(TN&MT) - Phụ nữ trồng cây lanh, dệt thổ cẩm đó là một nghề độc đáo và truyền đời của đồng bào người người Mông vùng Tây Bắc nói chung và của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái nói riêng, đó vẫn luôn là mạch ngầm quý trong không gian văn hóa nơi đây.
Khi lúa trên nương đã vào kho, ngô trên núi đã đưa về nhà cũng là lúc phụ nữ người Mông bắt đầu ngồi may váy, thêu hoa… Bất cứ người phụ nữ Mông nào đến tuổi trưởng thành đều biết se lanh thành sợi để dệt vải, phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của gia đình. Khi phụ nữ người Mông đi lấy chồng phải tự tay may cho mình một chiếc váy để mặc trong ngày cưới. Việc se lanh, dệt vải còn thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ, đó là một trong những tiêu chí để đánh giá tài năng, đạo đức của chị em phụ nữ.
Bất cứ lúc nào có thời gian rảnh là phụ nữ người Mông cũng có thể ngồi may vá, thêu hoa |
Trong những năm qua, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái đã tuyên truyền vận động đồng bào người Mông bảo tồn, giữ gìn và phát triển nghề dệt thổ cẩm. Đến năm 2019, UBND tỉnh Yên Bái đã cấp bằng công nhận Làng nghề Dệt thổ cẩm ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải. Làng nghề dệt thổ cẩm hiện có 35 hội viên phụ nữ tham gia, những sản phẩm này được đưa bán ra thị trường và phục vụ cho khách du lịch khi tới huyện.
Chị Lý Thị Ninh - Tổ trưởng làng nghề chia sẻ: Hiện nay các thành viên trong làng nghề sẽ được nhận nguyên liệu về nhà để tự làm, thường làm những lúc nông nhàn. Để tạo ra những sản phẩm thổ cẩm, hay bộ trang phục độc đáo phải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi bàn tay những người phụ nữ Mông như trồng lanh, xe sợi, in sáp, nhuộm chàm và thêu thùa.
Nghề dệt thổ cẩm của người Mông huyện Mù Cang Chải đang được bảo tồn và phát triển |
Hàng năm, cứ đến tháng 3 - 4, đồng bào dân tộc Mông nơi đây bắt đầu gieo trồng cây lanh và đến tháng 7 - 8 mới được thu hoạch. Sau khi thu hoạch, cây lanh được bà con đem ra phơi nắng cho khô rồi mới tước thành sợi; sợi lanh được đưa vào cối giã mềm rồi nối lại, cuốn thành từng cuộn tròn, mang đi giặt cho mềm. Sau đó, bà con đem luộc, đến khi thấy sợi lanh mềm và trắng thì mang ra phơi nắng cho khô, rồi chia sợi và mang vào dệt. Sau đó dùng bút và sáp ong để vẽ hoa văn.
Chị Ninh cũng cho biết thêm, để hoàn thiện một bộ trang phục hoàn chỉnh phải mất rất nhiều thời gian, nếu làm thường xuyên chỉ sẽ mất khoảng 5 tháng, nếu không phải cả năm mới xong một bộ váy.
Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm không chỉ góp phần việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Trung bình mỗi bộ quần áo bán với giá tầm 7-8 triệu đồng, bộ nào sắc nét thì khoảng hơn 10 triệu đồng. Trừ chi phí mỗi tháng chị em phụ nữ có thêm thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng đối với người thường xuyên làm, còn những người nào làm vào lúc rảnh thì từ 2-3 triệu đồng.
Những tấm vải này đều được phụ nữ Mông tự tay dệt và vẽ hoa văn |
Trước đây, các sản phẩm thổ cẩm của người Mông Mù Cang Chải chỉ để phục vụ cho nhu cầu sử dụng của bản thân và gia đình, làm của hồi môn cho con gái khi lấy chồng. Ngày nay, những sản phẩm thổ cẩm như váy, áo, khăn quàng, túi… đã trở thành hàng hóa được rất nhiều du khách trong và ngoài nước ưa chuộng.
Ông Sùng A Chua - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng, huyện Mù Cang Chải cho biết: Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Mông đã có từ lâu đời, gắn liền với văn hóa của người Mông. Đây cũng là một trong những sản phẩm phục vụ du lịch, tạo thu nhập cho một số phụ nữ Mông.
Các sản phẩm thổ cẩm của người Mông Mù Cang Chải đã được rất nhiều du khách ưa chuộng |
Để tạo điều kiện cho làng nghề phát triển huyện đã tạo điều kiện để làng nghề được nhận hỗ trợ từ các nguồn vốn như: Vốn ngân hàng thế giới WB hỗ trợ mua 22 chiếc máy khâu, Nhà nước hỗ trợ xây dựng một nhà xưởng với giá trị 1 tỷ đồng, Trung tâm nghiên cứu, liên kết và phát triển thủ công Mỹ nghệ Craft Link tại Hà Nội đã mở lớp tập huấn, hướng dẫn cho các thành viên trong tổ về kỹ thuật thêu dệt, để tạo thành sản phẩm bán ra thị trường. Qua đó, tạo điều kiện nâng cao năng suất cũng như tăng thêm mẫu mã chất lượng sản phẩm thổ cẩm của người Mông Mù Cang Chải.
“Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai các đề án hỗ trợ máy móc hiện đại, để nâng cao đào tạo, tay nghề của người thêu dệt thổ cẩm; thành lập thêm các cơ sở hợp tác xã, hộ kinh doanh về nghề này. Mở rộng diện tích trồng cây lanh xen kẽ trồng ngô tại các hộ gia đình, đầu tư thêm khung dệt thủ công của người dân để thu hút khách trải nhiệm, đa dạng các mẫu sản phẩm để mở rộng thị trường trong và ngoài nước”, ông Sùng A Chua nói.