Biến đổi khí hậu

Yên Bái: Chủ động đảm bảo an toàn giao thông khi có thiên tai xảy ra

Thanh Ngà (thực hiện) 11/09/2023 16:40

(TN&MT) - Yên Bái là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng do thiên tai gây ra, hiện tượng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cùng các công trình công cộng, trong đó có hệ thống giao thông. Để đảm bảo an toàn giao thông cũng như phương án xử lý khi có thiên tai xảy ra, xung quanh nội dung này phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Nhân Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái.

PV: Xin ông cho biết đặc trưng các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái?

a1-2-.jpg
Ông Đỗ Nhân Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái

Ông Đỗ Nhân Nghĩa: Trong những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Yên Bái không ngừng được xây dựng, hoàn thiện. Tính đến hết năm 2022, tổng chiều dài hệ thống đường bộ là 8.959km. Trong đó, đường cao tốc có chiều dài 80,5 km; Quốc lộ có chiều dài 400 km; đường tỉnh có chiều dài 499,5km; đường đô thị có chiều dài 214 km; đường giao thông nông thôn có chiều dài 7.765 km... Trong đó, Sở Giao thông vận tải quản lý tổng số 824km (Quốc lộ314 km; đường tỉnh 499,5km).

Đặc trưng các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái đi qua khu vực có địa hình vùng núi cao, địa chất phức tạp, độ dốc lớn, địa hình chia cắt. Nhiều đoạn tuyến có taluy cao, vực sâu, nguy cơ xảy ra hiện tượng sạt taluy âm, taluy dương, sụt lún nền, mặt đường khi mưa bão xảy ra là rất lớn.

PV: Để chủ động ứng phó khi có thiên tai xảy ra Sở đã có kế hoạch như thế nào, thưa ông!

Ông Đỗ Nhân Nghĩa: Để thực hiện tốt công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa bão trên các tuyến đường quản lý, trước mùa mưa bão Sở Giao thông vận tải Yên Bái đã thành lập Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và đảm bảo giao thông năm 2023 của ngành do đồng chí Phó Giám đốc Sở làm Trưởng ban.

a3-2-.jpg
Yên Bái là địa phương thường xuyên chịu thiệt hại do thiên tai gây ra

Đồng thời, Sở xây dựng phương án Phòng chống thiên tai và đảm bảo giao thông năm 2023, yêu cầu các phòng, ban, đơn vị bảo trì đường bộ quán triệt phương châm “Phòng tránh là chính”, chủ động thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong quá trình xử lý sạt lở gây ách tắc giao thông; phân công các thành viên Ban Chỉ huy đi kiểm tra đôn đốc các nhà thầu xây lắp, đơn vị bảo trì đường bộ triển khai phương án phòng chống thiên tai tại các công trình đang thi công và kiểm tra đánh giá xây dựng phương án xử lý đối với những vị trí có nguy cơ trên các tuyến đường quản lý; xây dựng phương án phân luồng giao thông khi xảy ra ách tắc.

Đối với các vị trí có nguy cơ sạt lở, ngập lụt gây ách tắc giao thông, kiểm tra các cầu, kè, đường tràn, cống, nền đường, hệ thống báo hiệu đường bộ; báo cáo kịp thời các vị trí hư hỏng nền, mặt đường, kết cấu công trình cầu, cống, các vị trí cần gia cố để có biện pháp xử lý khắc phục trước khi mưa lũ.

Cùng với đó, Sở chuẩn bị các vật tư dự phòng như: Cầu dàn thép Bailey, rọ thép tại các vị trí kho bảo quản và các phương tiện, thiết bị xe máy được dự phòng tại các vị trí có nguy cơ sạt lở gây ách tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh để sẵn sàng xử lý khi có sự cố bão, lũ xảy ra, đảm bảo giao thông kịp thời nhanh nhất.

Hiện tại, trong các kho của đơn vị quản lý đang dự phòng 2.589 rọ thép, trong đó có 446 rọ thép bọc nhựa, 143 rọ thép nhúng kẽm và 2000 rọ thép ứng trước cho các huyện thực hiện đảm bảo giao thông trên các tuyến đường huyện. Dàn cầu dự phòng gồm 39 mét dầm DTĐP-30 và 54 mét dầm Bailley kép. Vật tư dự phòng được bố trí tại các khu vực TP. Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Mù Cang Chải.

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm chế độ thường trực, trực ban trong mùa lũ bão, thông báo đường dây nóng để nhận các thông tin về đảm bảo an toàn giao thông và các nội dung liên quan đến quản lý kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến đường. Mặt khác, thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết và tình hình mưa lũ để chỉ đạo triển khai công tác phòng chống thiên tai và đảm bảo giao thông kịp thời, hiệu quả.

PV : Thưa ông ! Đầu tháng 8 vừa qua, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải có xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét gây sạt lở trên tuyến QL32, Sở đã chủ động ứng phó và xử lý như thế nào ?

a2-2-.jpg
Đầu tháng 8 vừa qua, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải có xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét gây sạt lở trên tuyến QL32

Ông Đỗ Nhân Nghĩa: Từ ngày 05 - 10/8/2023, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái xảy ra mưa lớn gây lũ ống, lũ quét làm sạt lở nghiêm trọng trên tuyến QL.32 (đặc biệt là đoạn từ Km324 - Km330) thuộc địa bàn xã Khao Mang và xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải. Ước tính thiệt hại khoảng 31 tỷ đồng.

Ngay sau khi xảy ra thiệt hại, Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải và các phòng, ban, đơn vị đã có mặt tại hiện trường để kiểm tra xác định thiệt hại, thống nhất giải pháp khắc phục. Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị tập trung máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu và nhân công đến hiện trường để khẩn trương khắc phục hậu quả, đảm bảo thông đường trong thời gian sớm nhất.Mặt khác, tổ chức đảm bảo giao thông, phân làn, phân luồng tại hiện trường và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đơn vị bảo dưỡng thường xuyên đường bộ đã huy động 14 máy xúc các loại, 10 ô tô và 50 cán bộ, công nhân xử lý, khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra; hót đất, đá sụt lở và câyđổ; cắm biển báo hiệu, rào chắn đối với vị trí nguy hiểm. Đã thông đường từ 8 giờ ngày 11/8/2023; do còn nhiều vị trí sạt lở taluy âm mất mặt đường rất nguy hiểm nên chỉ cho các loại phương tiện xe tải loại 3,5T trở xuống và xe ô tô chở người đến 9 chỗ lưu thông qua đoạn Km325 - Km330 (đã thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng).

Đối với vị trí sạt lở mất toàn bộ mặt đường đã thực hiện xếp kè rọ thép nhồi đá hộc phía taluy âm, sau đó đắp cấp phối nền, mặt đường đảm bảo tối thiểu một làn đi lại.

PV: Thưa ông! Trong thời gian tới để chủ động đảm bảo an toàn giao thông khi có thiên tai xảy ra Sở có kế hoạch như thế nào?

Ông Đỗ Nhân Nghĩa: Sở sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình thời tiết năm 2023, dự đoán những vị trí có khả năng bị ảnh hưởng bởi mưa, lũ. Chuẩn bị đầy đủ, kỹ càng vật tư, nhân công, máy móc, bố trí máy đào tại những vị trí xung yếu để có thể sử dụng hiệu quả, khắc phục hậu quả bão, lũ trong thời gian sớm nhất.

Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện pháp lệnh phòng chống lụt, bão. Nêu cao ý thức trách nhiệm của toàn dân đối với công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo giao thông. Xây dựng kế hoạch phối hợp giữa các ngành, các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan truyền thông trong công tác phòng chống lụt, bão giảm nhẹ thiên tai và đảm bảo giao thông trên các tuyến đường.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yên Bái: Chủ động đảm bảo an toàn giao thông khi có thiên tai xảy ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO