Kinh tế

Xăng dầu, điện... vẫn là vấn đề nóng của ngành Công Thương

Ngọc Châu 29/03/2024 - 21:57

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, bên cạnh các vấn đề liên quan đến sản xuất, nhập khẩu, hoạt động thương mại, các vấn đề về kinh doanh xăng dầu, tình hình cung ứng điện mùa khô, điều hành giá điện theo quy định và cơ chế mới... vẫn là chủ đề nóng được các cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm đặt câu hỏi cho ngành Công Thương.

dien-320240329161815.jpg
Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ

Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu

Thông tin về đề xuất để doanh nghiệp tự quyết định giá xăng dầu, bà Nguyễn Thị Thúy Hiền, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho biết, Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan đang xây dựng dự thảo mới về Nghị định sửa đổi các Nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Tại Dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất Nhà nước không điều hành giá xăng dầu, thay vào đó là công bố giá thế giới bình quân 15 ngày và một số chi phí cố định (tỉ giá ngoại tệ, chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp, các loại thuế, phí). Dựa trên dữ liệu này, các doanh nghiệp đầu mối sẽ tự đưa ra giá bán tối đa và giá bán lẻ tới người tiêu dùng không được cao hơn mức tối đa này.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hiền lý giải rằng, đề xuất của Bộ là xây dựng Nghị định mới theo hướng tiến gần hơn cơ chế thị trường. Tuy vậy, để đảm bảo mục tiêu cân đối cung - cầu xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng và tiệm cận thị trường thì phải có điều tiết của cơ quan Nhà nước.

Theo đó, Nhà nước sẽ ban hành công thức giá để doanh nhân tự quyết định giá bán nhưng không cao hơn công thức giá quy định. Bộ Công thương sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành khác để tổng hợp các đề xuất gửi Bộ Tài chính báo cáo chính phủ xem xét quyết định chủ trương.

ban-hanh-nghi-dinh-kinh-doanh-xang-dau-rut-ngan-thoi-gian-dieu-hanh-gia-xuong-7-ngay-824.jpg

Về Quỹ Bình ổn xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, thời gian qua quỹ này đã bộc lộ nhiều bất cập và có rất nhiều ý kiến xung quanh việc bỏ hay không bỏ quỹ. Cơ quan soạn thảo sẽ lấy ý kiến để đưa ra cơ chế phù hợp để đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về mức trích, chi, thời gian trích, chi sử dụng quỹ hay có các đề xuất khác phù hợp hơn.

Có đủ cơ sở tin tưởng năm 2024 không thiếu điện

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khi trả lời báo chí về tình hình cung ứng điện năm 2024 tại buổi họp báo.

Nhận định tình trạng thiếu điện diễn ra năm 2023 là "sự cố đáng tiếc", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, để đảm bảo cung ứng điện trong năm 2024, Thủ tướng Chính Phủ đã giao cho Bộ Công Thương trực tiếp giám sát, tham gia vào việc điều hành, cùng với EVN đảm bảo vận hành cung ứng điện.

evncpc-642023-mua-nang-nong-dd4c7bc010f6cca895e7.jpg

Bộ Công Thương đã chủ động ban hành kế hoạch cung ứng điện, đồng thời ban hành các kế hoạch đảm bảo các nguyên, nhiên liệu, đặc biệt là khí, than để phục vụ cho các nguồn điện. Đặc biệt, Bộ Công Thương đã ban hành kế hoạch riêng và cụ thể về cung ứng điện cho các tháng mùa khô từ tháng 4 đến tháng 7, trên cơ sở đó rà soát hàng tháng, hàng quý và có báo cáo để điều chỉnh kịp thời. Đây là điểm mới của Bộ nhằm cụ thể hóa các giải pháp đảm bảo cung ứng điện cao điểm mùa khô.

Chúng tôi có đủ cơ sở tin tưởng rằng năm 2024 sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu điện và sẽ nỗ lực đảm bảo cung ứng đủ điện không chỉ năm nay mà còn cả những năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương

Theo ông Nguyễn Thế Hữu - Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, hết quý I/2024 tăng trưởng phụ tải đạt hơn 11%, cao hơn so với dự báo. Vì vậy, để đảm bảo cung cấp điện, từ cuối năm 2023, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ 6 giải pháp chính về cơ chế, chính sách, đầu tư xây dựng và quán triệt tuyệt đối trong công tác vận hành nhằm đảm bảo cao nhất việc cấp điện cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.

Tập trung các nguồn lực để phấn đấu hoàn thành các công trình lưới điện, nguồn điện để giải toả nguồn điện cũng như tăng cường khả năng truyền tải.

Đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu, nhiên liệu cho phát điện, đặc biệt là than và khí.

Tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình vận hành các quy định ngành điện, khắc phục nhanh chóng những sự cố xảy ra, chuẩn bị dự phòng vật tư sẵn sàng đảm bảo vận hành hệ thống.

Điều tiết hợp lý các nhà máy thuỷ điện đảm bảo dự phòng công suất điện năng trong cao điểm mùa khô.

Tăng cường công tác rà soát các đường dây truyền tải 500kV, 200kV, kiểm tra khắc phục các khiếm khuyết nếu có, hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố.

Tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh các chương trình tiết kiệm điện.

Đối với việc sửa đổi Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, ông Nguyễn Thế Hữu nêu rõ quyết định mới ban hành cơ bản kế thừa quyết định cũ, tuy nhiên có điểm mới là rút ngắn thời gian điều chỉnh xuống 3 tháng/lần.

“Điều này không có nghĩa là 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần mà còn phụ thuộc đánh giá tác động kinh tế vĩ mô, cập nhật chi phí sản xuất kinh doanh điện đã đủ mức xem xét điều chỉnh giá điện hay chưa”, ông Hữu nhấn mạnh.

Việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh để đảm bảo chi phí không bị dồn quá nhiều gây ảnh hưởng cân bằng tài chính của EVN. Việc này cũng nhằm đưa giá điện thích ứng với sự biến động của yếu tố đầu vào theo thị trường, phù hợp với quan điểm chỉ đạo về phát triển năng lượng quốc gia.

Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực khẳng định công tác điều hành giá điện sẽ đảm bảo sự công bằng, minh bạch trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan, kiểm tra chi phí và công khai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xăng dầu, điện... vẫn là vấn đề nóng của ngành Công Thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO