Bất động sản

11 dự án nhà ở xã hội được vay gói 120.000 tỷ đồng

Thùy Linh 13/06/2024 - 12:18

(TN&MT) - Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, các ngân hàng thương mại đã giải ngân tới chủ đầu tư, người mua nhà xã hội số tiền là 1.144 tỷ đồng, gồm: 1.133 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 11 dự án; 11 tỷ đồng cho người mua nhà tại 4 dự án…

Thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, đến nay cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 418 ngàn căn hộ (tăng 4 dự án, 6.950 căn so với thời điểm tháng 3/2024). Trong đó, ghi nhận 75 dự án đã hoàn thành với số lượng gần 40 ngàn căn; 128 dự án đã khởi công xây dựng với khoảng hơn 115 ngàn căn; còn lại 300 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô hơn 263 ngàn căn.

Ngoài ra, về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, bên cạnh 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank), thì tới nay, thêm Ngân hàng Tiên Phong (TPbank) và VPBank đã có văn bản đăng ký tham gia chương trình với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng…

noxh.jpg
Tiến độ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng còn rất chậm.

Các ngân hàng thương mại đã giải ngân tới chủ đầu tư, người mua nhà xã hội số tiền là 1.144 tỷ đồng, bao gồm: 1.133 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 11 dự án; 11 tỷ đồng cho người mua nhà tại 4 dự án.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Bộ đánh giá việc thực hiện triển khai Đề án vẫn còn những hạn chế. Cụ thể, về cơ chế, chính sách, mặc dù Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Đất đai 2024 đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, có thêm các chính sách ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đơn giản thủ tục và các điều kiện để được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội…. Song đến nay các Luật chưa có hiệu lực thi hành.

Mặt khác, ở một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo; chưa quyết tâm, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ giao tại Đề án; nhiều tỉnh, thành phố lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp có tỷ lệ thực hiện nhà ở xã hội thấp so với mục tiêu của Đề án, như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long An…

Tương tự, nhiều địa phương chưa kịp thời điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của địa phương, để phù hợp với mục tiêu của Đề án; chưa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án; chưa xác định rõ nhu cầu về đất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội làm cơ sở quy hoạch bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.

Trong khi phía doanh nghiệp, một số lại gặp khó khăn về tiếp cận đất đai, nguồn vốn… Thực tế, Bộ Xây dựng cũng nhận định việc giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng vẫn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn.

Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu đề ra, thời gian tới, Bộ Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tập trung xây dựng, sớm trình Chính phủ ban hành các Nghị định, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn liên quan đến việc triển khai các dự án nhà ở xã hội như: Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về phát triển nhà ở xã hội, nhất là thủ tục đầu tư; quy hoạch, bố trí quỹ đất.

Riêng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, khuyến khích thêm các ngân hàng thương mại tham gia chương trình cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng và mở rộng room tín dụng tạo điều kiện cho các ngân hàng thực hiện. Song song đó, nghiên cứu xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà xã hội với thời vạn vay từ 10-15 năm, lãi suất ưu đãi thấp hơn 3-5% so với cho vay thương mại thông thường, để đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp có cơ hội, động lực mua nhà. Đặc biệt, nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp tình hình thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
11 dự án nhà ở xã hội được vay gói 120.000 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO