Lạc vào "Rừng nguyên sinh" giữa lòng Hà Nội
(TN&MT) - Buổi “đi rừng” ngày hôm ấy lưu giữ cho tất cả mọi người thật nhiều kỷ niệm, không chỉ là những ký ức đẹp, những trải nghiệm thú vị mà còn cả một bầu “không khí xanh” được hấp thụ căng tràn trong lồng ngực. Chẳng đâu xa xôi, “khu rừng nhỏ” này chỉ nằm ngay trong lòng Thủ đô Hà Nội….
(TN&MT) - Buổi “đi rừng” ngày hôm ấy lưu giữ cho tất cả mọi người thật nhiều kỷ niệm, không chỉ là những ký ức đẹp, những trải nghiệm thú vị mà còn cả một bầu “không khí xanh” được hấp thụ căng tràn trong lồng ngực. Chẳng đâu xa xôi, “khu rừng nhỏ” này chỉ nằm ngay trong lòng Thủ đô Hà Nội….
Sáng kiến “xanh” cho Hà Nội thêm “xanh”
Nằm trong “Sáng kiến quản lý môi trường dựa vào cộng đồng” do quận Hoàn Kiếm triển khai, Doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds (Nghĩ về Sân chơi trong Phố - viết tắt là TPG) đã và đang hỗ trợ quận thiết kế bản quy hoạch tổng thể cho khu vực Bờ vở thuộc phạm vi quận, kéo dài từ cầu Long Biên đến cầu Đất, nhằm triển khai thực hiện Công viên rừng Phúc Tân (Hoàn Kiếm).
Sáng kiến này đã được thử nghiệm xuyên suốt thời gian qua, cùng sự đồng hành của các bạn tình nguyện viên, cộng tác viên có tâm nguyện muốn đóng góp cho Thủ đô Hà Nội được xanh-sạch-đẹp và nhận được sự tài trợ từ chiến dịch HiGreen – Bình minh Xanh của Ngân hàng cổ phần Quân đội (MBBank), đại sứ quán New Zealand và đại sứ quán Đan Mạch…
Trong đó, TPG đóng vai trò thiết kế sáng kiến, ngay từ những thảm thực vật hay những vật liệu thi công xây dựng, đều hướng đến việc cải thiện không gian xanh, tạo môi trường trong lành cho người dân…
Vì khu vực này vẫn thuộc hành lang xả lũ, nên rác thải cũng có thể tràn về đây rất nhiều. Sáng kiến này giúp cho việc rác không trở lại, cũng được rất nhiều hội nhóm thực hiện các hoạt động nhặt rác, bảo vệ môi trường...
Việc đưa công viên Chương Dương và Phúc Tân vào xây dựng đều được TPG làm rất sâu sát, kỹ lưỡng. Trong đó, TPG triển khai họp và lấy ý kiến cộng đồng, để từ đó có thể đưa ra các phương án thực hiện xây dựng công viên một cách tối ưu nhất.
Có thể kể đến như Vườn tại công viên Chương Dương, TPG làm rất nhiều đợt cùng Hội Phụ nữ phường Phúc Tân và người dân, khuyến khích họ tưới cây, chăm trồng, thu dọn rác,… những việc làm này cho họ kết nối chính bản thân mình với khu vực, để họ có ý thức tự gìn giữ, bảo vệ nó. Chính nhờ cộng đồng tích cực duy tu, bảo vệ môi trường, giữ gìn công viên nên phần chi phí để quản lý công viên sẽ thấp, không tốn kém, thay cho một bộ máy để duy trì.
Công viên Phúc Tân được thiết kế có chủ đề để liên quan đến lịch sử, văn hoá của Việt Nam thể hiện ở các mô hình như cầu trượt – leo trèo được tạo hình con rồng, liên quan đến cầu Long Biên; dòng sông Hồng, liên quan đến lịch sử của thành Thăng Long hay là loài chim Mai Hoa, một biểu tượng rất đặc trưng trong khu vực này cũng đều được mô phỏng tạo hình trong công viên. Những thiết kế đó dựa vào vùng đất, câu chuyện văn hoá, câu chuyện lịch sử để khuyến khích lòng tự hào dân tộc của trẻ em, những thế hệ mầm non tương lai đất nước,… giúp các em hiểu về văn hoá, hiểu về thiên nhiên và mang tính giáo dục cao.
Bên cạnh đó, công viên Phúc Tân còn được thiết kế sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường trong xây dựng như: Bê tông thấm nước, là một ứng dụng và chất liệu của bê tông chính từ trạc xây dựng, rác thải xây dựng được nghiền ra và làm thành bê tông. Bê tông này được nghiên cứu bởi trường Đại học Xây dựng và sử dụng công nghệ của Nhật.
Điều này giúp mang lại cho người dân những lợi ích về không gian công cộng, thay vì làm các công trình theo hướng bê tông hoá, hoặc là cách làm cũ về công viên, vườn hoa mà sử dụng quá nhiều bê tông, vật liệu xây dựng,…
Anh Quốc Đạt chia sẻ: "Vì khu vực này cũng là khu vực thu hút được nhiều sự chú ý, bản thân nằm ngay dưới cầu, trong phần nội đô lịch sử, vốn dĩ đã có giá trị về văn hoá và môi trường, TPG đã có vài khảo sát về thảm thực vật, và sinh vật ở đây để đề xuất lên quận xây dựng khu vực trở thành một hành lang xanh, và cách tiếp cận sẽ hạn chế tối đa sự can thiệp của con người, chỉ làm sao để giảm đi những loài xâm lấn, đặc biệt là cải tạo phần cống, rãnh nước thải và xử lý rác.
Việc này cũng nhằm bảo vệ hệ sinh thái, duy trì, bảo tồn và xúc tiến tái sinh cho “khu rừng nhỏ”.. Đến thời điểm hiện tại, sân chơi thử nghiệm ở Phúc Tân được sự tham gia của rất nhiều đoàn học sinh, sinh viên quốc tế, khách du lịch xuống để tham quan, trải nghiệm,… họ đều rất ngưỡng mộ và thích thú. Vì nếu càng thực hiện được nhiều tour cho học sinh tham quan, phường và quận quản lý càng hiểu được giá trị của rừng, lúc đó, rừng sẽ được bảo vệ, không còn tình trạng xả rác hay phá hủy thiên nhiên nữa…
Hiện nay, mọi người có thể bỏ ra rất nhiều tiền, tốn rất nhiều thời gian, từ 1 – 3 tiếng để cùng nhau đến một nơi có thiên nhiên. Trong khi đó, ở Hà Nội, chỉ cần mất 15 phút đi xe là ra được một không gian thiên nhiên lý tưởng.
Chính vì vậy, chúng tôi cũng muốn có một đề xuất đưa hình thái này vào một kiểu mẫu trong cách tiếp cận của thành phố khi hướng ra sông, để hạn chế tối đa những phần tác động, và làm mạnh những phần có thể cải thiện không gian, đặc biệt là phần gần khu dân cư.”
Sáng kiến rừng Phúc Tân được TPG nghiên cứu, thể hiện một phần cách tác động mềm vào khu vực và cần phải được bảo vệ. Điều này cũng tạo ra được một đặc trưng, có lẽ người Hà Nội không hề biết, ngay cạnh mình có rừng và cũng biến những thứ không tưởng như việc “trong phố có rừng” lại trở nên rất gần gũi.
Chuyến đi “rừng” trong Thành phố
Đi xuống rừng ngay dưới chân cầu Long Biên, chúng tôi đã thấy ngay một vườn rau xanh mơn mởn do người nông dân tại đây nuôi trồng, chăm bón, tưới tiêu. Ở đây có các loại rau như bắp cải, cải thảo,… Một số khu khác trồng các loại hoa thược dược, hoa cúc, hoa mai, đào,… Được dịp ghé thăm rừng, bác nông dân niềm nở hái rau tặng chúng tôi.
Đi sâu hơn nữa vào rừng, có một sợi dây đỏ cột chặt vào các cây như một tín hiệu dẫn đường để đoàn chúng tôi không đi lạc. Càng đi, khu rừng này càng hiện ra một vẻ đẹp tiềm tàng, một hệ sinh thái với vẻ đẹp tự nhiên tiềm ẩn đã lâu nhưng chưa được khai phá, với nhiều loại cây đa dạng, nhiều loại thực vật và chim muông cùng các loài động vật hoang dã đang cư ngụ. Khu rừng cứ nằm im lìm và để chúng tôi lặng lẽ bước vào khám phá nó...
Việc bảo tồn khu rừng này sẽ theo một hướng mở, vì khu vực này không phải rừng nguyên sinh, do đó, chúng tôi tư duy theo dạng bảo tồn linh hoạt, tức là những chỗ nào đã bị tác động nông nghiệp, chúng tôi sẽ tập huấn, hướng dẫn cho người dân cách canh tác khôn ngoan, không sử dụng những chất độc hại… Như những khu vực bẫy chim, cần phải rất mạnh tay, tuyên truyền người dân hiểu luật pháp không được săn bắt chim hoang dã.
Đồng thời, chúng tôi cũng tìm ra cách để người dân trong đô thị hứng thú với không gian này. Bởi vì nếu nó chỉ dành cho thiểu số hay không được quan tâm, hoặc “khu rừng” này như một nơi mà người ta không cảm thấy thuộc về, thì họ sẽ không bảo vệ. Và càng nhiều người biết đến, tiếp cận nó theo hướng vận động ngoài trời, đi bộ,…họ sẽ dần dần coi đây là việc đương nhiên, từ đó, việc bảo vệ, quản lý sẽ dễ dàng hơn.”Anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt
Việc tác động mạnh từ các dự án làm đường, bê tông,… khiến bề mặt Công viên rừng phải cải tạo lại, trồng lại cây, mà việc trồng lại cây rất tốn kém, mất nhiều thời gian, công sức vì phải tìm đúng giống cây bản địa hoặc tìm các cây công trình, cây ngoại lai,… làm sao cho việc trồng cây vẫn giữ được các giống bản địa.
Để duy trì loài cây bản địa mới là quan trọng, như vậy sẽ có thể tạo được chuỗi thức ăn cho các loài sinh sống ở đây và từ chuỗi thức ăn, các loài mới có thể tái sinh lại hệ sinh thái được vòng tròn thức ăn; như những cây thuộc loài tiên phong, lớn lên rất nhanh và dày, thu hút nhiều chim chóc, cây lớn lên sẽ tự đổ xuống, thân gỗ của cây sẽ mủn mục và cung cấp chất màu mỡ cho đất, có thể kể đến cây táo dại, cây bờ lời nhớt,… là những cây dại vốn dĩ mọc ở bờ sông, mà bây giờ rất hiếm, chỉ có chuyên gia rừng mới nhìn được.
Vì đây không phải là khu rừng nguyên sinh, nên nếu được tiếp tục có một tầm nhìn tốt trong tương lai thì nó sẽ trở thành rừng trong phố đúng nghĩa và dễ dàng phát triển các cây thực vật, sẽ không mất công để trồng lại.”Em Trần Thu Trang - Cán bộ Dự án Vườn rừng Think Playgrounds
Ngoài ra, ở trong khu vực này vẫn còn có loài sách đỏ như loài mèo rừng, sống lẩn khuất quanh rừng, các loài chim hiếm,… vì ở đây còn có nguồn thức ăn cho chim nên chúng vẫn đến. Có thể thấy, khu vực này chứa đựng nhiều động vật, thực vật quý hiếm và hoang dã nên vẫn cần có những biện pháp bảo vệ, tránh tình trạng bị săn bắt. Vì vậy, TPG đang rất nỗ lực xây dựng một hành lang xanh để bảo vệ thiên nhiên, môi trường,…
Cuối buổi đi rừng, trở về Vườn Giác quan cho mọi người cùng chiêm ngưỡng, em Trần Thu Trang - cán bộ Dự án Vườn rừng Think Playgrounds chia sẻ về các loại cây đa dạng, khác nhau: “Bọn em làm việc theo triết lý sống xanh. Ví dụ như trong vườn này cũng có phần giáo dục, là khi chăm bón cây, mọi người sẽ không sử dụng phân bón hoá học hay thuốc trừ sâu, mà chỉ sử dụng các loại phân sinh học, do đó, khi các cây dính sâu thì hoàn toàn là điều bình thường, thể hiện đây là cây sạch và vì Vườn không chỉ là nơi cấp ẩm, tạo ô – xi mà còn là nơi cung cấp thức ăn cho các loài động vật hoang dã, chim muông,… Đó là sự cân bằng của hệ sinh thái, giúp con người và thiên nhiên cùng chung sống hòa hợp.”
Trong chuyến đi lần này có 2 hoạt động chính, là trải nghiệm đi thực tế xuyên suốt rừng Phúc Tân và sau đó, các em học sinh sẽ làm hoạt động nhóm để tự thực hiện báo cáo hành trình chuyến đi của mình, đưa ra những suy nghĩ, trải nghiệm và các bài học trong chuyến đi rừng tại Hà Nội, cũng như có những phương án cải thiện và xây dựng kế hoạch để tiếp tục hỗ trợ cộng đồng trong việc xây dựng triển khai công viên rừng.
Chuyến đi với tổng thời gian khám phá là 3 tiếng, 2 tiếng rưỡi là bắt đầu đi từ đầu vườn tại Chương Dương và một tiếng để các em thảo luận nhóm, đưa ra các ý tưởng, sáng kiến xây dựng công viên rừng….