Tài nguyên

Yên Mô (Ninh Bình): Chuyển biến về chất trong quản lý, sử dụng đất đai

Tuyết Chinh 09/06/2023 - 16:35

(TN&MT) - Những năm qua, công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn huyện Yên Mô (Ninh Bình) đã tạo được sự chuyển biến thực sự về chất, góp phần tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng. Đặc biệt, việc đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong nông nghiệp đã tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.

Theo UBND huyện Yên Mô, từ khi Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành, công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp. Quản lý và sử dụng đất chặt chẽ đúng pháp luật đã góp phần làm ổn định tình hình an ninh, chính trị trật tự xã hội trên địa bàn. Người có nhu cầu sử dụng đất được bình đẳng theo quy định, nhằm khắc phục được tình trạng xin cho thông qua hình thức đấu giá, phát huy được giá trị của tài nguyên đất tạo nguồn lợi cho các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng.

Ông Bùi Đức Trí, Trưởng phòng TN&MT huyện Yên Mô cho biết, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đến nay UBND huyện Yên Mô đã hoàn thiện việc lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt. Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, ngành và UBND các xã, thị trấn tổng hợp nhu cầu sử dụng đất để lập kế hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai năm 2013 trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng đất của các công trình, dự án, tạo điều kiện cho việc sử dụng đất có hiệu quả, tránh lãng phí.

xa-nong-thon-moi-kieu-mau-yen-5054-1242-1594626706_1200x0.jpg
Sử dụng đất hiệu quả ở Yên Mô góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các công trình, dự án phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn được thực hiện chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Thực hiện giao đất, chuyển mục đích cho nhân dân làm nhà ở tại những khu vực xen kẽ khu dân cư có giá trị kinh tế thấp đảm bảo khách quan, dân chủ, đúng đối tượng, đáp ứng được nhu cầu làm nhà cho các hộ gia đình khó khăn chưa có đất để xây dựng nhà ở, đồng thời tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương để xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới.

Việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác đều được thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và theo quy định của Luật đất đai 2013.

Bên cạnh đó, thực hiện các văn bản quy định của pháp luật, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn được thực hiện theo đúng trình tự, quy định của pháp luật; đảm bảo ổn định tình hình chính trị tại địa phương và tạo niềm tin trong nhân dân.

Đối với các hộ gia đình, cá nhân có đất ở bị thu hồi, thuộc diện tái định cư, UBND huyện đã tiến hành xây dựng các khu tái định cư và giao đất để các hộ nhanh chóng xây dựng nhà ở mới, ổn định đời sống, yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế. Công tác giải phóng mặt bằng và thu hút đầu tư trên địa bàn được quan tâm và tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện dự án như: Dự án xây dựng, nâng cấp đường 480D; cụm công nghiệp Khánh Thượng; dự án xây dựng tuyến đường kết nối giữa đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình với Quốc lộ 1A; Dự án đường 477 kéo dài; Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020…

Nhìn chung, quyền của người sử dụng đất được đảm bảo theo đúng quy định của Luật đất đai. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi được giao quyền sử dụng đất luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo quy định tại điều 166, Luật đất đai và nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định tại điều 170, Luật đất đai.

cum-cong-nghiep-khanh-thuong-ninh-binh.gif
GPMB tại Cụm công nghiệp Khánh Thượng được quan tâm

Theo ông Trí, mặc dù công tác quản lý Nhà nước về khiếu nại, tố cáo đã được nâng lên, nhưng việc thực hiện công tác tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo có lúc, có nơi chưa kịp thời. Việc chấp hành quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo tuy có tiến bộ, nhưng vẫn còn có những trường hợp thực hiện chưa đúng quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ý thức chấp hành pháp luật của một số người đi khiếu kiện còn hạn chế hoặc do bị kích động của một số người nên một số vụ việc đã được xem xét, giải quyết đúng quy định của pháp luật nhưng công dân vẫn cố tình khiếu kiện...

Nguyên nhân của vấn đề này là do công tác thanh tra, kiểm tra quản lý đất đai ở cơ sở chưa được thực hiện thường xuyên. Công tác quản lý đất đai ở một số xã chưa được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, giải quyết. Trong khi đó, hệ thống hồ sơ địa chính trên địa bàn huyện chưa đồng bộ chủ yếu là hệ thống hồ sơ đo đạc không chính quy nên khó xác định được nguồn gốc và ranh giới sử dụng đất rõ ràng; kinh phí đầu tư cho công tác quản lý đất đai, nhất là trong việc đo đạc xây dựng lại bản đồ địa chính và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý.

Do vậy, thời gian tới, huyện Yên Mô tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra quản lý đất đai ở cơ sở để kịp thời ngăn chặn, xử lý tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai… tạo sự chuyển biến tích cực, theo chiều hướng ngày càng chặt chẽ, đúng pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yên Mô (Ninh Bình): Chuyển biến về chất trong quản lý, sử dụng đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO