Thực ra, đây không phải là vấn đề mới. Điều này vốn dĩ đã được cảnh báo từ rất lâu. Đặc biệt, với các dự án xâm phạm hành lang bảo vệ bờ biển, vùng ven di sản, cải tạo làm thay đổi địa mạo, địa tầng vùng cần bảo vệ.
Hậu quả của những tác động thái quá đến các khu vực thiên nhiên cần phải bảo vệ đã hiển hiện. Người dân các đô thị ở Quảng Ninh hẳn chưa quên câu trả lời của thiên nhiên mùa hè năm 2015 với những gì mà con người đã tác động lên.
Thực tế cho thấy, một thời gian dài, Quảng Ninh giàu lên nhờ nguồn thu từ khai thác khoáng sản, cảnh quan. Đồi núi bị đào bới, rừng dần cạn kiệt. Các vành đai bảo vệ đô thị của Quảng Ninh bị phá vỡ. Và rồi, những đợt mưa liên tiếp như những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 2015 đã khiến các đô thị của Quảng Ninh chìm trong lũ.
Không chỉ có Quảng Ninh, dường như, trên cả nước, nơi nào có các cảnh quan thiên nhiên đem lại tiềm năng du lịch, nơi đó đều bị khai thác đến cùng kiệt.
Lần ngược lại những gì đang diễn ra, không khó nhận ra rằng, nhiều di sản thiên nhiên, kiến trúc, đô thị có lịch sử hàng triệu, hàng trăm năm bị hủy hoại bởi sự nôn nóng phát triển bằng mọi giá của các cấp chính quyền. Lấy ngay như Đà Lạt, một thành phố “Tiểu Paris” của Đông Dương, được định dạng là "thành phố trong cây cỏ và cỏ cây trong thành phố" mê hoặc lòng người, cũng đang đứng trước nguy cơ dần tan rã, trở thành ký ức, một thành phố phi danh tính – không thể nhận dạng.
Thành phố du lịch biển Đà Nẵng cũng đang đối mặt với khá nhiều thách thức khi mà bờ biển được mệnh danh là một trong những nơi đẹp nhất hành tinh đã bị “cướp mất” bởi vô số khu nghỉ dưỡng, resof;
Trước sức ép phát triển, Sa Pa (Lào Cai) cũng đang phải đáp ứng bằng cách không ngừng mở rộng và tăng mật độ đô thị. Chính điều này đã khiến Sa pa trở nên lộn xộn. Việc phá bỏ những vườn cây tư nhân làm mất đi vẻ đẹp vốn có của các khu vườn trong các khu phố biệt thự. Việc tiến hành san gạt các đổi cây, làm sân golf, xây dựng các ngôi nhà ống dẫn đến phá hỏng cảnh đẹp toàn thị trấn. Nếu xu thế xây dựng hiện tại tiếp tục thì sự quyến rũ của thị trấn (sắp lên thành thị xã) nghỉ mát này sẽ bị giảm đi và không đáp ứng được mong đợi của du khách nội địa cũng như quốc tế.
Phải trải qua cả triệu năm, Quảng Ninh mới có được một di sản thiên nhiên bậc nhất thế giới. Phải mất cả trăm năm mới có một Đà Lạt mộng mơ, quyến rũ; có các di sản văn hóa vô giá mà các tộc người thiểu số đã tạo dựng ở Sa Pa. Trong khi đó, mỗi năm, điểm lại thời gian đã qua, chúng ta lại giật mình bởi sự xuống cấp hoặc biến mất của không ít di sản. Đó chính là cốt lõi của vấn đề. Bởi lẽ, cho đến hôm nay, nhận thức về di sản và bảo tồn di sản của nhà quản lý, nhà chuyên môn, cộng đồng dân cư... còn rất vênh nhau, chưa có tiếng nói chung - tiếng nói về di sản, tiếng nói truyền lại cho các thế hệ mai sau một cách chân thực và sống động nhất.
Trước mỗi di sản cha ông để lại, xin hãy tĩnh tâm tiếp nhận cho chặng đường tiếp sau được bình an. Đã có quá nhiều bài học mà sự nuối tiếc chẳng thể cứu vãn. Đừng tiến về phía trước trong niềm hưng phấn quá lớn lao, trong men say hào nhoáng với những tòa ngang, dãy dọc, những sân golf gọt băng núi đồi, những đô thị mới, những khu nghỉ dưỡng năm sao, chẳng ký ức, gốc gác ước vọng gì!!!