UBND tỉnh vào cuộc
Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Đức Đăng vừa ký Văn bản số 4530/UBND-TT gửi Sở Giao thông vận tải và UBND huyện Lạng Giang đề nghị làm rõ thông tin Báo Tài nguyên và Môi trường phản ánh.
Văn bản nêu rõ, Báo Tài nguyên và Môi trường phản ánh hàng rào hộ lan, dải tôn lượn sóng bảo vệ hành lang Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang liên tục bị các cá nhân, doanh nghiệp tự ý phá bỏ để mở lối đi làm bãi tập kết ôtô, kinh doanh nhà xưởng và vật liệu xây dựng gây bức xúc cho người tham gia giao thông.Sau khi xem xét, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn giao Sở Giao thông vận tải chủ trì xác minh, làm rõ nội dung Báo phản ánh, đề xuất xử lý báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và cung cấp thông tin cho Báo Tài nguyên và Môi trường theo đúng quy định của pháp luật.
Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh về thực trạng hàng rào hộ lan, dải tôn lượn sóng bảo vệ hành lang đường bộ QL 1A đoạn qua huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang liên tục bị các cá nhân, doanh nghiệp tự ý phá bỏ để mở lối đi làm bãi tập kết ôtô, kinh doanh nhà xưởng và vật liệu xây dựng gây bức xúc cho người tham giao thông.
Điều đáng nói, dù các cơ quan thông tấn báo chí liên tục phản ánh cũng như liên hệ với các đơn vị có trách nhiệm nhằm sớm khắc phục tình trạng trên nhưng dường như không có kết quả.
Theo ghi nhận của PV Báo Tài nguyên và Môi trường tại thời điểm ngày 27/12, các đoạn rào hộ lan bị tháo dỡ trái phép trên Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn huyện Lạng Giang vẫn chưa được cơ quan có trách nhiệm nào khắc phục, xử lý.
Nổi bật nhất là đoạn rào sát nhà máy gạch Tân Xuyên thuộc xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang bị phá dỡ dẫn vào một khu đất rộng hàng nghìn m2 và thường xuyên có hàng chục xe trọng tải lớn tập kết.
Ngoài ra, các đoạn rào hộ lan bị tháo dỡ trái phép như Báo Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh thời gian qua vẫn chưa có cơ quan hữu trách nào quan tâm, khắc phục, dù biết rằng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao cho người và các phương tiện lưu thông qua khu vực này.
Chia sẻ với PV, một người dân tại xã Tân Dĩnh cho biết: “Tình trạng phá dải hộ lan đã xảy ra trong thời gian dài, người dân cũng rất bức nhiều lần phản ánh lên cơ quan chức năng vẫn không hiểu sao tình trạng này vẫn không chấm dứt”.“Việc phá dải hộ lan làm ảnh hưởng đến kết cấu tuyến đường, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông nhưng các đơn vị có trách nhiệm lại không sớm vào cuộc khắc phục khiến người dân nơm nớp lo sợ”, người này chia sẻ thêm.
Cơ quan quản lý thờ ơ?
Để tìm hiểu rõ thêm trách nhiệm của các đơn vị liên quan, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Nghĩa – Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang. Theo đó, ông Nghĩa cho biết việc phá dỡ hộ lan có trách nhiệm của các đơn vị BOT khi thực hiện thi công tuyến đường.
“Khi thi công tuyến đường, đơn vị BOT đã tháo dỡ các hộ lan nhưng sau khi xong thì không lắp lại. UBND huyện Lạng Giang không có thẩm xử lý nên đã làm văn bản đề nghị những vị trí trước đây đã dỡ hàng rào hộ lan thì nay lắp trả lại nguyên trạng như cũ”, ông Nghĩa nói.
Cũng liên quan đến việc này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần đề nghị đại diện huyện Lạng Giang cung cấp các hồ sơ liên quan đến những công trình không phép, sai phép dọc tuyến đường có các hộ lan bị tháo dỡ nhưng cũng chỉ nhận được cái “lắc đầu” im lặng từ phía huyện Lạng Giang.
Theo tìm hiểu, từ tháng 4/2017 cho tới nay, lãnh đạo huyện Lạng Giang đã hơn 03 lần gửi Văn bản “cầu cứu” Cục Quản lý Đường bộ I, Chi cục Quản lý Đường bộ I.5 tăng cường xử lý các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhận tự ý tháo dỡ hộ lan, tôn lượn sóng vì huyện… không đủ thẩm quyền xử lý.
Mới đây nhất, ngày 01/12, ông Nguyễn Văn Sỹ - Phó chủ tịch UBND huyện Lạng Giang tiếp tục ký Văn bản số 1506/UBND-KTHT gửi Cục Quản lý Đường bộ I và Chi cục Quản lý Đường bộ I.5 đề nghị chỉ đạo chủ đầu tư và đơn vị thi công sớm hoàn thành việc lắp đặt hệ thống rào hộ lan, tôn lượn sóng trên QL 1A đoạn qua huyện Lạng Giang để đảm bảo an toàn giao thông.Trước đó, để hiểu rõ hơn về trách nhiệm của các đơn vị liên quan, PV Báo Tài nguyên và Môi trường cũng đã trao đổi với ông Đặng Đình Quang - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ I.5 (Cục quản lý đường bộ I) đơn vị trực tiếp quản lý hành lang đường bộ QL 1A.
Theo đó, ông Quang thừa nhận tình trạng phá hộ lan, dải tôn lượn sóng đoạn qua huyện Lạng Giang là có thật và nhiều đoạn là do đơn vị BOT tháo dỡ do đang sửa đường, làm lại đường nên vẫn chưa lắp lại. Ngoài ra còn do một số cá nhân, doanh nghiệp tự ý dỡ bỏ từ những năm trước đây.
Nguyên nhân dẫn tới việc này, theo ông Quang là do các cấp chính quyền đã buông lỏng quản lý để cá nhân, doanh nghiệp tự ý dỡ bỏ nhưng lại thiếu kiên quyết khi phát hiện ra sai phạm để xử lý. “Nhiều lần chúng tôi đề nghị chính quyền huyện Lạng Giang xử lý các trường hợp vi phạm nhưng họ còn không tiếp nhận văn bản, không ký biên bản”, ông Quang nói thêm.Theo ông Quang, điển hình một số doanh nghiệp, cá nhân xây dựng vi phạm vào đất dành cho đường bộ không có giấy phép thi công và tháo dỡ hộ lan như: Công ty TNHH Thương mại và Tư vấn An Khang tại Km103+300 TT Ql1, đoạn nhà nghỉ Phúc Lâm của Công ty Đại Hồng Phúc tại xã Tân Dĩnh, Trung tâm dịch vụ ôtô & máy xây dựng tại km 108 QL1A, xã Phi Mô, hộ ông Nguyễn Văn Sự tại Km109+700 TT QL1 Lạng Giang...
Trong khi đó, trả lời PV về trách nhiệm của những đơn vị liên quan, ông Quang khẳng định trách nhiệm thuộc về UBND huyện Lạng Giang do thiếu quyết liệt với các trường hợp vi phạm, không dám xử lý vì “ngại” va chạm.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát về hộ lan bảo vệ đường bộ tại tỉnh Bắc Giang cũng như sẽ kiến nghị UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, và mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm”, ông Quang cho biết thêm.Có thể thấy, tình trạng hộ lan bị phá bỏ đã phần nào gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Không những vậy, khi phát hiện ra vi phạm các đơn vị liên quan còn dè dặt, ngại không dám xử lý kiên quyết, đùn đẩy trách nhiệm. Dư luận đang đặt ra vấn đề cho rằng có hay không các cơ quan chức năng đang thờ ơ, xem nhẹ tính mạng người tham gia giao thông khi không sớm khắc phục các tồn tại trên?
Theo Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), về phương diện pháp lý đối với tình trạng người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang tự tiện tháo dỡ hộ lan đường bộ nếu chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thì cá nhân, tổ chức tháo dỡ hộ lan là hành vi vi phạm pháp luật ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình giao thông, tiềm ẩn nguy tại nạn cao độ. Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà Nước để xảy ra tình trạng phá dải hộ lan tuyến QL 1A, Luật sư Vi Văn Diện cho rằng, do để xảy ra tình trạng hộ lan đường bị tháo dỡ phải xác định cơ quan quản lý chưa làm trong trách nhiệm của mình. Việc tháo dỡ xảy ra tồn tại trong thời gian dài không được khắc phục bởi cơ quan chức năng. Có hay không việc làm ngơ để những vi phạm tồn tại là câu hỏi người dân đặt ra ở đây.
Theo Luật sư Diện, các doanh nghiệp hai bên đường quốc lộ không tuân theo quy hoạch tự ý tháo dỡ hộ lan cần phải xử lý triệt để, đóng lại để đảm bảo an toàn giao thông. Những doanh nghiệp có vị trí phù hợp quy hoạch thì cơ quan có thẩm quyền quản lý hộ lan cần có giải pháp bố trí hộ lan hợp lý để hài hòa mục đích đảm bảo an toàn giao thông với nhu cầu đi lại, vận chuyển của doanh nghiệp.
Với người dân nếu việc bố trí hầm chui chưa phù hợp với nhu cầu dân sinh, gây trở ngại cho sinh hoạt sản xuất thì cần thiết phải xây dựng thêm hầm dân sinh ở vị trí tối ưu hơn cho nhu cầu đi lại của nhân dân.
Căn cứ quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy định
Điều 40. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Tổ chức, chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phạm vi địa phương.
2. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phạm vi địa phương.
3. Chỉ đạo và kiểm tra đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Giao thông vận tải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm, giải tỏa vi phạm hành lang an toàn đường bộ trong phạm vi địa phương.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ được giao trên địa bàn huyện quản lý.
2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhân dân các quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Ngoài quy định tại Nghị định này, nếu trường hợp để xẩy ra tai nạn, gây những hậu quả đáng tiếc xẩy ra thì còn phải xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương do buông lỏng quản lý, giám sát về hành vi của người có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước đã không thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý tài sản thuộc trách nhiệm của mình theo quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 2015 Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp như sau:
"1. Người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá 2.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Người phạm tội còn có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.