Căn hộ trung cấp tại TP.HCM áp đảo thị trường |
Căn hộ trung cấp áp đảo thị trường
Theo báo cáo thị trường căn hộ quý III từ công ty CBRE Việt Nam, phân khúc trung cấp chiếm tỷ trọng cao nhất với 87% nguồn cung chào bán. Mức giá căn hộ phổ biến trên thị trường khoảng 31 - 40 triệu đồng/m2, tương đương 2,2 - 2,8 tỷ đồng/căn hộ 2 phòng ngủ.
Dù nguồn cung dồi dào từ phân khúc trung cấp, giá trung bình vẫn giữ được mức ổn định so với quý trước do tỷ lệ tiêu thụ đạt 90%. Giá trung bình đạt 44 triệu đồng/m2, tăng 15% cùng kỳ năm trước.
Các đơn vị nghiên cứu thị trường khác cùng đặt kỳ vọng cuối năm nay và sang năm 2020, phân khúc cao cấp và trung cấp sẽ có thêm nguồn cung mới, thiết lập mặt bằng giá mới. Mức tăng giá lần lượt là 6% và 5% theo năm, CBRE Việt Nam nêu.
Ở góc độ rộng hơn, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt nhờ vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế và tầng lớp trung lưu. Theo thống kê của World Bank được CBRE Việt Nam tổng hợp, tỷ lệ tầng lớp trung lưu dự kiến sẽ tăng từ mức 10% năm 2016 lên 26% năm 2026 và 50% năm 2035.
Với tốc độ đô thị hóa của Việt Nam, thị trường BĐS cần thêm 375.000 căn hộ mỗi năm, gấp 6 lần tổng số căn hộ bán ra tại 2 thị trường lớn nhất Việt Nam là TP HCM và Hà Nội trong 3 năm trở lại đây. Nguồn cầu nhà ở cao và bền vững, tăng trưởng qua các năm chính là yếu tố được kỳ vọng thúc đẩy thị trường trong những năm tới.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao CBRE Việt Nam nhận định, năm 2019, với những thay đổi chính sách của thị trường BĐS và cho vay tín dụng đã hạn chế nguồn cung không đủ tiêu chuẩn. Vì thế, cơ hội lúc này dành cho các chủ đầu tư biết tận dụng điều chỉnh chiến lược kinh doanh, có kế hoạch phát triển quỹ đất và lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Phối cảnh sảnh đón khách trong dự án River Panorama của An Gia (Ảnh: CĐT) |
An Gia chọn nhà ở vừa túi tiền và trung cấp
Tập đoàn An Gia xác định phân khúc phát triển trọng tâm là nhà ở vừa túi tiền và trung cấp. Doanh nghiệp có 5 năm hoạt động trong vai trò chủ đầu tư cho rằng, đây là phân khúc có mức tiêu thụ ổn định bất chấp sự biến động của thị trường.
Thực tế cho thấy, chỉ trong 5 năm qua, An Gia phát triển hơn 10.000 căn hộ phân khúc vừa túi tiền và phân khúc trung cấp, tỷ lệ hấp thụ trên 90% chỉ trong 3 tháng. Dự báo ngay trong năm 2019, với những khó khăn chung của thị trường, An Gia vẫn tiêu thụ được hơn 3.500 căn hộ với doanh số 8.000 tỷ đồng.
Chiến lược đầu tư ưa thích của Tập đoàn có phần lớn dự án tại TP HCM là tập trung vào các dự án nhỏ, pháp lý đầy đủ, khả năng triển khai nhanh. Kể từ khi chuyển hướng từ một doanh nghiệp môi giới sang chủ đầu tư vào năm 2014, An Gia đã lựa chọn và phát triển thành công các dự án nhỏ như: Garden, Star, Riverside và Skyline. Các dự án này chỉ từ 1 - 2 block, số lượng 300 - 400 căn hộ, thời gian xây dựng tới giao nhà chỉ trong 2 - 3 năm.
Theo An Gia, tất cả dự án trên đã bán hết trên 90% sản phẩm chỉ sau 3 tháng mở bán. Hiện, An Gia vẫn tiếp tục phát triển theo mô hình này với River Panorama 1, River Panorama 2, Signial, The Sóng với hơn 1.000 sản phẩm mỗi dự án.
Trong quá trình thực hiện các dự án, ban lãnh đạo An Gia luôn tâm niệm: "Muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau". Do đó, Công ty đã chọn hợp tác với đối tác là các quỹ đầu tư trong hành trình "đi xa" cùng chinh phục những tầm cao như: Creed Group, Hoosiers (Nhật Bản) hay Actis (Anh Quốc).
An Gia cho biết mục tiêu tỷ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) từng dự án khoảng 60 - 80%. Do cấu trúc đầu tư đặc thù, mô hình hợp tác với nước ngoài (góp 20 - 30 % vốn nhưng lợi nhuận hưởng 50%), IRR của riêng An Gia có được luôn ở mức cao.
Ban lãnh đạo Công ty cho biết sẽ tiếp tục chiến lược M&A các dự án có điều kiện pháp lý tương đối hoàn thiện để đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án. Một số dự án gần đây của An Gia có thể mở bán chỉ trong vòng 6 - 9 tháng kể từ khi mua. Tốc độ triển khai nhanh giúp An Gia tăng hiệu quả tài chính, giảm rủi ro và liên tục tái đầu tư.
Đây là một lợi thế của An Gia khi triển khai các dự án tại TP HCM mà hiếm doanh nghiệp nào có được, trong bối cảnh quỹ đất khan hiếm, quá trình phê duyệt pháp lý ngưng trệ và nhiều công ty phải tạm dừng triển khai.