Nông nghiệp Đắk Nông trước biến đổi khí hậu: Dựa vào nội lực để thích ứng
(TN&MT) - Trước thực trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng gia tăng, tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, thích ứng hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Thay đổi để thích nghi
Là địa phương nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa hai tiểu vùng khí hậu Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, chế độ khí hậu mang đặc điểm chung của khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo có sự nâng lên của địa hình nên ĐắK Nông vừa có đặc trưng của khí hậu cao nguyên nhiệt đới, vừa chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam khô nóng. Vào tháng cao điểm mùa khô hàng năm, Đắk Nông luôn đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nước tưới cho cây trồng. Nhiều công trình thủy lợi, chủ yếu là hồ đập nhỏ rơi vào mực nước "chết", khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp ở đây gặp rất nhiều khó khăn.
Xuất phát từ thực tế đó, rút kinh nghiệm qua từng năm sản xuất cộng với sự hướng dẫn, hỗ trợ của ngành nông nghiệp tỉnh, nhiều hộ dân ở Đắk Nông đã chủ động, linh hoạt áp dụng các giải pháp nông nghiệp thông minh như trang bị hệ thống tưới tiết kiệm, chuyển đổi cây trồng phù hợp với từng vùng đất nhằm tăng sức chống chịu cho cây, hạn chế tối đa rủi ro do thời tiết gây ra.
Điển hình như gia đình anh Nguyễn Thế Vinh (xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’Lấp) trồng hơn 3ha cà phê đang trong giai đoạn cho thu hoạch chính nên vấn đề nước tưới rất cấp thiết. Theo anh Vinh, vườn cà phê của anh cách đây 3 năm đã từng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu nước tưới. Sau lần bị ảnh hưởng đó, anh đã học hỏi kinh nghiệm, tham khảo mô hình ở một số địa phương khác và được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng để khoan giếng, xây bể chứa lớn cùng hệ thống ống nước tưới tiết kiệm nên 2 năm qua, anh không phải lo lắng về nguồn nước tưới, nhất là mùa khô. "Hiện tại, nhờ mô hình tưới nước tiết kiệm mà công tác chăm bón, tưới tắm chủ động hơn chứ không trông chờ, lo lắng như mọi năm nữa. Giờ đây vườn cà phê của tôi phát triển tốt, cho chất lượng ổn định, mỗi năm, tôi thu hơn 10 tấn cà phê", anh Vinh vui mừng chia sẻ.
Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Thành (xã Đắk Som, huyện Đắk Glong) đã xây dựng và triển khai mô hình trồng xen 100 cây mắc ca và 50 cây sầu riêng vào 3ha cà phê. Theo chị Thành, ngày trước trồng mỗi cà phê, thu nhập không ổn định do thời tiết thay đổi liên tục, vừa thiếu nước tưới vừa bị sâu bệnh gây hại. Từ ngày trồng xen canh, đa canh, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn, lại giảm các loại bệnh cho cây cà phê.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông, việc xen canh cây ăn quả giúp cây trồng thích ứng hơn trong điều kiện thời tiết cực đoan như hiện nay. Việc trồng xen canh, đa canh hợp lý cũng giúp sinh thái vườn hài hòa, cây thích nghi tốt hơn, nhất là giảm sâu bệnh hại cây cà phê.
Tăng khả năng phòng ngừa, chống chịu
Theo ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Nông, sự thay đổi phân bổ về lượng mưa ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng trong vòng 10 năm trở lại đây rất rõ rệt. Cụ thể, tần suất xuất hiện mưa vào tháng 12, tháng 1 khá phổ biến. Điều này làm cho các loại cây trồng như điều, cà phê gặp trở ngại trong quá trình thụ phấn, tỷ lệ đậu quả thấp, làm giảm năng suất. Nhiều loại cây trồng khác cũng bị ảnh hưởng, mất mùa và bị sâu bệnh.
Do đó, Đắk Nông đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình tích cực nhằm phòng bị, cải thiện trước tác động tiêu cực do BĐKH. Ngoài các biện pháp siết chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng, đẩy mạnh trồng rừng, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi... được tỉnh chú trọng.
Theo kế hoạch đến năm 2030, tỉnh Đắk Nông sẽ có khoảng 184.000ha cây trồng cần nước tưới. Đắk Nông cũng sẽ nâng cấp, xây mới 102 công trình thủy lợi các loại để phục vụ tưới, chống BĐKH. Tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, tái tạo nguồn nước phục vụ phát triển sản xuất bền vững hơn.
"Đắk Nông cũng sẽ triển khai các hoạt động thích ứng với BĐKH trong lĩnh vực nông nghiệp như: nâng cao hiệu quả sử dụng đất, bố trí cơ cấu mùa vụ, cây trồng phù hợp với lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản; đồng thời, phát triển, nhân rộng các giống cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả cao. Xác định BĐKH là nguy cơ toàn cầu, do đó, chúng tôi phải dựa vào nội lực để ứng phó", ông Phạm Tuấn Anh cho hay.