Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển” lần 2: Làng chài Nhơn Hải và tình yêu rùa biển
(TN&MT) - Một làng chài bình dị như bao làng chài ven biển khác của Việt Nam, tuy nhiên, những năm gần đây, làng chài Nhơn Hải (TP. Quy Nhơn, Bình Định) bỗng trở nên nổi tiếng, thu hút sự quan tâm của cộng đồng trong và ngoài nước bởi một điều giản dị: Tình yêu của con người với rùa biển.
Là cán bộ Chi cục Thủy sản, lại quản lý mảng bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản, tôi có điều kiện thuận lợi gắn bó chặt chẽ với các địa phương ven biển trên toàn tỉnh. Tuy nhiên với hơn 10 năm công tác trong ngành thủy sản, địa phương mà tôi ấn tượng nhất là xã bán đảo Nhơn Hải. Bởi lẽ Nhơn Hải không chỉ có sự lột xác hoàn toàn từ một làng quê nghèo thành một làng chài đáng sống mà còn là sự chuyển biến ý thức rõ rệt của cộng đồng dân cư đối với môi trường và thiên nhiên.
Bãi đẻ của rùa biển tại khu dân cư
Khu vực bãi biển xã Nhơn Hải (bao gồm cả bãi Hải Giang và Hòn Khô) đã được xác định là bãi đẻ của loài Vích (Rùa xanh) từ rất lâu. Tuy nhiên trong những năm gần đây rùa lên đẻ thường xuyên ở bãi biển trước khu dân cư của xã. Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho công tác bảo tồn rùa biển tại Bình Định, dấy lên niềm tin và hi vọng về tình yêu và sự chân thành gắn kết giữa con người với động vật hoang dã.
Đầu tháng 7, cả làng chài Nhơn Hải rộn ràng phấn khởi khi những cá thể rùa con đầu tiên xuất hiện trên bãi biển xã nhà. Qua kiểm tra Tổ chức cộng đồng (TCCĐ) bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải xác nhận đây là những cá thể rùa con nở từ ổ trứng rùa đầu tiên. Từ khi trứng được đẻ (21.5) đến khi nở (8.7) là 7 tuần. Kết quả kiểm đếm ổ trứng sau khi nở, trong tổng số 103 trứng có 57 rùa con chào đời khỏe mạnh đạt tỉ lệ nở thành công là 55%.
Ông Nguyễn Ngọc Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải hào hứng chia sẻ trong năm 2024, trong vòng hơn 1 tháng ( từ 21.5 -25.6) đã có 4 lượt rùa biển lên bãi biển trước khu dân cư của xã Nhơn Hải để đẻ trứng với tổng số trứng khoảng 400 quả (đêm 21.5 đẻ 103 trứng, đêm 2.6 đẻ 102 trứng, đêm 13.6 đẻ 99 trứng, đêm 25.6 khoảng 100 trứng). Tổng số trứng trên do cùng một rùa mẹ đẻ. Rùa mẹ này dài 0,94m, chiều rộng mai rùa 0,86m, ước nặng hơn 90kg, thuộc loài Rùa Xanh, Vích (Chelonia mydas) - thuộc nhóm "đang bị đe dọa" theo phân loại của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), phụ lục I của công ước CITES về cấm buôn bán vận chuyển quốc tế.
Anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng - thành viên TCCĐ phấn khởi cho biết, có 3 trong 4 ổ trứng ở gần mép nước nên anh và các thành viên TCCĐ nhanh chóng di dời đến nơi an toàn, cách mép biển 70m, tại khu vực khoanh vùng bảo vệ bãi đẻ rùa biển. Rùa mẹ đã được TCCĐ bấm thẻ đeo với số hiệu VN 1078 để thuận tiện theo dõi và bảo vệ trong mùa sinh sản.
Tuy nhiên đây không phải là năm đầu tiên có rùa biển lên đẻ trước khu dân cư mà trước đó, vào năm 2021 liên tiếp từ tháng 6 - 9, bãi biển xã Nhơn Hải có 5 lượt rùa biển lên bờ đẻ tổng cộng 476 quả trứng, 3/5 ổ trứng đã nở thành công với 150 cá thể rùa con về biển an toàn.
Tình yêu rùa biển ... gắn kết con người
Tôi vẫn còn nhớ rất rõ thời điểm năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát. Tại Bình Định, lãnh đạo tỉnh ra lệnh cấm các hoạt động tụ tập đông người trên biển đã tạo điệu kiện thuận lợi về một bãi biển yên ắng cho rùa biển lên đẻ trứng. Ổ trứng 98 quả đẻ sát mép nước vào ngày 29.6, nguy cơ cao bị triều cường cuốn. Được sự tư vấn hỗ trợ nhiệt tình của bà Bùi Thị Thu Hiền - chuyên gia IUCN, và sự hỗ trợ của ngành chức năng, cuối cùng ổ trứng đã được di dời đến nơi an toàn sau đó gần 1 ngày. Sau 50 ngày ấp tự nhiên, 53 rùa con chào đời đạt tỉ lệ nở thành công 54% trong sự hạnh phúc, vỡ òa của những người tham gia cứu hộ.
Việc ổ trứng nở với tỉ lệ thành công cao đã tạo động lực cho các bên tham gia cùng chung tay bảo tồn rùa biển. Ông Trần văn Vinh - Phó Chi cục Thủy sàn Bình Định cho biết trong 3 năm liên tiếp từ 2022 - 2024, doanh nghiệp Avani Quy Nhon Resort và Anantara Quy Nhơn Villas đã phối hợp với Chi cục Thủy sản Bình Định, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và TCCĐ Bảo vệ nguồn lợi thủy sản của 4 xã, phường ven vịnh Quy Nhơn triển khai các hoạt động làm sạch bãi biển, nhặt rác ở đáy biển tại khu vực bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô; tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường sống của rùa biển. Ngoài ra, các doanh nghiệp nói trên đã hỗ trợ một phần kinh phí giúp TCCĐ Bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải thực hiện đồng quản lý bảo vệ môi trường và bãi đẻ rùa biển tại địa phương.
Ông Erik BillGren - Giám đốc Công ty Avani Quy Nhơn Resort cho biết, đây là niềm tự hào không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả Tập đoàn Minor Hotel. Hoạt động chung tay cùng cộng đồng bảo tồn rùa biển đã được Tập đoàn thực hiện ở nhiều quốc gia như Thái Lan, Maldives... Avani Quy Nhơn Resort và Anantara Quy Nhơn Villas rất vui khi có thể đại diện cho Tập đoàn đóng góp một phần rất nhỏ vào sự bảo tồn môi trường và đa dạng sinh học tại vịnh Quy Nhơn.
TCCĐ xã Nhơn Hải thành lập theo Luật Thủy sản 2017 trong khuôn khổ hoạt động của dự án Vịnh Quy Nhơn do Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quy Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ, Hiệp hội Thủy sản là đơn vị chủ trì thực hiện. TCCĐ xã Nhơn Hải được UBND TP. Quy Nhơn công nhận và giao quyền quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực Hòn Khô Nhỏ, xã Nhơn Hải, TP. Quy Nhơn với diện tích 12,043ha. Từ khi thành lập đến nay Tổ đã làm tốt hoạt động bảo vệ san hô, rùa biển, bảo vệ môi trường, sản xuất nước rau câu, du lịch sinh thái... hướng đến bảo tồn, phát triển sinh kế bền vững. Những hoạt động trên đã góp phần giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn Nông thôn mới và Nông thôn mới nâng cao.
Bà Nguyễn Hải Bình - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thủy sản cho hay mặc dù dự án đã kết thúc vào cuối năm 2021, tuy nhiên Nhóm zalo Ban điều hành dự án Vịnh Quy Nhơn vẫn duy trì hoạt động, theo dõi, hỗ trợ và hướng dẫn hoạt động của các TCCĐ. Thông tin rùa biển liên tục đẻ trứng và được TCCĐ xã Nhơn Hải, di dời, ấp nở thành công làm ai nấy đều rất vui mừng và hạnh phúc. Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - điều phối viên Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) chia sẻ "Nhơn Hải làm mình vỡ òa, vui không tưởng nổi".
Có trường hợp khách du lịch ở Nha Trang khi đi tham quan tại Nhơn Hải trúng ngày rùa đẻ (ổ thứ 4) đã hỗ trợ ngay 1 triệu đồng cho TCCĐ lắp camera bảo vệ ổ trứng rùa.
Có thể thấy tình yêu đối với thiên nhiên nói chung và rùa biển nói riêng đã được gieo cấy và đâm chồi nảy lộc trong mỗi người dân làng chài. Mỗi cá thể rùa xuất hiện trên bãi biển giờ đây không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của chính quyền và cộng đồng dân cư xã Nhơn Hải mà còn lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng và trở thành niềm hạnh phúc của tất cả mọi người - những người yêu thiên nhiên và rùa biển./.