Vụ “Nông trường cà phê tự lập làng” ở Đắk Lắk: Đã thu hồi diện tích nông trường tự san ủi, phân lô

13/01/2015 00:00

(TN&MT) - Tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Quyết định thu hồi toàn bộ diện tích để giao cho địa phương quản lý.

   
(TN&MT) - Liên quan đến việc Nông trường cà phê Dliê Ya (Chi nhánh của Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Sim, tỉnh Đắk Lắk) tự ý sản ủi, phân lô và cấp cho công nhân, nông trường viên để thành lập 4 khu dân cư ở xã Dliê Ya (huyện Krông Năng), tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Quyết định thu hồi toàn bộ diện tích để giao cho địa phương quản lý.
   
Người dân làm nhà ở cố định từ nhiều năm nay trên phần đất được Nông trường cà phê Dliê Ya san ủi, phân lô
   
  Như báo TN&MT online đã phản ánh trong bài viết “Nông trường cà phê tự lập làng” ngày 7/1/2014, năm 1997, Nông trường cà phê Dliê Ya được UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho 865ha đất ở xã Dliê Ya (huyện Krông Năng) để sản xuất kinh doanh. Đến năm 2008, UBND tỉnh đã thu hồi 248,64ha giao cho địa phương nên nông trường chỉ còn quản lý 619,27ha. Theo phản ánh của người dân, từ năm 1999, Nông trường cà phê Dliê Ya đã “tự ý” san ủi, phân lô, cấp đất ở cho những hộ là công nhân, người nhận khoán cà phê của nông trường. Đến hết năm 2013, nông trường cho biết đã tiến hành san ủi được 315 lô, trong đó có 229 lô đã làm nhà ở ổn định và 86 lô trống. Tuy nhiên, kết quả rà soát của UBND huyện Krông Năng cho thấy nông trường đã san ủi được 395 thửa trên diện tích đất 124.898m2 (trong đó 229 thửa đã làm nhà ở, hình thành 4 khu dân cư tập trung).
   
  Sau khi tiếp nhận thông tin, vào tháng 1/2014, UBND tỉnh Đắk Lắk đã thành lập đoàn liên ngành do Sở TN&MT chủ trì tiến hành kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng đất của nông trường. Đoàn liên ngành đã xác định nông trường chưa rà soát, báo cáo phần diện tích đất đã cho các hộ công nhân, người nhận khoán cà phê mượn lên các cấp có thẩm quyền; “tự ý” cấp đất cho người dân trong tổng diện tích đã được UBND tỉnh Đắk Lắk cho thuê.
   
  Trong tháng 3 và tháng 11/2014, Sở TN&MT đã có 2 công văn gửi lên UBND tỉnh để báo cáo kết quả kiểm tra và đề nghị thu hồi 109.257m2 đất mà nông trường đã san ủi, cấp đất cho công nhân và nông trường viên. Đến ngày ngày 12/12/2014, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định thu hồi diện tích đất này để giao cho UBND huyện Krông Năng quản lý.
   
Một phiếu thu tiền “lệ phí thổ cư” của Nông trường cà phê Dliê Ya
    
   
  Theo ông Dương Thể (Phó phòng Quản lý đất đai, Sở TN&MT Đắk Lắk), Nông trường cà phê Dliê Ya phải chịu trách nhiệm chính vì đã không tiến hành rà soát, xây dựng phương án cho mượn đất chậm trễ báo cáo sự việc lên các cấp có thẩm quyền. Chính quyền địa phương, cụ thể là UBND xã Dliê Ya, và UBND huyện Krông Năng cũng có trách nhiệm trong việc quản lý đất đai, con người trên địa bàn. Thậm chí, các khu dân cư mà nông trường đã “tự ý” lập còn được UBND huyện Krông Năng quy hoạch vào vị trí xây dựng nông thôn từ tháng 9/2013, tức là trước thời điểm UBND tỉnh Đắk Lắk có quyết định thu hồi giao cho địa phương quản lý hơn 1 năm.
   
  Về phương án sử dụng, ông Thể cho hay: “Ở cả 4 khu dân cư tập trung của nông trường, rất nhiều hộ đã xây dựng nhà ở kiên cố. Sau khi được UBND tỉnh giao đất, UBND huyện Krông Năng sẽ tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có thu phí) tại các lô đất đã xây dựng nhà ở và xin ý kiến của UBND tỉnh để bán đấu giá các lô đất trống theo quy định hiện hành”. Khi PV trao đổi việc nhiều người dân phản ánh nông trường đã thu tiền đất của họ, ông Thể cho rằng: “Sau khi tiếp nhận đất, UBND huyện Krông Năng sẽ xử lý vấn đề này. Trường hợp nông trường cấp đất có thu tiền, tức là vi phạm tài chính, phải hoàn trả lại số tiền đã thu cho người dân hoặc nộp ngân sách để khấu trừ tiền vào sử dụng đất khi huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu mức độ sai phạm lớn, có tính chất nghiêm trọng, các cá nhân, đơn vị liên quan thậm chí có thể sẽ bị khởi tố vì hành vi cấp đất sai quy định, vượt quá thẩm quyền cho phép”.
   
Bài & ảnh: Lê Phước
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ “Nông trường cà phê tự lập làng” ở Đắk Lắk: Đã thu hồi diện tích nông trường tự san ủi, phân lô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO