Xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai phù hợp, sát thực tế

Thanh Tùng| 30/12/2021 21:59

(TN&MT) - Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2021, triển khai kế hoạch công tác năm 2022 do Tổng cục Phòng, chống thiên tai tổ chức vào chiều 30/12.

 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị

Thiên tai làm 108 người chết, thiệt hại trên 5.200 tỷ đồng

Báo cáo của Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết, năm 2021, thiên tai trên thế giới và trong khu vực tiếp tục diễn biến bất thường, khốc liệt với khoảng 380 trận thiên tai gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản trong đó diễn ra ở nhiều nước phát triển, có cơ sở hạ tầng chống chịu tốt hơn điển hình như siêu bão Ida đổ bộ vào miền đông nước Mỹ, gây thiệt hại khoảng 65 tỷ USD; trận lũ lịch sử ở Đức và Bỉ vào tháng 7 gây thiệt hại 43 tỷ USD; trận lũ lịch sử ở tỉnh Hà Nam của Trung Quốc vào tháng 7 với thiệt hại ước tính 17,6 tỷ USD, siêu bão Rai gây thiệt hại nặng nề cho Philippin… Trong đó tổng số người chết là hơn 16.000 người, thiệt hại hơn 105 tỷ USD.

Ở Việt Nam, cả nước đã xảy ra 841 trận thiên tai với 18/22 loại hình; trong đó 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, từ tháng 9 đến tháng 11, khu vực miền Trung đã chịu ảnh hưởng liên tiếp của 04 cơn bão số 5, 6, 7, 8 và 06 đợt mưa lũ lớn diện rộng. Siêu bão Rai mặc dù đã giảm cấp khi đi qua Philippines, nhưng khi vào Biển Đông thành cơn bão số 9 vẫn là cơn bão rất mạnh trong nhiều năm trở lại đây có diễn biến phức tạp về hướng di chuyển, có cường độ mạnh trên biển Đông tác động tới khu vực có nhiều tàu cá đánh bắt trên biển, ven bờ và các hoạt động kinh tế khác.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 108 người chết, mất tích, 95 người bị thương; ước tính giá trị thiệt hại trên 5200 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2021 vẫn là một năm giảm kỷ lục về thiệt hại do thiên tai gây ra so với năm 2020 với 357 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế là 39.945 tỷ đồng.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai phát biểu tại Hội nghị

Cùng với đó, năm 2021, trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức; tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến kế hoạch chung, nhưng Tổng cục phòng chống thiên tai với 2 nhiệm vụ Quản lý nhà nước và kiêm nhiệm Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã nghiêm túc triển khai thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; bám sát thực tiễn, triển khai toàn diện trên các lĩnh vực được giao đạt được nhiều kết quả quan trọng như: tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp tạo hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ, đảm bảo quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; hệ thống tài liệu hướng dẫn được xây dựng chuẩn hóa cho cán bộ công tác trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai các cấp.

Các chiến lược, đề án, kế hoạch, Bộ chỉ số đánh giá về công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh được ban hành và triển khai kịp thời là cơ sở quan trọng để thực hiện đồng bộ các giải pháp cho công tác phòng chống thiên tai trong thời gian tới; ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực phòng chống thiên tai được quan tâm, tổ chức thực hiện hiệu quả và đúng trọng tâm; hợp tác quốc tế được thúc đẩy mạnh mẽ; công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng đổi mới phương thức, đa dạng, linh hoạt, phù hợp với xu thế; chủ động theo dõi, giám sát diễn biến tình hình thiên tai, kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí, phổ biến đến cộng đồng.

Bên cạnh những thuận lợi, công tác phòng, chống thiên tai còn gặp nhiều khó khăn như: công tác trang bị một số phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng hiện đại phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai triển khai còn chậm do thiếu cơ sở pháp lý; viêc thành lập Quỹ Phòng chống thiên tai Trung ương triển khai còn chậm; nhiều hoạt động triển khai hiệu quả còn thấp do không tổ chức thực hiện trực tiếp được (triển khai trực tuyến); nguồn nhân lực còn mỏng so với yêu cầu của công việc...

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn phát biểu tại Hội nghị

Ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực quản lý thiên tai

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã trao đổi, chia sẻ những vấn đề về thực trạng, khó khăn cũng như các giải pháp trong công tác dự báo, phòng, chống thiên tai.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Lê Minh Hoan biểu dương Tổng cục phòng, chống thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và các cơ quan liên quan đã thực hiện tốt các hoạt động phối hợp, ứng khó, khắc phục, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... đối với công tác phòng chống thiên tai

Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu Tổng cục phòng, chống thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và các cơ quan liên quan phát huy những ưu điểm, từng bước khắc phục khó khăn, tập trung vào việc rà soát, đánh giá tình hình thiên tai, các tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, năng lực dự báo, cảnh báo, phòng ngừa, ứng phó, cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật từ trung ương đến các địa phương,... một cách bài bản, toàn diện; đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới để hoạch định chiến lược, tổ chức bộ máy, nguồn lực và các bước đi phù hợp.

Quang cảnh Hội nghị

Bộ trưởng yêu cầu mỗi cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai hay các công việc liên quan cần phải có “lòng trắc ẩn” về những công việc đã, đang và sẽ diễn ra trong công tác phòng, chống thiên tai, từ đó tạo ra động lực cùng với niềm đam mê, nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm cao với nghề sẽ tạo ra một bức tranh tổng thể về phòng, chống thiên tai. Trên cơ sở đó, có giải pháp ứng phó, tái thiết sau thiên tai, huy động các nguồn lực xã hội xây dựng, cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai được hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Tổng cục phòng, chống thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cần tập trung nâng cao nhận thức, năng lực phòng tránh, ứng phó thiên tai trong cộng đồng và truyền thông như phối hợp và triển khai hoạt động thông tin, truyền thông với các cơ quan thông tấn, báo chí, đài truyền hình, đài truyền thanh từ Trung ương đến địa phương đưa tin về tình hình thiên tai, hướng dẫn, tuyên truyền cộng đồng chủ động ứng phó, đặc biệt là trong các tình huống thiên tai khẩn được nhanh chóng kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời chú trọng các đối tượng dễ bị tổn thương trong thiên tai như người già, phụ nữ, trẻ em.

Bộ trưởng đề nghị Tổng cục phòng, chống thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tăng cường mở rộng đối tác và hợp tác để ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực quản lý thiên tai; xây dựng chương trình khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia về phòng, chống thiên tai cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền Trung, khu vực miền núi phía Bắc để tăng khả năng phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu thiệt hại tại các khu vực này.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, ngay từ đầu năm 2022, Tổng cục phòng, chống thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan trong việc xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai phù hợp, sát thực tế trong đó quan tâm trả lời các câu hỏi: cần phải làm gì sớm hơn?, làm gì mới hơn, làm gì hiệu quả hơn?... trong công tác phòng, chống thiên tai.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ năm 2021

Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao Bằng khen cho 84 tập thể và 81 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ và nhiều danh hiệu cao quý khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai phù hợp, sát thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO