Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Sống xanh để giữ xanh biển

Phạm Thạch Hoàng (Long Biên, Hà Nội)| 23/09/2021 12:24

(TN&MT) - Biển là một phần tất yếu của cơ thể đất nước Việt Nam. Người Việt từ ven biển tới đồng bằng, cho đến những vùng miền núi xa xôi đều cùng giao hòa trong tiếng gọi của biển và chung ý thức: Giữ xanh biển chính là giữ sự trong lành, khỏe khoắn của đất nước từ phía biển.

Cho nên, muốn giữ xanh biển phải sống xanh từ bờ. Từ bờ mang lối sống xanh xuống biển.

Sống xanh từ bờ

Một thực tế đặt ra là nếu không có ý thức giữ vệ sinh môi trường, nếu con người cứ vứt rác bừa bãi thì kể cả ở cách ven biển rất xa, rác đó vẫn có thể trôi ra biển bằng con đường sông hồ. Đó là chưa kể đến những hành vi xâm hại môi trường biển, vứt rác bừa bãi ngay những vùng bờ ven biển sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến biển một cách rất nhanh. Vì vậy, sống xanh không chỉ cho bờ mà còn mang lại lợi ích cho biển.

Sống xanh giờ đây đã trở thành một xu hướng tích cực và tiến bộ của thế giới hiện đại. Hiểu một cách đơn giản, sống xanh là đưa ra các quyết định ủng hộ và hành động hướng đến sự phát triển bền vững nhằm giảm tác động tiêu cực, nâng cao chất lượng sống, bảo vệ và “thúc đẩy” sức khỏe của con người và môi trường.

Sống xanh từ bờ và xanh hóa đô thị biển là cách con người ứng xử khôn ngoan với biển. Ảnh: MH

Sống xanh là xu hướng không còn quá mới mẻ với các bạn trẻ, nhất là các bạn trẻ ở tuổi thanh niên, đặc biệt với các bạn tích cực tham gia các phong trào của Đoàn Thanh niên. Ở nhiều cơ quan, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị xã hội, Đoàn Thanh niên đã có nhiều sáng kiến hay về sống xanh như mua các chai, lọ thủy tinh đựng nước nơi công sở thay chai nhựa công nghiệp, phân loại rác tại nguồn để góp phần tái chế; các bạn nữ thanh niên khuyến khích sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ để làm đẹp... Những năm gần đây, một số hoạt động hưởng ứng Giờ trái đất, Ngày Môi trường thế giới, Ngày tiêu dùng Xanh, các chương trình ra quân dọn rác làm sạch môi trường, nói không với túi nilon và đồ dùng nhựa… do Đoàn Thanh niên chủ động triển khai đã có sức lan tỏa trong cộng đồng và thu được một số kết quả nhất định.

Ngay lứa tuổi thiếu niên, ở nhiều trường THCS, các thầy cô cũng đã có những chương trình tuyên truyền cho các học sinh về lối sống xanh và làm quen với sống xanh bằng những hành động cụ thể, thiết thực.

Hiện nay, không ít công sở, các cơ quan đơn vị đã có ý thức sống xanh rất rõ. Đó không chỉ là việc thường xuyên lau dọn, giữ vệ sinh nơi làm việc, nơi công cộng mà còn tạo dựng nên các tiểu cảnh xanh sạch, giàu ô xy… bằng việc trồng nhiều cây bon sai, cây cảnh mini tại lối đi nơi làm việc, trên ban công các tòa nhà.

Sống xanh biểu hiện rất đa dạng, nhưng nhìn chung, đó là lối sống hòa hợp với tự nhiên, thân thiện với môi trường, từ trong nhận thức tới hành động. Về mặt nhận thức sống xanh là thái độ thân thiện, tôn trọng thiên nhiên, nhận thức được ảnh hưởng qua lại giữa hoạt động của con người và môi trường, việc giữ gìn môi trường là nhằm bảo đảm bảo sức khỏe của con người; lên án các hành vi xâm hại môi trường, làm mất vệ sinh công cộng, mỹ quan đô thị; Về phương diện hành động, sống xanh hình thành và duy trì lối sống sạch sẽ trong sinh hoạt cá nhân và ở nơi công cộng, chung tay hành động giữ gìn môi trường sống ở nơi cư trú, nơi làm việc.

Xanh hóa đô thị biển

Với Việt Nam, biển là một phần tất yếu của cơ thể sống đất nước. Người Việt từ ven biển tới đồng bằng, cho đến những vùng miền núi xa xôi đều cùng giao hòa trong tiếng gọi của biển và chung ý thức giữ xanh biển chính là giữ sự trong lành, khỏe khoắn của đất nước từ phía biển.

Biển và bờ có mối quan hệ mật thiết, tiếp diễn, nối dài và nối liền. Rõ ràng, không thể làm xanh sạch biển nếu từ trên bờ, từ trong lối sống hàng ngày, con người không có được ý thức và thói quen sạch sẽ, yêu mến và tôn trọng thiên nhiên, gìn giữ môi trường. Cho nên, giữ xanh biển, phải sống xanh từ trên bờ. Từ bờ mang lối sống xanh xuống biển. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới giải pháp xây dựng các mô hình kiến trúc đô thị xanh ven biển.

Xây dựng các mô hình kiến trúc đô thị xanh ven biển hay nói một cách khác là xanh hóa các đô thị biển có thể khả thi trong một xác lập quan niệm, tiêu chí tương thích, nhất là mô hình chuyển đổi một đô thị biển đơn thuần sang đô thị xanh ven biển một cách tổng thể trên nền tảng của những thế mạnh tự nhiên đặc trưng riêng của từng khu vực.

“Hãy làm sạch biển” cùng nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Ảnh: MH

Là quốc gia ven biển, Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260km, với hơn 50% dân số sinh sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển. Trong xu hướng liên kết kinh tế và hợp tác hiện nay, việc lựa chọn các đô thị ven biển để phát triển và liên kết kinh tế là yêu cầu bắt buộc đối với các địa phương có biển.

Trong bối cảnh đó, cần có định hướng rõ ràng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định riêng cho nhà cao tầng ở ven biển nói riêng và kiến trúc các đô thị ven biển Việt Nam nói chung. Các công trình cao tầng phải đảm bảo xây dựng đúng theo quy hoạch, đảm bảo được đủ diện tích công cộng, đất cây xanh cho khu vực ven biển.

Trong phát triển kinh tế biển, nổi lên ngành nghề du lịch nghỉ dưỡng. Đây là con đường tất yếu và cũng là thế mạnh của Việt Nam. Bài toán đặt ra là nhu cầu phát triển đô thị cho phục vụ du lịch biển luôn tạo ra một sức ép với môi trường biển. Trong các đô thị hiện đại không thể thiếu hình ảnh của các tòa nhà cao tầng, và lẽ đô thị biển cũng vậy.

Có thể nói các tòa nhà cao tầng có tác động tích cực về môi trường đô thị như tăng hiệu quả sử dụng đất, giảm lưu lượng giao thông và lượng khí thải carbon dioxide… Nhà cao tầng ven biển có những lợi thế về tạo dựng cảnh quan hiện đại, về quảng bá thương hiệu và hưởng lợi từ các tài nguyên thiên nhiên như nắng gió tầm nhìn, không khí trong lành… Tuy nhiên, với chiều cao và diện mặt đứng lớn, nhà cao tầng sẽ che chắn ánh mặt trời tạo ra nhiều vùng bóng đổ, làm thay đổi chuyển động không khí tác động đến các vùng tiểu khí hậu đô thị. Những “dãy tường cao ốc” ven biển sẽ che hết gió mát, nắng và gây ra ô nhiễm “tầm nhìn biển” của phần đô thị biển phía sau.

Vì vậy, chìa khóa ở đây là cần hài hòa và đồng bộ giữa phát triển đô thị một cách hợp lý và thông minh để cân bằng sự tác động mạnh mẽ lên môi trường biển khi xây dựng các công trình cao tầng ven biển phục vụ cho du lịch nói riêng và phát triển đô thị nói chung.

Bên cạnh xây dựng một đô thị du lịch xanh thì phải xây dựng các mô hình đô thị xanh mang tính đồng bộ, tổng quan với các tiêu chí thân thiện với môi trường, gần gũi với thiên nhiên, tôn trọng, hài hòa với tự nhiên… đậm chất sinh thái; bố trí nơi vứt rác và phương án xử lý rác thải, hợp lý, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Hiện nay, các kiến trúc xanh được chú ý và ưu tiên lựa chọn. Các nhà khoa học đưa ra nhiều tiêu chí khác nhau về đô thị ven biển. Trong đó, tiêu chí môi trường hoặc có liên quan đến môi trường được xem trọng. Với các mô hình kiến trúc xanh đó, khi sinh sống, làm việc, chúng có khả năng tạo ra sự cộng hưởng với môi trường, tôn lên vẻ đẹp môi trường, bảo vệ môi trường bền vững.

Nước ta, với lợi thế bờ biển dài, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, văn hóa vùng miền đặc sắc… loại hình đô thị ven biển và du lịch nghỉ mát sinh thái biển là phù hợp và khả thi. Vì vậy, công cuộc xanh hóa các đô thị biển là yêu cầu cần thiết để phát triển nền kinh tế biển bền vững. Bên cạnh đó, phải xanh hóa cả từ bờ. Sống xanh từ bờ và xanh hóa đô thị biển là cách con người ứng xử khôn ngoan với biển.

Bài dự thi xin gửi về địa chỉ

Email: thukytoasoan.monre@gmail.com
Điện thoại liên hệ: 0243.7738729 (máy lẻ 305)
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Sống xanh để giữ xanh biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO