Theo Báo cáo của Sở NN-PTNT Bình Định ngày 6/8/2018 về vụ khai thác gỗ trái phép tại huyện Vĩnh Thạnh: ngày 22-23/7/2018 Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, UBND xã Vĩnh Sơn kiểm tra rừng tại khoảnh 4, tiểu khu 142 và khoảnh 8, tiểu khu 145 xã Vĩnh Sơn phát hiện 15 cây gỗ Giổi, nhóm III bị cưa hạ trái phép, dấu vết còn mới. Tại hiện trường có một lóng gỗ tròn và tấm gỗ xẻ. Mở rộng kiểm tra hiện trường, Tổ công tác phát hiện thêm 8 cây gỗ Giổi bị cưa hạ trái phép, dấu vết đã cũ, gỗ đã bị cưa xẻ và vận chuyển ra khỏi hiện trường. Dọc theo đường mòn kéo gỗ về phía Đông khoảng 2km phát hiện một lán trại không có người ở, bên trong lán trại có 4 cái võng, quần áo một số đồ dùng khác, 01 quyển vở học sinh, 01 sổ hộ khẩu (đối tượng ở Quảng Bình), 01 chiếc điện thoại, cạnh lán trái có một số tấm gỗ xẻ.
Ngày 25/7, Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh mời Công an huyện, Viện Kiểm sát nhân dân huyện khám nghiệm hiện trường vụ vi phạm, đồng thời đề nghị Trung tâm Quy hoạch Nông nghiệp Nông thôn Bình Định giám định thiệt hại về rừng đối với vụ vi phạm khai thác gỗ trái phép để làm căn cứ xử lý.
Kết quả giám định: Tổng số cây bị chặt hạ 23 cây với khối lượng gỗ là 106,91m3, chủng loại Giổi nhóm III. Chủ quản lý: Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh. Trong đó 8 cây gỗ có dấu vết khai thác cũ, có khối lượng 47,72m3 gỗ tròn, gồm 16,18m3 gỗ tròn nguyên khối và 31,55m3 gỗ đã cưa xẻ. 15 cây gỗ có dấu hiệu mới khai thác, khối lượng 59,19m3 gỗ tròn gồm 23,33m3 gỗ tròn nguyên khối và 35,86m3 gỗ đã cưa xẻ.
Ngày 30/7, UBND tỉnh Bình Định có văn bản số 4527 chỉ đạo xử lý vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tại tiểu khu 142 và 145 xã Vĩnh Sơn, giao Công an tỉnh phối hợp với Sở NN-PTNT điều tra xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. Ngày 31/7, Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh ra Quyết định số 01/QĐ-HKL khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng” xảy ra tại tiểu khu 142 và tiểu khu 145 xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh. Ngày 03/8, Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Vĩnh Thạnh để tiếp tục điểu tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đại tá Nguyễn An Ninh - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định nhận định vụ án: Đây không phải do người dân địa phương khai thác rừng mang về nhà sử dụng mà là vụ khai thác rừng có tổ chức với mục đích kinh doanh chở gỗ ra ngoài tiêu thụ. Với hiện trường vụ việc thì đủ yếu tố khởi tố vụ án. Trước mắt đề nghị Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện thu gom, đánh số gỗ và bảo vệ gốc cây gỗ bị chặt hạ trái phép để bảo vệ tang vật, hiện trường vụ án.
Kết luận cuộc họp, ông Trần Châu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, việc để đối tượng phá rừng chạy thoát không bắt được tại hiện trường là lỗi của cán bộ kiểm lâm, công an huyện, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh trong quá trình tác nghiệp. Phải truy bắt cho được đối tượng phá rừng trong thời gian qua.
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cũng đề nghị Sở NN-PTNT phối hợp với UBND huyện Vĩnh Thạnh có các giải pháp tuần tra, kiểm soát, bảo vệ khu vực rừng tốt hơn nữa. UBND huyện Vĩnh Thạnh làm việc với cộng đồng dân cư ở khu vực giáp ranh rừng và thành lập tổ công tác, tuần tra rừng thường xuyên. Công an tỉnh chỉ đạo công an huyện Vĩnh Thạnh điều tra làm rõ truy tố trước pháp luật đối tượng phá rừng. Về xử lý trách nhiệm, giao UBND huyện Vĩnh Thạnh kiểm điểm làm rõ trách nhiệm chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ để xảy ra tình trạng phá rừng trong thời gian tương đối lâu, kiểm điểm lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Thạnh - người phụ trách lĩnh vực công tác bảo vệ rừng, giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh kiểm điểm vai trò trách nhiệm của mình trong việc quản lý, bảo vệ rửng. Đây là bài học sâu sắc mà Sở NN-PTNT cần rút kinh nghiệm để phối hợp chính quyền địa phương, các ban, ngành tổ chức hoạt động cộng đồng dân cư trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.