Từ những “cơn khát của biển”…
Thách thức suy kiệt nguồn nước đối với cư dân biển, đảo lớn hơn các vùng khác trên cả nước, vì lòng đất nhiễm mặn nên việc khai thác mạch ngầm để tìm ra nước ngọt cho sản xuất và phục vụ sinh hoạt rất khó khăn.
Các bệnh liên quan đến tình trạng thiếu nước sạch do con người không được tiếp xúc với điều kiện vệ sinh cơ bản phù hợp, chất lượng cuộc sống suy giảm, số người mắc bệnh tăng do thiếu nước sạch làm cho chất lượng dân số cũng xấu đi theo tỷ lệ thuận. Nhu cầu dùng nước ngọt, nước sạch cho dân vùng biển trong tổng nhu cầu của đất nước chỉ mới được đáp ứng khoảng trên 60%.
Nguyên nhân gây ra tình trạng cạn kiệt nguồn nước trước tiên là do tác động của con người và biến đổi khí hậu toàn cầu. Biến đổi khí hậu có tác động xấu đến sự thay đổi nguồn nước. Theo một dự báo khoa học, đến năm 2025 nguồn nước của Việt Nam sẽ bị giảm đi khoảng 40 tỷ m3. Riêng trong mùa khô tổng lượng nước có thể giảm khoảng 13 tỷ m3. Sức ép về sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế đã làm cho nhu cầu sử dụng nước tăng về số lượng và đa dạng về chất lượng.
Thi công khoan điều tra nguồn nước dưới đất trên đảo Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam |
… đến những nỗ lực kiếm tìm nguồn nước ngọt
Nhận diện rõ những khó khăn thách thức đó, không có cách nào khác hơn là phải nỗ lực nhiều hơn nữa, bền bỉ và khôn khéo hơn để vừa khai thác, vừa bảo tồn môi trường biển, đảo nhằm duy trì cuộc sống ổn định. Ưu tiên trước hết là nhu cầu thiết yếu về nước dùng trong sản xuất và sinh hoạt cho cộng đồng cư dân khu vực này. Đó là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.
Dự án “Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước phục vụ xây dựng công trình cấp nước cho các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam” đã được Bộ TN&MT phê duyệt tại Quyết định số 2908/QĐ-BTNMT ngày 16/12/2016. Thực hiện nhiệm vụ được Bộ giao, Cục Quản lý tài nguyên nước đã giao cho Trung tâm Thẩm định và Kiểm định tài nguyên nước thực hiện việc điều tra, đánh giá tài nguyên nước tại các đảo: Đảo Cái Chiên, tỉnh Quảng Ninh; đảo Hòn Thơm (Quần đảo An Thới), tỉnh Kiên Giang và đảo Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam với mục tiêu đánh giá chi tiết về số lượng, chất lượng nước dưới đất, nước mặt, nước mưa làm cơ sở cho việc xây dựng các công trình cấp nước, đồng thời làm cơ sở để tạo lập các thông tin, dữ liệu và đề xuất phương án khai thác, sử dụng nước trên các đảo.
Đến nay, Trung tâm đã thi công xong 9 giếng khoan trên toàn bộ 3 đảo (mỗi đảo 3 giếng khoan). Tất cả các giếng khoan đều có nước với lưu lượng khá lớn, chất lượng nước tốt, đủ điều kiện đáp ứng cho việc khai thác, sử dụng cấp nước cho dân sinh và nhu cầu phát triển kinh tế, du lịch trên đảo.
Đảo Cái Chiên: giếng khoan CC-K1 là 0,67 lít/giây; CC-K2 là 0,52 lít/giây; CC-K3 là 2,1 lít/giây. Tổng cộng là 3,29 lít/giây, tương ứng 284 m3/ngày, có khả năng đáp ứng cấp nước sinh hoạt cho khoảng 2.840 người dân trên đảo (theo tiêu chuẩn là 100 lít/người/ngày). Đảo Hòn Thơm (quần đảo An Thới): giếng khoan AT-K1 là 2,5 lít/giây; AT-K2 là 1,42 lít/giây; AK-K3 là 1,66 lít/giây. Tổng cộng là 5,58 lít/giây, tương ứng 482 m3/ngày, có khả năng đáp ứng cấp nước sinh hoạt cho khoảng 4.820 người dân trên đảo. Đảo Cù Lao Chàm: giếng khoan QN1 là 2,85 lít/giây, QN2 là 0,85 lít/giây, QN3 là 1,42 lít/giây. Tổng cộng là 5,12 lít/giây, tương ứng khoảng 442 m3/ngày, có khả năng đáp ứng cấp nước sinh hoạt cho khoảng 4.420 người dân trên đảo.
Trong năm 2020, Cục Quản lý tài nguyên nước đã phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang tổ chức bàn giao 5 giếng khoan thuộc đảo Hòn Đốc, thành phố Hà Tiên và 3 giếng khoan thuộc đảo Hòn Rái, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ thực hiện Dự án “Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước phục vụ xây dựng công trình cấp nước cho các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam” nhằm đảm bảo cấp nước phục vụ dân sinh - kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng tại các đảo quan trọng, có tầm chiến lược thuộc lãnh thổ Việt Nam. Kết quả này là thành quả lớn về mặt điều tra cơ bản tài nguyên nước dưới đất, góp phần tạo lập được bộ cơ sở tài liệu về tài nguyên nước dưới đất để phục vụ xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, các lĩnh vực kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tại các vùng, địa phương.
Còn tại Quảng Ninh, Cục Quản lý tài nguyên nước đã phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh tổ chức bàn giao 3 giếng khoan tại đảo Quan Lạn, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn và 4 giếng khoan tại đảo Thắng Lợi, xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn thuộc Dự án “Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước phục vụ xây dựng công trình cấp nước cho các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam”.
Đại diện Trung tâm Giám sát tài nguyên nước và Hỗ trợ phát triển lưu vực sông (đơn vị thực hiện dự án) thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước đã bàn giao toàn bộ hồ sơ tài liệu kỹ thuật các giếng khoan, bao gồm: Kết quả bơm hút nước thí nghiệm tại 3 giếng khoan; Bản vẽ cột địa tầng, kết cấu 3 giếng khoan và kết quả phân tích chất lượng nước của 3 giếng khoan cho Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh và UBND xã Quan Lạn quản lý, khai thác phục vụ cấp nước sinh hoạt cho nhân dân địa phương.
Riêng 4 giếng khoan tại đảo Thắng Lợi, xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn, các lỗ khoan nghiên cứu địa chất thủy văn sau khi hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu được bàn giao cho các địa phương để quản lý và đầu tư xây dựng hệ thống khai thác, xử lý để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Lưu lượng hút nước của lỗ khoan từ 0,23 l/s đến 0,35 l/s là khoảng từ 20 m3/ngày đêm đến 30 m3/ngày đêm.
Với những nỗ lực không mỏi đó, việc đánh giá được số lượng, chất lượng về tài nguyên nước, cung cấp các cơ sở khoa học về nước dưới đất, nước mặt sẽ giúp các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên nước, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng.