Biến đổi khí hậu

Quản lý rủi ro thiên tai từ dự báo sớm, hành động sớm - Sẵn sàng cho mọi tình huống thiên tai khẩn cấp

Trung Nguyên 11/02/2025 - 10:14

(TN&MT) - Năm 2024 là minh chứng rõ nét cho thấy, thiên tai xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong năm và mức độ cực đoan ngày càng tăng. Thực tế đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn liên tục bám sát, không bỏ qua bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của thời tiết, khí hậu.

Thống kê của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho thấy, trong năm qua, cả nước đã hứng chịu 1.340 trận thiên tai với 21/22 loại hình. Sau những tháng đầu năm hạn hán tại các tỉnh phía Nam do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino là bão mạnh, mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét trên diện rất rộng tại Bắc Bộ; mưa lũ lớn ở Trung Bộ.

8a.jpg
Cần chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với các loại hình thiên tai có thể xảy ra

Đặc biệt, trận bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền. Gần như đồng thời các loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm như bão rất mạnh, lũ lớn, đặc biệt lớn; ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất xảy ra trên diện rộng.

Theo ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ TN&MT), trong 22 loại hình thiên tai xuất hiện tại Việt Nam, ngành KTTV có thể phát hiện dấu hiệu sớm trước 3 - 5 ngày đối với một số loại hình (ví dụ như bão, áp thấp nhiệt đới), thậm chí trước từ hơn một tuần. Tuy nhiên, cũng có những cái loại hình thiên tai tương đối là phức tạp, diễn ra rất nhanh chỉ trong vòng vài chục phút cho đến một, hai tiếng đồng hồ (như dông, lốc, lũ quét, sạt lở đất). Trình độ khoa học công nghệ của thế giới cũng như Việt Nam chỉ có thể theo dõi và phát hiện các dấu hiệu trước khoảng 1 - 6 tiếng đồng hồ.

Tùy theo thang cảnh báo rủi ro thiên tai từ thấp đến cao, các địa phương cần xây dựng kế hoạch ứng phó cụ thể, chi tiết để không bị động trước bất kỳ tình huống nào. Ví dụ tin cảnh báo bão khoảng cấp 10 - 12, địa phương cũng cần chuẩn bị nhân lực, vật lực và phương án chống bão cho cấp rủi ro cao nhất là cấp 12, dù có khi xác suất chỉ có 0,01%. Đó là hướng dẫn phòng chống thiên tai chung cho quốc tế. Việt Nam đã, đang làm và vẫn sẽ tiếp tục triển khai như vậy - ông Khiêm nhận định.

Trước kia, nước ta có mùa thiên tai, mùa ít thiên tai, mùa không có thiên tai thì nay, ranh giới thời gian không còn nữa. Biến đổi khí hậu khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể xảy ra ở bất cứ đâu, vào bất kì thời điểm nào trong năm và mức độ khốc liệt ngày càng gia tăng. Phạm vi tác động rộng khắp đến hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, thiết chế hạ tầng ở tất cả các tuyến từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi. Chính vì thế, công tác theo dõi KTTV, dự báo, cảnh báo được ngành KTTV triển khai thường xuyên, liên tục quanh năm. Đội ngũ cán bộ sẵn sàng trực chiến 24/24 khi có tình huống thiên tai khẩn cấp xảy ra. Điển hình cho công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó, tinh thần lăn xả không quản ngày đêm ấy chính là đợt thiên tai liên hoàn do bão số 3 vừa qua.

Dự báo xu thế thiên tai năm 2025

Cơ quan KTTV nhận định, mùa khô năm nay, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019 - 2020.

Mùa bão trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện vào tháng 6 - tương đương so với TBNN. Dự báo số lượng bão/ATNĐ trên khu vực Biển Đông năm 2025 khoảng 11 - 13 cơn, trong đó có 5 - 6 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Số lượng này cũng tương đương TBNN và theo các tính toán đến thời điểm hiện tại, chưa có dấu hiệu xuất hiện bão trên Biển Đông trong các tháng đầu năm 2025.

Về nắng nóng, thời gian xuất hiện các đợt nắng nóng khả năng tương đương so với TBNN, và mức độ không gay gắt như năm 2024. Về mưa lớn diện rộng, các đợt mưa có khả năng bắt đầu từ tháng 6 ở Bắc Bộ, sau đó chuyển dần về phía Nam và kết thúc vào khoảng tháng 12/2025 ở các tỉnh từ Trung Bộ.

Một trong những yếu tố quan trọng để giải bài toán thiên tai là quản trị rủi ro. Trong dự báo có rất nhiều yếu tố tác động dẫn đến sai số hoặc bước ngoặt nhanh chóng, mà càng gần đến thời điểm thiên tai tác động đến thực địa mới có thể đưa ra nhận định được. Bởi vậy, dù dự lệnh có trở thành động lệnh hay không, các cấp, các ngành, địa phương vẫn cần ưu tiên tối đa bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản của nhân dân và Nhà nước lên trên hết, trước hết.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, bài học kinh nghiệm rõ nét từ cơn bão số 3 là các ngành, các cấp phải căn cứ trên tình hình thực tế để chủ động, tích cực, sáng tạo, linh hoạt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Trước diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, khó dự báo không chỉ tại Việt Nam cả thế giới, một trong giải pháp quan trọng hàng đầu là truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực và hành động sớm trong ứng phó.

Thiên tai năm 2024, nhất là bão số 3 đi qua, dù hậu quả rất đau xót nhưng cũng để lại những bài học lớn về tổ chức, chỉ đạo phối hợp liên ngành phòng, chống thiên tai liên quan đến thể chế, hạ tầng, nhân lực... Vì vậy, cần rà soát để tăng cường lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội. Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hướng đến mục tiêu "Từ ứng phó đến hành động sớm, tăng cường khả năng chống chịu".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý rủi ro thiên tai từ dự báo sớm, hành động sớm - Sẵn sàng cho mọi tình huống thiên tai khẩn cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO