Xã Mai Lâm, huyện Đông Anh: Bao giờ di dời những nhà xưởng gây ô nhiễm?

19/10/2018 15:14

(TN&MT) – Hàng chục nhà xưởng sản xuất gỗ ép, gỗ dán, sơn tĩnh điện … nằm trên địa bàn thôn Lộc Hà (xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) đang ngày đêm xả thải trực tiếp ra môi trường, làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân quanh khu vực. Mặc dù UBND xã đã chấm dứt hợp đồng cho các hộ này thuê đất từ năm 2013 nhưng tính đến nay, loạt nhà xưởng này vẫn không hề bị di dời.

Trên địa bàn thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội từ nhiều năm nay tồn tại hàng chục nhà xưởng sản xuất gỗ ép, gỗ dán, sơn tĩnh điện … gây ô nhiễm môi trường cho khu dân cư quanh khu vực. Theo phản ánh của người dân nơi đây, những nhà xưởng này thường xuyên xả khói đen mù trời, những ngày trở gió, khói ngược vào khu dân cư khiến cho cả người lớn và trẻ nhỏ đều nôn nao, tức ngực, khó thở. Mặc dù người dân không ít lần kiến nghị trong các cuộc họp ở thôn, xã, tuy nhiên không hiểu vì lí do gì, các xưởng gỗ này vẫn tiếp tục hoạt động.
 

o nhiem mai lam 1
Hàng loạt nhà xưởng đua nhau xả khói đen đầu độc người dân ở xã Mai Lâm

Trao đổi với PV báo TN&MT, bác Trần Thị M. (sống ở bờ mương phía Bắc, thôn Lộc Hà) bức xúc cho biết: “Các nhà xưởng này hoạt động suốt ngày đêm và xả khói liên tục. Nhiều lúc họ cùng xả khói đồng loạt khiến cho dân chúng tôi không thể nào thở được. Mùi khói lẫn với mùi hăng nồng của bụi gỗ khiến cho người lớn tuổi hay bị ho khan và tức ngực. Mỗi hôm trở gió là chúng tôi phải đóng chặt cửa không dám ra ngoài. Thực sự là rất khổ sở”.

Cũng theo bác M. bên cạnh việc xả khói, các doanh nghiệp ở đây còn xả nước thải trực tiếp vào hệ thống mương nội đồng của người dân. “Họ xả thứ nước đủ màu vàng, đỏ … vào mương Hà Bắc khiến cho cá chết nổi cả lên. Những lúc nước to thì cả đoạn mương có màu đỏ quạch, những lúc ít nước thì cả khu vực bốc mùi hôi thối không thể tả được. Chúng tôi sợ nước này mà sử dụng cho sản xuất nông nghiệp sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và cây màu”.

Thời điểm PV có mặt tại đây để ghi nhận thực tế, những cột khói đen vẫn đua nhau xả ra môi trường. Bên trong các nhà xưởng, công nhân thoăn thoắt xếp từng lớp gỗ được gọt mỏng, bản rộng đã được bôi keo sẵn ngay ngắn thẳng hàng. Khi lớp gỗ đã dày lên, các công nhân điều khiển đưa vào trong máy và để ép bằng hơi từ lò than ở gần đó. Vừa gặp hơi nóng, lập tức gỗ đang ép bốc khói trắng mờ mịt.

Khi nhận thấy sự có mặt của PV tại khu vực này, các nhà xưởng trên hoạt động bớt sôi động hẳn. Những cột khói đen đột ngột biến mất và một số nhà xưởng có vẻ giảm hoạt động. Tiếng ầm ầm của những chiếc máy ép gỗ cũng không còn xuất hiện nhiều nữa.
 

o nhiem mai lam 2
Nước thải của cơ sở sơn tĩnh điện xả trực tiếp ra mương Hà Bắc tại thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm

Nhằm tiếp tục làm rõ thông tin, PV báo TN&MT đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó chủ tịch UBND xã Mai Lâm. Tại buổi làm việc, ông Lâm cho biết: “Khu vực các nhà xưởng sản xuất gỗ ép, gỗ dán thuộc thôn Lộc Hà đã tồn tại gần 20 năm nay. Trước đây xã kí hợp đồng cho các xưởng thuê đất để kinh doanh. Tuy nhiên thực hiện luật Đất đai 2013, UBND xã đã tiến hành thanh lý hợp đồng với các xưởng sản xuất và không cho họ thuê đất nữa. Nhưng vì một số nguyên nhân khác nhau nên đến giờ, các nhà xưởng vẫn hoạt động, chưa thể di dời đi chỗ khác”.

Trao đổi về thông tin các nhà xưởng sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ông Lâm cho biết: “Khu vực đó quả có một đơn vị làm sơn tĩnh điện gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi đang yêu cầu đơn vị này tìm vị trí mới để chuyển đi nơi khác. Còn đối với các xưởng gỗ thì khi họ dùng củi ướt, củi ẩm để đốt lò thì quả là có khói đen. Tuy nhiên đây chỉ là khói củi nên không hề độc hại như người dân nghĩ. Chúng tôi cũng thường xuyên đôn đốc các chủ cơ sở sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường. Tôi thấy các xưởng khá sạch sẽ và đến nay, xã chưa nhận được bất cứ phản ánh nào của người dân liên quan tới các xưởng gỗ này gây ô nhiễm cả”.

Theo các chuyên gia hóa học, keo để dán gỗ và ép gỗ dăm được làm bằng chất fomadehit kết hợp với đạm Urê và axit. Trên thị trường hiện có rất nhiều loại keo dán gỗ, trong đó loại keo bán trôi nổi trên thị trường được nhập từ Trung Quốc về hoặc được sản xuất thủ công thì cực kì độc hại, hàm lượng tồn dư fomadehit rất lớn. Khi ép gỗ vào máy, gặp hơi nóng thì chất fomadehit sẽ có phản ứng hóa học là bốc hơi cay khiến người gần đó bị cay mắt, hàm lượng tồn dư fomadehit càng lớn thì hiện tượng này càng rõ ràng. Người tiếp xúc trực tiếp, lâu dài sẽ bị ung thư đường hô hấp, trẻ em tiếp xúc thường xuyên có nhiều khả năng bị vô sinh ... Người ngửi phải loại khí này cũng có thể gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là vấn đề hô hấp.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xã Mai Lâm, huyện Đông Anh: Bao giờ di dời những nhà xưởng gây ô nhiễm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO