Câu chuyện môi trường

Vườn tái chế

Quan Hưng 09/04/2024 - 10:57

(TN&MT) - Đó là một không gian nhỏ, nằm khiêm tốn trong một góc vườn ở xóm 3 (thôn Long Thành, xã Phước Mỹ, TP. Quy Nhơn).

Nơi đây được xem như là mái nhà thứ hai của những người khuyết tật, cũng là nơi vòng đời thứ hai của rác bắt đầu.

Nói đến Vườn tái chế, hầu như người dân ở xã Phước Mỹ ai cũng biết, cũng như họ đã quá quen với hình ảnh những người khuyết tật ở ngôi nhà chung Vườn tái chế di chuyển trên xe lăn khắp các nẻo đường nhặt từng chai nhựa, bao bì ni lông ở các ngõ hẻm mang về Vườn.

screenshot_1712562872.png
Vườn tái chế NNC

Tại đây, vật liệu phế thải tưởng chừng bỏ đi, nhưng qua đôi bàn tay khéo léo của những mảnh đời khiếm khuyết đã "sống lại" cuộc đời thứ hai, trở thành vật dụng hữu ích cho cuộc sống.

Cũng ở đây, những người khuyết tật được tiếp thêm động lực vượt lên rào cản khiếm khuyết, thỏa sức thể hiện đam mê của bản thân. Họ được sáng tạo và làm ra nhiều sản phẩm độc đáo, hữu ích, góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường.

screenshot_1712562921.png
Những sản phẩm thủ công của Vườn tái chế

Tác giả của Khu vườn là bà Nguyễn Thị Thanh Nga (Chi hội trưởng Chi hội Khuyết tật Nguyễn Nga - NNC). Vườn được hình thành từ quãng thời gian dịch bệnh Covid-19 vẫn đang hoành hành, khi đó, bà Nga nhận thấy số lượng bì ni lông, hộp đựng đồ ăn làm từ xốp, các loại chai nhựa... thải ra môi trường khá nhiều nên đã lên mạng tìm hiểu về tác hại của các loại rác thải. Từ đó, bà bắt tay vào hạn chế rác thải như thực hiện đi chợ không túi ni lông, mang theo túi đựng khi mua sắm. Sau đó, bà cùng các thành viên trong chi hội NNC suy nghĩ về cách làm "cuộc đời thứ 2" cho những loại rác thải này.

screenshot_1712562762.png
bà Nguyễn Thị Thanh Nga (Chi hội trưởng Chi hội Khuyết tật Nguyễn Nga - NNC) và các thợ thủ công của Vườn

Rác thải nhựa, giấy, thủy tinh được các thành viên thu gom, nghiên cứu và chế tạo nên các sản phẩm độc đáo như xe, chuông gió, hình động vật. Ngoài giờ làm việc, những thành viên của Vườn được giao lưu âm nhạc, tham gia trồng rau, hoặc có thể ngồi yên và hình dung về một sản phẩm mới nào đó, đúng như những gì mà bà Nga mong muốn: "Mỗi học sinh và người dân khi đến với Vườn sẽ biết được việc tái chế rác, từ đó nâng cao nhận thức, góp phần bảo vệ môi trường. Hơn nữa, tôi chỉ mong các em được hòa mình với thiên nhiên, được tự học, tự làm nên những sản phẩm khiến các em tự tin vào bản thân là mình có thể làm được việc có ích".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vườn tái chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO