà phần nhiều không do mình thải ra. Chưa kể, ở biển đảo, ngay cả khi gom được rác, vẫn phải “sống chung” cho tới khi có tàu vận chuyển. Trong khi đó, các đảo ven bờ và đất liền đủ thùng đựng rác, nơi tập kết rác, công nhân môi trường… rác vẫn ngập tràn từ nhà ra phố đến nơi công cộng… vì những hành động tùy tiện, thiếu ý thức.

Riêng môi trường biển, năm 2020, có khoảng hơn 206.000 tấn rác, trong đó gần 40% xả ra biển. Một số đảo khai thác du lịch như Cát Bà, Phú Quốc, Côn Đảo... đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, đặc biệt lượng rác thải nhựa ngày một tăng. Đáng lo ngại, vi nhựa - chất thải nhựa có kích thước micro (nhỏ, < 5 mm) hình thành trong quá trình sản xuất hoặc phân mảnh vật liệu nhựa tồn tại dưới dạng vật chất lơ lửng và trong trầm tích đáy biển rất khó phân hủy, dễ dàng được tích lũy trong chuỗi thức ăn sinh vật, gây ra những tác động đáng kể tới các hệ sinh thái biển. Các loại rác thải kích thước lớn như lưới, ngư cụ… trôi nổi trên biển gây hại nghiêm trọng cho các sinh vật biển khi bị mắc kẹt, giảm năng suất đánh bắt thủy sản, tác động xấu đến hệ sinh thái biển khác...

Tại đảo Phú Quốc, do còn chậm triển khai các dự án xử lý rác đã dẫn đến hàng loạt vấn đề ô nhiễm môi trường, nguy cơ phát triển không bền vững. Theo thống kê, mỗi ngày Phú Quốc phát sinh khoảng 150 tấn rác thải sinh hoạt, những ngày cao điểm có nhiều khách du lịch, số rác thải phát sinh còn lên đến khoảng 180 tấn. Rác trên đảo chủ yếu được thu gom về bãi rác Ông Lang, tháng 7/2020, bãi này quá tải, rác phải đưa về bãi rác Đồng Cây Sao. Chỉ sau 20 tháng, lượng rác tại các bãi đã lên đến khoảng hơn 90.000 tấn, dự kiến không lâu nữa sẽ quá tải. Phú Quốc có một nhà máy xử lý rác đặt ở ấp Bãi Bổn (xã Hàm Ninh) do Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Toàn Cầu đầu tư với số vốn khoảng 230 tỷ đồng, hoạt động với công suất 200 tấn/ngày nhưng do trục trặc về máy móc nên không xử lý đúng như công suất, gây nên lượng rác tồn đọng, ô nhiễm ở mức báo động.

Đốt rác trên đảo

Cần thêm nhiều khối óc và tâm hồn yêu biển

Trao đổi về giải pháp xử lý rác thải đại dương, các chuyên gia môi trường cho biết, từ năm 2013 đến nay, một số doanh nghiệp đã chuyển hướng sang nghiên cứu, phát triển sản xuất các vật liệu và sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, có nguồn gốc từ tự nhiên hay có khả năng phân hủy sinh học. Khác hoàn toàn với các sản phẩm nhựa thông thường, phải mất thời gian hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm mới có thể phân rã và để lại nhiều vi nhựa cho môi trường, sản phẩm từ các vật liệu phân hủy sinh học hoàn toàn khi tiếp xúc với môi trường tự nhiên tùy vào tính chất có thể phân hủy hoàn toàn thành nước, khí CO2 và mùn đất. Trong “nền kinh tế tuần hoàn”, các sản phẩm từ cây trồng như tinh bột, đường mía… sẽ được chuyển hóa thành nguyên liệu tái tạo, là đầu vào để sản xuất các nguyên vật liệu sinh học.

Chu trình khép kín này tạo thành chuỗi giá trị xanh, hoàn toàn thân thiện với môi trường và không gây bất kỳ một ảnh hưởng tiêu cực nào. Giải pháp trên cần nhanh chóng áp dụng, đặc biệt ở những môi trường như Quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1, các đảo ven bờ, vùng ven biển…

Ở góc độ xã hội, cần thêm sự vào cuộc về mọi lĩnh vực với những câu chuyện, biểu tượng mang tính tác động lớn, góp phần thay đổi nhận thức, hành động của con người. Mỗi năm, trên các phương tiện thông tin đại chúng tràn ngập thông tin về nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trở thành đại sứ thương hiệu cho nhãn hàng cao cấp đến lĩnh vực giải trí, thời trang… nhưng đại sứ vì môi trường lại rất ít ỏi. Điều này có phần trái ngược với nhiều quốc gia trên thế giới, hầu hết các nghệ sĩ nổi tiếng đều sẵn sàng đảm nhận vai trò đại sứ vì môi trường. Như thế, không có nghĩa là không có những con người “lăn xả” để góp một cánh tay chặn lại con đường của rác. Vào tháng 8/2018, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (Lekima Hùng) đã thực hiện chặng đường xuyên Việt kéo dài 33 ngày đêm, đi suốt 7.000 km (trong đó có 3.260 km đường bờ biển) bằng xe máy. Trong hành trình, anh đặt chân đến 40 tỉnh, trong đó có 28 tỉnh giáp biển để ghi lại những hình ảnh ám ảnh nhất về rác thải. Người dân sống chung, tắm biển chung với rác, bãi rác toàn ruồi, “truyền thống” xả rác thẳng ra biển… đều được ống kính nhiếp ảnh gia ghi lại. Anh đăng tải bộ ảnh và các clip trên trang web “Save our seas” (Hãy cứu biển) và nhận được hiệu ứng tốt, hàng chục ngàn lượt “like” và “share”. Đáng mừng, sau khi những bức ảnh về bờ biển ngập rác ở nhiều tỉnh, thành phố được đăng tải, chính quyền địa phương đã huy động người dân dọn rác ngay và bản thân Lekima Hùng ngoài chụp ảnh còn hành động vì môi trường như: Thường xuyên tổ chức những chuyến đi dọn rác ở biển cùng các thành viên trong hội, nhóm và duy trì trang web “Save our seas” (Hãy cứu biển), Chợ xanh… để đưa những thông tin về rác thải, môi trường. Anh nhận định, việc giúp trẻ em nhận thức và hành động xử lý rác rất quan trọng. Khi những con người phải cúi xuống nhặt rác thì việc vứt rác bừa bãi nhiều khả năng được ngăn chặn từ trong ý thức. Lekima Hùng đã tổ chức triển lãm ảnh “Hãy cứu biển”, ra mắt cuốn sách “Du ký xanh” kể về chuyến hành trình chụp ảnh rác đặc biệt với quyết tâm: “Nếu không làm ngay, chắc chắn con cháu chúng ta sẽ chịu hệ quả từ rác thải!”.

Với đà phát triển mạnh mẽ về mọi lĩnh vực của đất nước ta hiện nay, có lẽ cách giải quyết vấn đề rác thải không chỉ nằm ở phạm vi những giải pháp, nguồn lực mà quan trọng hơn cả đó là sự kết nối tất cả một cách quyết liệt, vững bền và tự nguyện.

“Với trên 3.000 km bờ biển, 28 tỉnh thành ven biển; hơn 3.000 hòn đảo (33 điểm đảo bộ đội đóng quân), 15 Nhà giàn DK1; 20.000 tàu biển các loại cùng 108 lưu vực sông (hơn 3.450 sông, suối và 9 hệ thống sông lớn)... Việt Nam là một trong các quốc gia được mong đợi về những chiến lược và hành động mạnh mẽ vì biển. Vì vậy, những người lính biển, đặc biệt những cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển cần phải nêu cao tinh thần gương mẫu, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giữ cho môi trường biển luôn bình yên, xanh - sạch - đẹp”.

Chuẩn đô đốc Phạm Văn Quang, Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển” - Thở đi nào biển ơi! - Bài 3: Hãy hành động mạnh mẽ hơn vì biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO