Vùng cao Điện Biên: Thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường
(TN&MT) - Trước đây, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có xu hướng gia tăng, do ý thức người dân còn hạn chế và những phong tục, tập quán lạc hậu. Những năm gần đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đưa trâu bò ra khỏi gầm sàn,… nhiều mô hình hay, dễ làm được nhân rộng để bảo vệ môi trường ở vùng cao.
Bà Đặng Thị Hồng Loan - Trưởng phòng Quản lý môi trường và Biến đổi khí hậu, Sở TN&MT Điện Biên, cho biết: Tại các xã vùng cao, vùng đồng bào DTTS, điều kiện cơ sở hạ tầng còn khó khăn, thiếu thốn và do ảnh hưởng từ phong tục, tập quán, thói quen làm ảnh hưởng xấu tới môi trường sống. Người dân chưa có ý thức bảo vệ môi trường. Vẫn có hành động xả rác sinh hoạt tùy tiện. Cùng với đó, việc chăn nuôi gia súc thả rông, phân gia súc vương vãi xung quanh nhà và đường đi, gặp nắng bốc mùi, gặp mưa bị rửa trôi làm ô nhiễm nguồn nước.
Mặc dù tập quán nuôi nhốt gia súc gần nhà ở và dưới gầm sàn đã được khắc phục, tuy nhiên, chuồng trại để nuôi nhốt gia súc, gia cầm vẫn còn là vấn đề gây ô nhiễm môi trường sống do chất thải, nước thải chưa được thu gom, xử lí khoa học, dẫn đến mùi hôi thối từ các chuồng trại, hố chứa tạm bợ, chưa có kỹ thuật xử lí mùi hôi. Nhất là những ngày mưa, vật nuôi phải nhốt ở chuồng, lượng nước thải, chất thải gia tăng làm quá tải tại các khu vực chuồng trại của các hộ dân.
Ngoài chất thải từ chăn nuôi, khu vực nông thôn miền núi còn phát sinh rác thải từ bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường, dưới kênh rạch và ven các tuyến đường nội đồng. Việc vứt rác bừa bãi là điều hết sức nguy hại cho môi trường và rác thải khó phân hủy gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng tới hệ sinh thái cũng như sức khỏe con người.
Trước những thực trạng đó, thời gian qua, Điện Biên đã triển khai một số chương trình phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng, chính quyền địa phương trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cho đồng bào DTTS. Qua đó góp phần nâng cao kiến thức, thay đổi thói quen của đồng bào DTTS trong việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải cũng như hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt để bảo vệ môi trường. Nhiều xã, phường, tổ chức đoàn thể thực hiện tốt, điển hình như xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ), các xã lòng chảo của huyện Điện Biên. Các phường của TP. Điện Biên Phủ, xã Mường Nhé của huyện Mường Nhé… Hội phụ nữ Mường Nhé, Điện Biên Đông, Tuần Giáo và Mường Ảng.
Là một trong những địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, ông Thùng Văn Ánh - Chủ tịch UBND xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, cho biết: Chà Nưa là xã có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng thiếu và chưa đồng bộ, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Vì thế, những năm trước đây, việc bảo vệ môi trường ở địa phương còn nhiều bất cập. Ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường chưa cao, tình trạng người dân xả rác ra môi trường còn phổ biến. Thêm nữa, do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên việc bà con chăn nuôi thả rông còn nhiều, dẫn tới việc môi trường làng bản không được sạch đẹp, ảnh hưởng lớn đến môi trường sống…
Theo ông Thùng Văn Ánh, để giải quyết vấn đến này, xã đã tập trung tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Yêu cầu mỗi một hộ gia đình phải quy định cụ thể nơi chứa rác thải sinh hoạt, rác thải trong chăn nuôi và có trách nhiệm thu gom riêng túi, vỏ chai đựng thuốc bảo vệ thực vật đưa về các khu vực tập kết rác công cộng để xử lí phù hợp, an toàn.
Về xử lí rác thải tại các bản vùng cao, xã lựa chọn giải pháp từ 5 - 7 hộ, hoặc 5 - 10 hộ chung nhau làm lò đốt rác. Vì đặc điểm của người dân miền núi sống không tập trung, thưa người. Các bản đều cách xa nhau, không thuận tiện cho việc thu gom rác thải, do vậy, xã đã chọn mô hình làm lò đốt rác theo cụm tuỳ theo điều kiện từng bản.
Đối với những hộ chăn nuôi có từ 3 - 5 con trâu trở lên, xã yêu cầu mỗi hộ phải có quỹ đất để làm chuồng trại đảm bảo khoảng cách từ chuồng đến nhà ở; Đồng thời, phải có bể chứa chất thải đủ về diện tích, khoa học và thuận tiện. Chuồng trại yêu cầu dọn vệ sinh thường xuyên. Phân và nước thải thu gom để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, xã Chà Nưa đã nhân rộng thành công phong trào xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt theo hộ gia đình hoặc nhóm hộ, toàn xã đã xây dựng được trên 100 lò đốt rác, người dân đã bắt đầu quen với việc phân loại rác và xử lý rác đúng nơi quy định, góp phần xử lý khoảng 90% lượng rác thải sinh hoạt.
Ngoài mô hình của Chà Nưa còn có mô hình đổi rác thải lấy tiền của Chi hội Phụ nữ huyện Mường Nhé, Điện Biên Đông và Tủa Chùa; Mô hình sạch từ nhà đến ngõ xóm của Hội Phụ nữ huyện Điện Biên; Mô hình thanh niên Điện Biên chung tay xây dựng nông thôn mới của tỉnh đoàn Điện Biên…
Có thể thấy, việc thay đổi thói quen, tập tục có từ lâu của cộng đồng vùng đồng bào DTTS không hề dễ dàng. Tuy nhiên, khi bà con nhận thức được những hạn chế của thói quen, tập quán cũ thì chính bà con sẽ là những tuyên truyền viên tích cực nhất để huy động cả cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường. Vì thế, rất nhiều địa phương đã nhân rộng mô hình của Chà Nưa. Các xã bản của tỉnh Điện Biên đến nay cơ bản đều có những giải pháp bảo vệ môi trường theo văn hóa của mỗi dân tộc, 100% các bản đều đã đưa gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn, bố trí nơi đốt rác, xử lí rác thải trong sinh hoạt hợp lí với quy hoạch bãi rác của bản, xã... từ đó, môi trường sống dần được cải thiện.