Biến đổi khí hậu

Yên Bái: Sớm tìm phương án phục hồi dâu tằm Trấn Yên sau lũ lụt

Thanh Ngà - Đức Tâm 17/09/2024 - 14:29

(TN&MT) - Trong những ngày qua, tại tỉnh Yên Bái mưa lũ đã cướp đi hàng chục sinh mạng, hàng nghìn ngôi nhà bị hư hỏng và hơn 5.000ha cây trồng bị thiệt hại, trong đó, hàng trăm ha dâu tằm của huyện Trấn Yên bị úng nước, thối rễ khiến cho nhiều hộ dân rơi vào cảnh “trắng tay”.

z5838553960290_835966d3d97eb0873985c8aef7fd364e.jpg
Đoàn công tác của Sở TN&MT tỉnh Yên Bái làm việc tại vùng trồng dâu tằm bị thiệt hại của xã Việt Thành. Ảnh: Việt Hùng

Xót xa sau lũ

Trấn Yên là địa phương của tỉnh Yên Bái hình thành được vùng trồng dâu rộng lớn với hơn 1.500 hộ nuôi tằm, sản lượng kén tằm toàn huyện năm 2022 đạt 1.168 tấn, giá trị sản phẩm bình quân đạt từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm; năm 2023 ước đạt 300 triệu đồng/ha. Huyện phấn đấu mở rộng quy mô trồng dâu nuôi tằm đến năm 2025 lên 1.200ha, sản lượng kén tằm hàng năm đạt trên 2.200 tấn, giá trị thu về trên 300 tỷ đồng.

Chúng tôi trở lại huyện Trấn Yên sau những ngày bão số 3 đã tan, thế nhưng những gì còn lại là bùn đất, người dân đang cố gắng gượng dậy dọn dẹp nhà cửa và tìm lại đồ đạc còn sót lại lẫn trong đống bùn đất. Không những vậy, bùn đất cũng san phẳng nhiều cánh đồng, cây cối đổ nát khiến nhiều hộ gia đình đã mất đi nguồn thu nhập chính từ nông nghiệp.

Cuộc sống của người dân các xã: Tuy Lộc, Nga Quán, Việt Thành, Báo Đáp…vốn rất bình yên, no đủ, thế nhưng chỉ trong chốc lát, cơn lũ đi qua đã cuốn phăng tất cả khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh "trắng tay".

Hàng trăm ha dâu tằm ven sông Hồng đã bị thiệt hại trong trận lụt lịch sử tại tỉnh Yên Bái. Video: Việt Hùng
z5838554021801_225120c0660cbbbe99662f5788f83825.jpg
Ông Trần Ngọc Luận tham vấn các cơ quan chức năng về việc khôi phục, cải tạo diện tích dâu bị thiệt hại. Ảnh:Việt Hùng

Ông Hoàng Tùng - Xã Việt Thành, huyện Trấn Yên đang chật vật san gạt bùn đất bồi lấp đến đầu gối để tìm lại con đường bê tông dẫn vào nhà. Đôi mắt thất thần nhìn ngôi nhà tan hoang sau lũ, ông Tùng chia sẻ: “Mất hết rồi! Gia đình tôi trắng tay rồi! Xót quá! Cả nhà có hơn một mẫu dâu tằm đang xanh tốt, vụ tằm này mới nuôi được một lứa, vừa bắt đầu nuôi lứa thứ 2 được 3 hôm thì lũ tràn về chìm hết các ruộng dâu. Cả giàn khay nuôi tằm nay phải bỏ làm thức ăn cho đàn gà, không chỉ dâu tằm mà toàn bộ ao cá, ruộng vườn đều chìm trong biển nước và bị nước cuốn trôi.

Khi chúng tôi hỏi: “Mất hết như thế, thời gian tới gia đình sẽ sinh sống như thế nào?”, ông Tùng ngập ngừng: “Bao năm tích cóp, vay mượn làm ăn giờ không còn gì. Tất cả đồ đạc trong nhà cũng bị nước cuốn trôi. Tôi mong chính quyền sớm có những chính sách hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Nếu được vay vốn, tôi sẽ cố gắng làm lại trồng dâu nuôi tằm, làm lại ao cá, phát triển kinh tế lại từ đầu”.

Toàn bộ hơn 200ha dâu là sinh kế chính của trên 300 hộ dân trong xã, vì vậy xã mong muốn các cấp sẽ có những chính sách hỗ trợ cải tạo đất, cây giống để bà con trồng lại, giúp họ vơi bớt khó khăn, sớm ổn định sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga

Chủ tịch UBND xã Việt Thành

Đến ngày 15/9, các cánh đồng ven sông ở các thôn Lan Đình, Phúc Đình và Trúc Đình của xã Việt Thành nước đã rút và phủ một lớp đất, cát dày. Mưa vừa tạnh, lũ đi qua, nắng gay gắt đã khiến nhiều diện tích dâu bị táp lá, héo khô.

Vừa nhặt nhạnh, vớt lại những gì còn sót lại sau cơn lũ khủng khiếp, hai vợ chồng bà Trần Thị Lan – Xã Việt Thành nghẹn ngào: “Nhớ lại lúc trước khi lũ về, vườn dâu xanh tốt, đám ruộng bắt đầu đỏ bông giờ tan hoang, phủ một màu bùn đất mà tôi không cầm được nước mắt. Gia đình tôi mất sạch rồi, chẳng còn gì nữa, không biết sau vợ chồng, con cái sống sao đây. Bao nhiêu công sức, mồ hôi và cả nước mắt của hai vợ chồng đổ hết vào đây, bây giờ nhìn cảnh cây đổ gãy, héo khô mà xót quá”.

Sẽ nhanh chóng phục hồi

Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga - Chủ tịch UBND xã Việt Thành cho biết: Trên địa bàn xã có 220ha dâu bị ngập úng. Nhiều hộ dân vừa thu hoạch kén nhưng do nước lũ không bán được nên kén già hóa bướm phải bỏ đi. Cùng với đó, hàng trăm hộ dân đang nuôi tằm cũng phải đổ bỏ do dâu ngập úng, cạn kiệt nguồn thức ăn, đến nay thiệt hại chưa thể tính toán được.

Bà Nga cho biết thêm, đến thời điểm này, khoảng 70% diện tích dâu bị ngập sâu, lượng bùn đất vùi lấp đến cả mét nên sẽ chết, khả năng phải trồng lại rất cao.

z5838554014560_58a988f5dcacb86cd8b8047b610e1f59.jpg
Do thời tiết nắng nóng nhiều cây dâu đã khô rụi. Ảnh: Việt Hùng

Trong buổi kiểm tra các điểm sạt lở và thị sát khu vực trồng dâu tằm của xã Việt Thành, ông Trần Ngọc Luận - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái cho rằng thời gian này, việc khôi phục, cứu những ruộng dâu là rất cần thiết và cực kỳ cấp bách.

Theo Giám đốc Sở TN&MT, Trấn Yên cần gấp rút dọn dẹp tàn dư trên ruộng dâu, cắt bỏ những cành gẫy, cành bị tổn thương nặng do mưa bão, dọn tàn dư cây gãy đổ, tỉa cành tăm, cành bị gẫy rạp và vệ sinh ruộng; tiến hành xới phá váng để đất được thông thoáng, khi cây hồi phục bón phân cân đối, phòng trừ sâu bệnh để cây tiếp tục phát triển...

Ông Trần Ngọc Luận đã trao đổi thêm với Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Hữu Độ về một số nội dung và giải pháp để hai cơ quan cùng phối hợp tham mưu với UBND tỉnh Yên Bái triển khai công tác bảo vệ, khôi phục với diện tích dâu đã bị ngập nếu có thể đồng thời có phương án trồng thay thế với các diện tích bị thiệt hại hoàn toàn...

Sáng ngày 17/9, thông tin với phóng viên Báo TN&MT, bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trấn Yên cho biết: Sau bão số 3, toàn huyện có 740ha dâu bị ảnh hưởng, trong đó hơn 100ha dâu không thể khôi phục và phải trồng lại.

"Còn đối với những diện tích có thể khôi phục được huyện đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương triển khai tập huấn cho cán bộ nông nghiệp và bà con nhân dân để nhanh chóng khắc phục 600ha dâu bị ảnh hưởng..." bà Triệu Thị Bích Liệu thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yên Bái: Sớm tìm phương án phục hồi dâu tằm Trấn Yên sau lũ lụt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO