Xã hội

Ý Yên – Nam Định: Đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi tập trung, hướng đến bảo vệ môi trường

Thuỵ Khanh 31/08/2023 - 12:48

(TN&MT) - Huyện Ý Yên – Nam Định đã thực hiện đẩy mạnh các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới theo phương án nâng cao, đổi mới quy trình sản xuất nông nghiệp, đầu tư tỷ trọng ngành chăn nuôi giúp người dân giảm nghèo bền vững song hành với bảo vệ môi trường.

Sau nhiều năm đầu tư phát triển cơ cấu ngành sản xuất nông lâm thủy sản tại Huyện Ý Yên đã cho thấy sự chuyển biến tích cực, với tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng, nuôi trồng thủy sản phát triển và duy trì theo hướng hình thành các vùng nuôi trồng tập trung, các tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản phát huy vai trò trong việc định hướng chất lượng con giống, thức ăn, bước đầu phát huy vai trò trong kinh tế tập thể. Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện năm 2022 đạt 1.700 ha, sản lượng ước đạt 7.372 tấn.

gia-thuc-an-lam-kho-thuy-san-2471-1619413487_860x0.png
Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện năm 2022 đạt 1.700 ha, sản lượng ước đạt 7.372 tấn.

Tình hình sản xuất nông nghiệp của huyện cũng được chú trọng với nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp có hiệu quả, tạo cơ chế thu hút, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp như khuyến khích các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, sản xuất nông sản theo hướng an toàn, VietGAP, với diện tích lúa duy trì ổn định trên 25.500 ha; Nhiều diện tích ruộng bỏ hoang trước đây được các hộ tích tụ, mượn ruộng, áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất, chuyển đổi cây trồng, hình thành các cánh đồng lớn, lựa chọn, phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP. Cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp được chuyển dịch tích cực từ đó đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thực hiện các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Trong phát triển ngành chăn nuôi, về tổ chức sản xuất đã hình thành mô hình chăn nuôi trang trại tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao được mở rộng. Toàn huyện hiện có 72 cơ sở chăn nuôi đạt quy mô chăn nuôi trang trại theo quy định của Luật chăn nuôi 2018. Đến nay tổng đàn lợn là 40.492 con; trâu, bò, dê 11.749 con, đàn gia cầm 625.493 con.

Huyện Ý Yên cũng triển khai các phương án vận động nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nhằm giảm nghèo bền vững với Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu đã tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gặp khó khăn, hoạn nạn vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện xuống còn 1,88%. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, nhiều tấm gương với ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn áp dụng tiến bộ công nghệ mới vào sản xuất mang lại hiệu quả cao.

Điển hình như: Hộ bà Nguyễn Thị Thướng – Yên Minh với mô hình trang trại tổng hợp, bình quân mỗi năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho từ 3- 5 lao động với mức thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng; hộ bà Nguyễn Thị Hằng – xã Yên Tân với mô hình trang trại chăn nuôi, kinh doanh thức ăn gia súc; hộ ông Tô Văn Mạnh - xã Yên Phương với mô hình nuôi trạch sụn cho thu nhập 600 triệu đồng/năm; hộ ông Lê Thanh Hà chủ cơ sở sản xuất tương ớt Quang Minh xã Yên Bằng; hộ ông Hoàng Văn Hùng – xã Yên Khang với mô hình chăn nuôi thỏ cho thu nhập trên 500 triệu đồng/ năm...

tieu-thu-1613987620.jpeg
Huyện Ý Yên giảm nghèo nhờ phát triển cơ cấu sản xuất nông nghiệp – chăn nuôi

Nhằm hoàn thành thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững và phát huy tiềm lực, thế mạnh trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, huyện Ý Yên đã đưa ra các giải pháp phát triển bền vững để tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng, trong đó, tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; Phát huy nội lực, tính cần cù, sáng tạo của nông dân trong lao động sản xuất, vận động hình thành các vùng kinh tế sản xuất hàng hóa tập trung, vận động người dân cung cấp các loại nông sản an toàn, chất lượng ra thị trường; Vận động nông dân cải tạo ruộng đất, khuyến khích nông dân tham gia các tổ hợp tác, HTX kiểu mới theo Luật, từng bước tổ chức sản xuất hàng hoá theo quy hoạch. Phối hợp với các HTX hướng dẫn nông dân quy trình thực hiện, ký hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Phối hợp với các cơ quan, các phòng ban, trạm trại, các công ty, doanh nghiệp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phát triển ngành nghề; Phối hợp hướng dẫn nông dân xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, mô hình ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản. Thông qua đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của nông dân sang một nền nông nghiệp thông minh, chuyên nghiệp.

Đồng thời, nhân rộng các mô hình số hóa trong nông nghiệp, tăng cường hỗ trợ nông dân trong nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của nông dân sang một nền nông nghiệp minh bạch, thông minh, trách nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ý Yên – Nam Định: Đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi tập trung, hướng đến bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO