Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Công nghệ số giữ “xanh” môi trường biển

Phạm Thạch Hoàng (P.1209, KĐT mới Sài Đồng, P. Việt Hưng, Q. Lon| 26/08/2021 12:56

(TN&MT) - Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành ngày 22/10/2018 đã đưa vấn đề ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ vào trong quản lý và phát triển kinh tế biển Việt Nam.

Quyết tâm đưa ra các giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế biển được thể hiện trong Nghị quyết đó là: “Đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ biển gắn với điều tra cơ bản biển; Hình thành các trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến, xuất sắc (công nghệ sinh học biển, công nghệ vũ trụ trong giám sát biển, khai thác đáy biển sâu trên cơ sở kế thừa và phát triển nguồn lực sẵn có); Đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế và khu vực để phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng vùng biển, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng...”.

Điều này cho thấy nhận thức sâu sắc của Đảng ta về tầm quan trọng, vai trò to lớn của khoa học, công nghệ trong khai thác, quản lý biển và bảo vệ biển trên mọi lĩnh vực, trong đó có môi trường biển.

Chúng ta đang bước vào thời đại Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư (CMCN 4.0). Tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đều biết đến lợi thế của cuộc cách mạng này, coi đó như một cẩm nang, công cụ cho phát triển. CMCN 4.0 đã thúc đẩy và hỗ trợ hình thành chính quyền điện tử, chính phủ số mà Việt Nam đã có ý thức triển khai cách đây 10 năm (cải cách hành chính Quốc gia 2011 - 2021). Những thành tựu của trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thông tin (IT), công nghệ rô bốt tỏ ra có lợi thế trên vùng biển, một địa bàn khó tiếp cận, đi lại không như trên đất liền. Với các công nghệ số - không dây (điện thoại di động, máy tính, internet - 4G, 5G, GPS, Wifi), công nghệ vệ tinh viễn thám, rađa, glider (AUV), robotic (ROV) ứng dụng trên địa bàn biển có nhiều thuận lợi, giúp tăng cường thông tin và định vị các hoạt động trên biển theo hướng hiện đại, gọn nhẹ hơn.

Để giàu lên từ biển, mạnh lên nhờ biển, có nhiều hạng mục công việc phải làm, tuy nhiên, một trong các vấn đề hết sức quan trọng là phải giữ cho được môi trường biển, đó là yếu tố tiên quyết để phát triển kinh tế biển. Giữ được môi trường biển chính là giữ biển trong trạng thái trong xanh, phòng chống được các tác hại từ đất liền, qua đó kiểm soát được “sức khỏe” biển. Những công nghệ nói trên, đặc biệt là công nghệ số trong định vị, giám sát mục tiêu, trong nhận dạng, cảnh báo các nguy cơ, thách thức, trong thông tin và truyền tin… giúp các cơ quan chức năng rất nhiều trong việc theo dõi “sức khỏe” biển, bảo vệ môi trường biển.

Du khách lặn khám phá cổng Tò Vò dưới đáy biển thuộc đảo Bé (hay còn gọi là xã đảo An Vĩnh), huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Hiện nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là các tỉnh thành có biển đã hình thành đô thị thông minh, có trung tâm chuyên trách việc điều hành, quản lý đô thị, về cơ bản được gọi là Trung tâm điều hành đô thị thông minh, giúp quản trị bao gồm cả lĩnh vực môi trường. Vấn đề đặt ra là, với chiều dài 3.260 km đường bờ biển, biển không phải lúc nào cũng đi qua trung tâm của các tỉnh, thành phố, nhưng biển lại có ảnh hưởng rộng, tác động cả trực tiếp và gián tiếp tới các địa phương, ngành nghề, con người; gần gũi, gắn liền với đời sống sản xuất, sinh hoạt của cư dân ven biển. Vì vậy, công tác điều hành, quản lý biển của các cơ quan chức năng và các địa phương có biển rất cần đến tầm bao phủ rộng, tính chất điều hành quản lý thông minh mà công nghệ số chính là công cụ thế mạnh đáp ứng yêu cầu quản lý trên.

Đối với các vùng biển hoặc vị trí biển bị ô nhiễm, máy móc có thể đo được lượng không khí, thành phần không khí, mức độ ô nhiễm để cảnh báo và truy tìm nguyên nhân, cung cấp thông tin về thời tiết, khí hậu cho các hoạt động của tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, theo dõi tình hình rác thải, phát hiện và cảnh báo những bất thường về môi trường xảy ra.

Ứng dụng công nghệ số vào giám sát, bảo vệ môi trường biển đối với các hoạt động du lịch cũng đã được một số địa phương chú trọng triển khai, đơn cử như thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa. Cách đây 2 năm, UBND TP. Sầm Sơn phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tổ chức khai trương, đưa Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh vào hoạt động. Việc đưa các giải pháp công nghệ vào hoạt động góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm an ninh, an toàn ở đô thị du lịch biển Sầm Sơn. Những năm gần đây, công tác quản lý việc khai thác dịch vụ du lịch Sầm Sơn đã đi vào quy củ, hạn chế được rất nhiều các hoạt động khai thác du lịch, kinh doanh dịch vụ vi phạm môi trường biển; chất lượng môi trường biển được đánh giá tốt hơn rất nhiều so với trước đây.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát môi trường biển vùng bờ, nhất là vùng công nghiệp, du lịch, làng chài gắn với sinh hoạt  đông đúc của cư dân, trong khuôn khổ bài viết này, trên quan điểm riêng của người viết, cần chú trọng một số nội dung sau:

Áp dụng rộng rãi, đồng bộ quản lý, giám sát môi trường, theo dõi “sức khỏe” biển thông qua các thiết bị công nghệ: Cùng với các dự án đô thị thông minh, nên có dự án triển khai lắp đặt các thiết bị công nghệ theo dõi không khí, đo đạc các chỉ số cần thiết liên quan đến môi trường biển, lắp đặt hệ thống camera theo dõi rác thải nơi hoạt động dân sinh vùng ven biển, đặc biệt vùng chợ, nhà hàng, khu chế biến, khu du lịch… để nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát môi trường biển. Lợi thế của công nghệ này là tiết kiệm được nhân lực và thời gian, giúp cơ quan chức năng và những người làm công tác quản lý, giám sát nắm được thông tin về chất lượng không khí, môi trường biển, các hoạt động trên biển và vùng bờ quản lý, các hoạt động vùng gần bờ, vùng liên quan, đặc biệt là các vị trí nhạy cảm về môi trường biển một cách đồng bộ, kịp thời để có phương án xử lý trước mắt và giải pháp lâu dài.

Sinh vật sặc sỡ màu sắc ở rạn san hô.

Sử dụng mạng xã hội bảo vệ môi trường biển: Hiện mạng xã hội đã trở thành thông dụng đối với sinh hoạt cá nhân mỗi người dân. Các cơ quan quản lý, giám sát, bảo vệ môi trường biển và hải đảo địa phương ven biển cần chủ động mở các đường dây tiếp nhận thông tin về rác thải và rác thải biển qua mạng xã hội (zalo, facebook…), chủ động kết nối, tiếp nhận thông tin về các sự cố môi trường, những hành vi xả rác thải bừa bãi, kịp thời phối với các cơ quan chức năng xử lý.

Tận dụng được thế mạnh toàn dân giữ biển chắc chắn là một giải pháp dài lâu và bền vững. Trước mắt, phát huy vai trò người dân địa phương trong việc bảo vệ gìn giữ môi trường biển, phát hiện tố giác những hành vi xâm hại môi trường biển với cơ quan chức năng thông qua mạng xã hội sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân và hiệu quả của chế tài giám sát, xử phạt.

Thúc đẩy giáo dục tuyên truyền về môi trường trên truyền thông đa phương tiện: Tích cực tuyên truyền vai trò, giá trị của tài nguyên biển, ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường biển đối với đời sống của con người; tuyên truyền không chỉ thông qua các pano, áp phích về môi trường đặt tại các địa điểm công cộng mà lồng ghép trên các chương trình truyền hình, chương trình quảng cáo, các trang mạng xã hội như youtube, facbook, zalo, twitter... - là những phương tiện truyền thông thế mạnh hiện nay để thu hút sự chú ý đông đảo của cư dân mạng.

Công nghệ là giải pháp mang tính kỹ thuật. Về phương diện kỹ thuật, sẽ không quá khó để triển khai, nhất là khi khoa học, công nghệ ngày một phát triển. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đánh thức được ý thức của người dân trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển. Ý thức tự giác cộng với công nghệ giám sát quản lý thông minh và chế tài đủ sức răn đe sẽ là cơ sở để nâng cao hiệu quả chăm sóc “sức khỏe” biển, bảo vệ môi trường biển, góp phần tái tạo, nuôi dưỡng tài nguyên trong một môi trường biển xanh.

Bài dự thi xin gửi về địa chỉ:

Email: thukytoasoan.monre@gmail.com

Điện thoại liên hệ: 0243.7738729 (máy lẻ 305)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Công nghệ số giữ “xanh” môi trường biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO