Quý III/2024, ngành Công Thương tăng trưởng tích cực
Chiều ngày 23/10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Họp báo thường kỳ Quý III thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thuơng mại 9 tháng năm 2024.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì họp báo, cùng tham dự còn có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ..
Các chỉ tiêu tăng trưởng tích cực
Phát biểu tại cuộc họp ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Công Thương) cho biết: Năm 2024, phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng tiếp tục diễn ra trong bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Kinh tế toàn cầu dự báo tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát tăng cao, tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại chủ yếu do việc thắt chặt chính sách tiền tệ được thực hiện trong hai năm qua.
Sản xuất công nghiệp trong quý III/2024 tăng trưởng tích cực hơn quý trước, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước tăng 9,59% so với quý III/2023. Tính chung 9 tháng năm 2024, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả trên đóng góp 2,71 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,9%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,5%. Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 28,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 24,7%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 18,8%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 16,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 13,0%; dệt tăng 12,8%; sản xuất kim loại tăng 12,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 12,0%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 11,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,1%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7,8%,...
Về xuất nhập khẩu, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của nước ta trong 9 tháng năm 2024 đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.
Tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 11%), trong đó xuất khẩu tăng 15,4% (cùng kỳ giảm 8,2%); nhập khẩu tăng 17,3% (cùng kỳ giảm 13,9%). Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 20,79 tỷ USD.
Về thị trường trong nước, trong tháng 9/2024, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2024 ước tính tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Thuận lợi và thách thức trong Quý 4
Công Thương nhận định trong Quý 4 sẽ có nhiều thách thức và thuận lợi đan xen như: Sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế có độ mở lớn của nước ta trong thời gian tới.
Cùng với đó là các đòi hỏi khắt khe từ các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, từ đó dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu.
Xu hướng phát triển kinh tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số ngày càng rõ nét và đang định hình lại các hình thức, loại hình dự án FDI trên toàn cầu.
Kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo là “hạ cánh an toàn” (nhưng tăng trưởng kinh tế của một số đối tác lớn của Việt Nam có nhiều khác biệt). Tình hình tài khóa - tiền tệ toàn cầu đang có dấu hiệu nới lỏng hơn khi các chính sách tài khóa tại nhiều quốc gia trở nên hỗ trợ tăng trưởng hơn; Quý III/2024 đánh dấu sự phục hồi tích cực của thương mại toàn cầu (dù không đồng đều giữa các ngành và khu vực). Thị trường các FTA tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư…
Tuy nhiên, cũng còn nhiều rủi ro và thách thức khó đoán định do chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức, yếu tố rủi ro, bất định, đặc biệt là căng thẳng địa chính trị và xung đột vũ trang ở châu Âu và Trung Đông. Ngoài ra, giá cước vận tải biển chưa có xu hướng hạ nhiệt và những tác động tiêu cực của siêu bão Yagi đối với hoạt động sản xuất trong nước sẽ là khó khăn, thách thức không hề nhỏ đối với sản xuất công nghiệp và thương mại của nước ta trong thời gian tới.
Trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động, đặc biệt là bám sát tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Tại cuộc họp báo, ngoài các vấn đề liên quan đến sản xuất, nhập khẩu, hoạt động thương mại, các vấn đề liên quan đến kinh doanh xăng dầu, chi Quỹ bình ổn xăng dầu, luật điện lực sửa đổi, đề xuất khởi động lại điện hạt nhân... là chủ để nóng được các cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm đặt câu hỏi cho ngành Công Thương.