Gossan chứa các nguyên tố kim loại có hàm lượng và giá trị công nghiệp cao
Khu vực nghiên cứu thuộc địa bàn huyện miền núi Thatom, tỉnh Xaysomboun, CHDCND Lào có độ cao thay đổi từ 400 đến 600 m. Kết quả nghiên cứu đã ghi nhận được các loại gossan trong khu vực nghiên cứu là loại màu đỏ nâu, nâu đen xám, nặng tạo khối thành phần gồm khoáng vật hematit - geothit - limonit và loại đỏ nhạt nghèo limonit nhẹ, xốp. Các loại quặng này thường cứng và hiển thị các cấu trúc dăm cục bộ. Kích thước của các mảnh dăm trung bình là 5 cm và nhỏ hơn, thành phần chiếm chủ yếu là hematit, geothit, limonit, manganit hoặc thạch anh hạt mịn.
Kết quả nghiên cứu đã khoanh định được 3 khu lộ gossan, phân bố tập trung ở khu 1, khu 3 với diện tích rộng vài km2 ở phía Tây Bắc và diện chưa được làm rõ có diện lộ khoảng vài trăm m2 lộ ra ở Đông Nam khu vực nghiên cứu. Các gossan này được hình thành là sự phát triển phần trên của các thân quặng sulfur nguyên thủy ở dưới sâu khoảng 200 - 400 m.
Kết quả phân tích thành phần của gossan cho thấy chúng chứa các nguyên tố kim loại có hàm lượng và có giá trị công nghiệp cao như Au, Cu, Fe và các nguyên tố đi kèm gồm As, Mo, Pb, Zn, có thể tồn tại các thân quặng sulfur của Cu và khoáng vật chứa sắt từ. Các nguyên tố Au, Cu, As… có dị thường liên quan chặt chẽ với diện tích phân bố tập trung của các vết lộ gossan. Bởi vậy, bước đầu có thể nhận định khả năng tồn tại thân quặng sulfur của Cu (Au) và khoáng vật chứa sắt từ dưới sâu.
Khu vực có gossan giúp xác định rõ tiềm năng khoáng sản. Ảnh minh họa |
Phát hiện làm rõ diện phân bố của gossan là rất quan trọng
Kết quả điều tra khoáng sản và lập bản đồ địa chất tỷ lệ trung bình ở Lào cũng như Việt Nam đã phát hiện được rất nhiều khu vực phân bổ gossan tạo nên các dạng mũ sắt có quy mô khác nhau (khu vực Núi Pháo - Đại Từ - Thái Nguyên là điển hình và có qui mô lớn). Một số khu vực đã phát hiện được nhiều mỏ sulfur lớn của Cu - Au - Fe, W - Bi - Cu - Au - Sn.
Theo ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, để làm rõ tiềm năng khoáng sản liên quan đến khu vực đã phát hiện sự có mặt của gossan, cần tiến hành lộ trình địa chất ở tỷ lệ 1:50.000 đến 1:25.000, khoanh định và phân chia chi tiết các thành tạo địa chất trong khu vực chính xác và làm rõ diện tích phân bố của gossan, các đới đá biến đổi nhiệt dịch, đặc biệt ở ven rìa các thành tạo gossan. Đó là việc quan trọng của giai đoạn nghiên cứu này.
Việc lấy các loại mẫu nghiên cứu làm rõ đặc điểm thạch học, địa hóa khoáng vật và mối liên quan giữa các hoạt động magma xâm nhập, phun trào và hoạt động kiến tạo với sự tạo khoáng hóa. Đối với gossan lấy mẫu phân tích phân tích đủ thành phần quặng có thể liên quan như: Au, Ag, Cu, W, Bi, Sn, Sb, As, REE, U, Pb, Zn, Ba, K, Na, F trên cơ sở nghiên cứu xác định bằng mắt thường để định hướng phân tích. Lấy mẫu địa hóa đất phủ với mạng lưới (100 - 200) x (10 - 20) m và có thể đan dày ở khu vực tập trung gossan, độ sâu lấy mẫu có thể được quyết định khi lấy mẫu thử có thể sâu khoảng 30 cm. Các mẫu được phân tích bằng XRF cầm tay hoặc ICP-MS với hơn 30 nguyên tố.
Đối với các gossan đã được đánh giá bởi các công trình hào, đo địa vật lý, ông Nguyễn Văn Nguyên cho hay, công tác địa vật lý có thể tiến hành trùng với các tuyến địa hóa đất phủ. Các phương pháp như phương pháp điện trở (IP), trọng lực sẽ được thực hiện ở tỷ lệ 1:10.000 hoặc lớn hơn trên khu vực phân bố gossan và kết quả địa hóa. Công tác địa vật lý hàng không với tổ hợp các phương pháp điện cần quan tâm thực hiện ở giai đoạn đầu công tác tìm kiếm và thăm dò.
“Các công trình hào sẽ giúp cho việc xác định ranh giới giữa gossan và đá vây quanh, dự đoán triển vọng phát hiện đới làm giàu thứ sinh cũng như quặng nguyên thủy ở dưới. Công trình khoan được tiến hành sau khi xử lý kết quả địa hóa, địa vật lý, các kết quả phân tích mẫu, phân chia khoanh nối các thân quặng từ công trình hào và nghiên cứu luận giải mô hình mỏ của các chuyên gia…” - ông Nguyễn Văn Nguyên khẳng định.
Gossan là đá giàu sắt, là sản phẩm của quá trình phong hóa và rửa trôi khoáng hóa sulfur. Gossan là các dấu hiệu trực tiếp liên quan đến mỏ khoáng hoặc khoáng hóa sulfur nằm dưới.