Xanh lại những vựa rau sau lũ

Lan Anh| 10/12/2020 14:46

(TN&MT) - Khi lũ đi qua, tranh thủ thời tiết nắng ráo, nông dân vùng bãi biền Vu Gia, Thu Bồn lại hối hả xuống ruộng, ra vườn. Đâu đó giữa những tiếng cuốc, tiếng bước chân, người ta nghe được những tiếng cười hi vọng. Màu xanh non dần trở lại những vùng “rốn lũ”, báo hiệu một mùa vụ mới bắt đầu.

Mầm xanh sau lũ

Ở vùng trồng rau chuyên canh Bàu Tròn, xã Đại An, huyện Đại Lộc, thủ phủ rau sạch của Quảng Nam nơi mà cách đây 1 tháng bị bão lũ dồn dập làm cho tả tơi, xơ xác đã ngan ngát màu xanh của rau, hoa. Người dân đang hăng say ra đồng chăm bón vườn rau để cung cấp cho thị trường trong dịp Tết…

Khi lũ đi qua, tranh thủ thời tiết nắng ráo, nông dân vùng chuyên canh rau Bàu Tròn, xã Đại An, Đại Lộc hối hả xuống ruộng, ra vườn

Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên vì lũ chỉ vừa mới qua vài tháng mà cây đã lên xanh, giàn mướp đã ra bông, ông Phan Văn Bảy, người dân làng rau Bàu Tròn cho biết: Bà con nơi đây quen rồi, ngay sau khi nước lũ rút, dọn dẹp nhà cửa là lại nhanh chóng ra đồng thu dọn dẹp, sửa sang lại những gì đã mất và triển khai mùa vụ mới.

“Mưa lũ năm nay dữ dội hơn nhiều so với các năm trước. Nhà tôi trồng 5 sào dưa leo, khổ qua, bị hư sạch, thiệt hại gần 15 triệu đồng. Cả tháng nay tôi tranh thủ xuống giống, chủ yếu cũng vẫn là giống khổ qua, đậu tây, dưa leo bán vụ đông và còn ít bán tết.”- ông Bảy cho hay.

Ông Nguyễn Hữu Lâm xuống giống trở lại 5 sào khổ qua và trồng dặm liên tục những cây con bị côn trùng phá hoại.

Cũng giống như ông Bảy, mấy ngày nay ông Nguyễn Hữu Lâm đã xuống giống trở lại 5 sào khổ qua và trồng dặm liên tục những cây con bị côn trùng phá hoại. Vợ chồng ông Lâm cho biết, trái khổ qua ở vùng được ưa chuộng, sản phẩm an toàn nên được thu mua đưa đi các nơi nhiều. Mỗi sào trồng khổ qua nếu giá ổn có thể cho thu nhập cả chục triệu đồng, lãi ròng đem về trong vụ đông lên tới vài ba chục triệu đồng.

Ông Lâm cũng chia sẻ, vài năm gần đây, để ứng phó với thiên tai, người dân ươm sẵn cây giống trên các giàn ươm trên cao trong sân vườn nhà, ngoài việc tránh lũ còn lũ còn giúp cây cứng cáp, tỷ lệ hạt giống nảy mầm cũng sẽ đạt cao hơn. Mỗi khi mưa lũ, nước lên rất nhanh, ruộng vườn ngập hết, giàn ươm này giúp cây non khỏi hư hại và khỏi mất thời gian chờ cho đất ráo rồi mới ươm giống. Nhờ đó mà mấy năm nay, sau khi qua mưa lụt đi qua là bà con có giống để trồng ngay cho kịp thời vụ.

Nông dân tất bật xuống giống cho kịp vụ Tết

“Thiên tai là điều không ai muốn cả, giờ phải tập trung sản xuất cho vụ Tết. Để có được thương hiệu rau sạch Bàu Tròn như hôm nay, người nông dân chúng tôi phải bỏ bao nhiêu mồ hôi, nước mắt. Phải gắng gượng khôi phục thôi, chứ không thể bỏ đất trống thế này được”- ông Lâm cho biết.

Gượng dậy sau bão

Những ngày này, người trồng hoa ở làng hoa Hòa Cường cũng đang hối hả chuẩn bị cho vụ hoa Tết. Làng hoa Hòa Cường (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) từng chịu thiệt hại nặng nề khi các chậu hoa vừa xuống giống đã vướng mưa bão kéo dài.

Làng hoa Hòa Cường cũng đang hối hả chuẩn bị cho vụ hoa Tết.

Đang tỉ mỉ chăm chút làm đất cho những thân hoa Tết, anh Trần Phước Hoàng, trú phường Hòa Cường Bắc cho biết, để phục vụ cho thị trường Tết năm nay, anh trồng gần 1000 chậu cúc. Mưa bão liên tục khiến sinh trưởng của cây hoa bị chậm lại. Vào thời điểm này năm ngoái cây hoa đã cao 50-60 cm nhưng năm nay mới được 40 cm. Bây giờ không chỉ lo thời tiết mà còn lo dịch Covid-19. Dịch mà hoành hành là người dân không bán được hoa, xem như trắng tay.

“Thị trường cung cấp hoa của làng Hòa Cường chủ yếu là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị mà năm nay mưa bão, rồi dịch Covid-19 đời sống khó khăn nên bà con đang lo không bán được hoa. Nhưng làm thì vẫn làm vì cái nghề của mình rồi. Ai cũng hi vọng nhà nước triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ dân sinh để ai cũng có cái tết đủ đầy”- anh Hoàng chia sẻ.

Năm nay do ảnh hưởng của mưa bão nên hoa sinh trưởng kém

Để bà con yên tâm sản xuất, Phòng Nông nghiệp, Hội nông dân các cấp đã triển khai hỗ trợ nhiều giải pháp cụ thể như khắc phục hệ thống kênh mương, thủy lợi sạt lở; hướng dẫn bà con khẩn các biện pháp kỹ thuật, chuẩn bị tốt về giống, phân bón… ngay khi điều kiện thuận lợi thì tổ chức ra đồng.

“Về lâu dài, Hội Nông dân TP Đà Nẵng đang đề ra những giải pháp dài hạn, giúp người nông dân giảm những rủi ro đối với thời tiết, chủ động được mùa vụ sản xuất”, Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Nẵng Nguyễn Đình Khánh Vân cho biết.

Màu xanh đã trở lại ở nơi "rốn lũ" đi qua

Năm nay, nông dân nhiều tỉnh, thành miền Trung không chỉ ứng phó với 2 mùa mưa nắng mà còn oằn mình trải qua thêm 2 “mùa” khác nữa là dịch Covid-19 và mưa lũ lịch sử. Bão lũ cuốn sạch, cuốn luôn nước mắt, mồ hôi người dân. Gượng dậy sau thiên tai, những nông dân chân lấm tay bùn ở dải đất miền Trung đang hối hả chạy đua với thời gian để tái thiết sản xuất và dường như trong gian khó, sức sống bật lên của người nông dân càng mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xanh lại những vựa rau sau lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO