Giảm phát thải phải thuận thiên!
Trong bản góp ý vào các Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam (PHANO) đề xuất, trong dài hạn, việc thâm canh nông nghiệp nên lựa chọn những mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái như canh tác hữu cơ, nông nghiệp bảo tồn, nông lâm kết hợp, nông nghiệp cảnh quan, thâm canh lúa bền vững, hệ thống tổng hợp chăn nuôi và trồng trọt, canh tác hữu cơ... hạn chế chuyển đổi rừng sang đất trồng trọt, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu.
Việc chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái được cho là sẽ góp phần giảm thiểu khí thải nhà kính từ nông nghiệp và tăng lưu trữ các-bon. Đồng thời, giúp nâng cao năng lực của nông dân trong việc cung ứng sản phẩm thực phẩm an toàn và tăng cường đa dạng sinh học nông nghiệp, cải thiện khả năng phục hồi của hệ thống sản xuất trước BĐKH, góp phần giúp Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về thích ứng và giảm thiểu BĐKH.
Nông nghiệp sinh thái sẽ góp phần giảm thiểu khí phát thải nhà kính và tăng lưu trữ các-bon. Ảnh: MH |
Một trong những lý do phải chuyển đổi mà PHANO đưa là nông nghiệp của nước ta trong giai đoạn vừa qua chủ yếu tăng trưởng dựa trên thâm canh hóa học, sử dụng quá mức phân hóa học và thuốc trừ sâu gây thoái hóa môi trường đất và nước, và năng suất đã đến tới hạn. Vì vậy dù đầu tư thêm nữa, cũng không thể tăng năng suất. Nông nghiệp đã đạt đến mức đảm bảo nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong khi đó, vấn đề cần quan tâm hơn là BĐKH, với những biểu hiện thay đổi nhiệt độ và chế độ mưa, đang làm năng suất và lợi nhuận nông nghiệp dễ bị tổn thương, cần phải thay đổi để bù đắp lại những tổn thất.
Theo ông Philippe Girard, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nghiên cứu Nông nghiệp vì sự Phát triển (CIRAD) khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang đứng ở “ngã 3 đường”. Không thể phủ nhận những thành quả phát triển vượt bậc đã giúp nông nghiệp Việt Nam từ tự cung tự cấp sang nền nông nghiệp thương mại hóa, ở trong nhóm nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nếu tiếp tục con đường này, nông nghiệp Việt sẽ chệch hướng khỏi mục tiêu phát triển bền vững. Người nông dân chịu thiệt thòi nhất bởi sản lượng cao nhưng chất lượng, giá trị không tăng trong khi chi phí đầu tư cải tạo môi trường sản xuất tăng lên.
Bởi vậy, cần nâng cao nhận thức gắn liền với các giải pháp nông nghiệp mới, hướng tới phục hồi sự vận hành các thành tố tự nhiên trong sản xuất nông nghiệp. Thách thức đến từ việc phải đảm bảo thâm canh nông nghiệp gắn với sản lượng, nhưng giảm tác động đến môi trường và cải thiện chất lượng sản phẩm.
Nông nghiệp sinh thái, về cơ bản đáp ứng được những yêu cầu này. Đây là loại hình nông nghiệp tận dụng tối đa các thành phần của môi trường tự nhiên trong khu vực canh tác như sinh vật, vi sinh vật, nguồn nước, dinh dưỡng đất, ánh sáng, khí hậu… để cây trồng, vật nuôi sinh trưởng. Việc bổ sung các loại vật tư nông nghiệp phải đảm bảo không phá hủy các mối liên kết trong hệ sinh thái ấy. Mở rộng ra, các hệ sinh thái nông nghiệp hoàn toàn có thể tương tác với nhau để tạo thành một chuỗi giá trị tuần hoàn. Ví dụ dễ thấy nhất là mô hình VAC (Vườn - ao - chuồng) hoặc VACR (Vườn - ao- chuồng - rừng).
Theo nghiên cứu của Viện Môi trường nông nghiệp, BÐKH có thể khiến năng suất một số loại cây trồng chủ lực của nước ta giảm đáng kể. Cụ thể, năng suất lúa vụ xuân sẽ giảm 0,41 tấn/héc-ta vào năm 2030 và 0,72 tấn vào năm 2050. Năng suất cây ngô có nguy cơ giảm 0,44 tấn/héc-ta vào năm 2030 và 0,78 tấn vào năm 2050. Dự báo đến năm 2100, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập gần 90 nghìn héc-ta, tương ứng khu vực này sẽ mất khoảng 7,6 triệu tấn lúa/năm nếu nước biển dâng 100 cm. Khi đó, Việt Nam có nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng, gia tăng tỷ lệ đói nghèo.
Vì tương lai xóa bỏ những “mảnh ruộng riêng”
Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam đã xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp đến hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, tại các thị trường lớn và “khó tính”, nhiều mặt hàng của Việt Nam đã bị từ chối nhập cảnh do nhiễm vi sinh vật, tồn dư thuốc thú y và kim loại nặng. Thực tế cho thấy, đã đến lúc phải hướng nông sản Việt tập trung vào nâng cao chất lượng, đồng thời, giữ được bản sắc trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Tại Hội thảo góp ý cho Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, Tổ chức FAO đề xuất, tầm nhìn của ngành Nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tới, bên cạnh đảm bảo về an ninh lương thực - thực phẩm, còn phải trở thành nhà cung cấp lương thực, thực phẩm bền vững và có trách nhiệm, có năng lực cạnh tranh và nâng cao giá trị thương hiệu. Theo ông Phạm Văn Tú, đại diện FAO Việt Nam, với nông nghiệp sinh thái, ngành Nông nghiệp hoàn toàn có thể tích hợp thêm các hệ giá trị đi kèm về môi trường, văn hóa, du lịch… vào sản phẩm và thực hành canh tác để tăng thêm giá trị. Đây cũng có thể trở thành yếu tố cạnh tranh nguồn nhân lực trẻ, năng động, sáng tạo với các ngành khác.
Cho rằng nông sản Việt cần giành lại thị phần ngay ở thị trường nội địa, ông Philippe GIRARD nhận định, ở nền nông nghiệp chú trọng sản lượng, các hộ sản xuất có mức độ thâm canh cao, chi phí đầu tư lớn nên trở thành thách thức lớn trong cải thiện chất lượng sản phẩm và môi trường. Hậu quả, người tiêu dùng ra siêu thị để chọn những sản phẩm chất lượng cao nhập khẩu thay vì sản phẩm trong nước. Chính người nông dân tự trồng những khoảnh ruộng để ăn và để bán riêng. Đây là điều mà nông nghiệp sinh thái sẽ thay đổi bởi sản phẩm làm ra là như nhau.
Theo TS. Phạm Văn Hội, Viện Sinh thái nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, việc tăng đa dạng sinh học được cho là sẽ nâng cao sản lượng và các dịch vụ hệ sinh thái như thụ phấn, điều chỉnh dịch hại bởi thiên địch, luân chuyển chất dinh dưỡng, chất lượng nước và giảm thiểu BĐKH bằng cách hấp thụ các-bon… Ước tính giá trị dịch vụ sinh thái phi thị trường chiếm khoảng 60% tổng giá trị kinh tế của hệ sinh thái, nhưng lại không thể hiện ra bằng tiền mà coi như một khoản “đầu tư cho tương lai”
Trên thế giới hiện đã có thể lượng hóa giảm phát thải các-bon trong lâm nghiệp, chăn nuôi thành các tín chỉ để trao đổi, mua bán. Đây cũng sẽ là hướng đi của canh tác nông nghiệp sinh thái trong thời gian tới - TS. Phạm Văn Hội nhận định.
Nông sản hữu cơ Việt xuất đi 180 nước
Theo điều tra công bố năm 2020 của Tổ chức Nông nghiệp Quốc tế IFOAM, Việt Nam hiện có 60 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (NNHC) với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm. Sản phẩm NNHC Việt Nam được tiêu thụ trong nước và hiện đã xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới.
Những thị trường khó tính mà sản phẩm của VIệt Nam chinh phục được phải kể đến Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italy..., đồng thời cũng là những thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ lớn nhất trên thế giới.
Đề án phát triển NNHC giai đoạn 2020 - 2030 của Việt Nam đã đặt mục tiêu phát triển nền NNHC có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm NNHC được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn NNHC của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất NNHC ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.
Dự kiến đến năm 2020, nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ sẽ đạt khoảng 1,5 - 2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp, đến năm 2030 đạt khoảng 2,5 - 3%.
Đề án được xây dựng từ chính thực tiễn, phương thức và định hướng chung của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia và phát huy tiềm năng thế mạnh về NNHC của các vùng miền và địa phương; góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất NNHC ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.
Đây cũng là chỉ đạo xuyên suốt của Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ những năm qua. Bên cạnh đó, NNHC đang là xu thế phát triển và sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới do đảm bảo cung cấp được các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe con người và cho xã hội.
Theo Bộ NN&PTNT, tính đến nay, 46 tỉnh thành đang phát động phong trào sản xuất hữu cơ. Diện tích canh tác hữu cơ đã tăng từ 53,35 ngàn ha năm 2016 lên khoảng 237.693 ha năm 2019. Cả nước hiện có khoảng hơn 17 nghìn nông dân và 97 doanh nghiệp tham gia sản xuất hữu cơ.