6 tháng đầu năm 2023, ngành Công Thương đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận
(TN&MT) - Trong bối cảnh thế giới, khu vực biến động phức tạp, 6 tháng đầu năm 2023, ngành Công Thương đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Nhiều điểm sáng trong 6 tháng đầu năm 2023
Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 ngành Công Thương. Đây cũng là lần đầu tiên, Bộ Công Thương kết hợp tổ chức Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại định kỳ.
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng thông tin, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường đã tác động trực tiếp, đa chiều đến phát triển của mọi quốc gia, trong đó có nước ta.
Trong bối cảnh đó, với nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế nước ta đã đạt những kết quả đáng ghi nhận: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối vĩ mô được bảo đảm… GDP quý II tăng 4,14%, cao hơn Quý I (tăng 3,28%). Tính chung 6 tháng, GDP tăng 3,72%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát ở mức 3,29%…
Đóng góp vào các thành tích chung đó, ngành Công Thương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm cao của tập thể Ban cán sự, Lãnh đạo Bộ và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp toàn ngành đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao bằng nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt và đạt nhiều kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm 2023.
6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp đã phục hồi 98,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 48/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng. Một số trung tâm công nghiệp lớn của cả nước đã khôi phục đà tăng trưởng công nghiệp như: Thái Nguyên tăng 4,1%; Quảng Ninh tăng 7,4%; Bắc Giang tăng 15,7%, Hải Phòng tăng 12,3%, TP.HCM tăng 1,9%, Bình Dương tăng 2,6%; Đồng Nai tăng 3%.
Riêng với ngành điện, Báo cáo 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ Công Thương cho thấy, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là vào thời điểm đầu mùa nắng nóng, nhưng đã nhanh chóng khắc phục và cơ bản bảo đảm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Lũy kế 6 tháng năm 2023, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia ước đạt 136,090 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Lĩnh vực dầu khí (trong đó Petrovietnam là đơn vị nòng cốt) đã nỗ lực bám sát các nhiệm vụ mục tiêu và kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra, tiếp tục duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Về cung ứng xăng dầu, Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ mục tiêu và kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra, duy trì hoạt động sản xuất, phấn đấu duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước.
Đáng chú ý, trong bối cảnh khó khăn chung của thương mại toàn cầu, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn đạt được những kết quả tích cực. Cán cân thương mại đạt mức xuất siêu kỷ lục 12,25 tỷ USD (gấp gần 11 lần so với mức thặng dư 1,16 tỷ USD của cùng kỳ năm trước) góp phần ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô của nền kinh tế. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,81 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 22,06 tỷ USD. 6 tháng đầu năm, có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%).
Nhập khẩu hàng hóa cơ bản được kiểm soát tốt, kim ngạch nhập khẩu tăng chủ yếu là các nhóm hàng phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu chiếm 88,1%; nhập khẩu của nhóm hàng cần kiểm soát chỉ chiếm 6,2%.
Nửa năm đầu 2023, thị trường trong nước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10,9% so với cùng kỳ), đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu cho người dân, tiếp tục là điểm sáng hỗ trợ quá trình phục hồi tổng cầu và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa suy giảm.
Thương mại điện tử tiếp tục là phương thức phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông trong và ngoài nước, hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả một lượng lớn nông sản, thực phẩm cho người nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt khi vào vụ thu hoạch; doanh thu thương mại điện tử B2C 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.
Đặc biệt, công tác quản lý, đảm bảo trật tự thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa tiếp tục được củng cố, đạt nhiều kết quả tích cực. Cũng trong thời gian này, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã tiếp tục kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định nhiều vụ việc kinh doanh hàng hóa nhập lậu lớn, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về chất lượng và giá sản phẩm, an toàn thực phẩm...
Tập trung triển khai 6 nhóm giải pháp trọng tâm
Dù đạt được nhiều kết quả ấn tượng, song theo lãnh đạo Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, chưa phục hồi hoàn toàn so với cùng kỳ, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành giảm 1,2%; kim ngạch xuất nhập khẩu nói chung đều giảm so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp trong nước.
Thêm vào đó, xuất khẩu sang các khu vực, thị trường lớn đều sụt giảm, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng chủ lực đều giảm; Việc cung ứng điện gặp nhiều khó khăn, phải thực hiện điều hòa phụ tải và tiết giảm điện ở một số địa bàn vào thời điểm nắng nóng gay gắt, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân...
Năm 2023, Chính phủ đã giao các chỉ tiêu chính của ngành Công Thương gồm: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 8 - 9%; Kim ngạch XK tăng khoảng 6%, duy trì xuất siêu; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 8 - 9%; Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu tăng khoảng 8 - 9,7%.
Để hoàn thành các chỉ tiêu được Chính phủ giao cả năm 2023, trong bối cảnh tình hình 6 tháng cuối năm còn diễn biến phức tạp, thuận lợi và khó khăn đan xen, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, trước mắt, ngành Công Thương tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Cùng với đó, ngành Công Thương tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn và an sinh xã hội trong tình hình mới; kịp thời nắm bắt, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, dầu khí, than, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản... nhằm gia tăng năng lực sản xuất mới; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo cung ứng điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng; chủ động xây dựng phương án điều tiết thị trường, đảm bảo cung ứng, phân phối xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân.
Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường tìm đơn hàng mới để tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất cho các doanh nghiệp. Tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường trong nước.
Đặc biệt, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực phát triển công thương địa phương, xúc tiến thương mại, phòng vệ thương mại, quản lý cạnh tranh, quản lý thị trường và các mặt hoạt động khác, đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Ngành Công Thương sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống.