Chọn xã làm điểm để tổng kết
Thực hiện Thông báo số 1661/TB-TU, ngày 22/3/2019 của Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về chủ trương thí điểm huy động nhân dân tham gia xây dựng, cải tạo hệ thống cống, rãnh thoát nước khắc phục ô nhiễm môi trường tại một số xã trên địa bàn tỉnh, xã Nghĩa Hưng và xã Tam Phúc thuộc huyện Vĩnh Tường được tỉnh chọn làm điểm để tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng.
Báo cáo kết quả thí điểm, làm mẫu xây dựng, cải tạo hệ thống thu gom nước thải khu dân cư khắc phục ô nhiễm môi trường tại xã Nghĩa Hưng và Tam Phúc của huyện Vĩnh Tường nêu rõ, trên địa bàn xã Tam Phúc có tổng số 11,30km rãnh, trong đó, rãnh đã cứng hóa có nắp đạy 4,31km, rãnh chưa được cứng hóa 6,99km và xã Nghĩa Hưng tổng số có 23,9km rãnh, trong đó, rãnh đã cứng hóa có nắp đậy 5,2km, rãnh đã cứng hóa nhưng chưa có nắp đậy 13,3km, rãnh chưa được cứng hóa 5,4km. Thời gian trước đây, nhiều cống rãnh đã bị tắc nghẽn, không đảm bảo thoát nước khi có mưa và tồn đọng nước thải gây ô nhiễm môi trường.
Để làm tốt công tác thí điểm, huyện đã huy động người dân góp tiền, ngày công để làm thêm nhiều hạng mục khác như chi phí thuê nhân công kỹ thuật, máy móc, đổ bê tông mặt đường, hiến đất... Cả hệ thống chính trị và nhân dân của xã Tam Phúc, xã Nghĩa Hưng đều đồng thuận và quyết tâm cao trong quá trình thực hiện. Công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú... để nhân dân nắm rõ chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó, vận động gia đình, người thân tích cực hưởng ứng tham gia.
Nhờ đó, chỉ sau một thời gian ngắn (từ 1/4 - 30/4/2019), hệ thống cống, rãnh thu gom nước thải khu dân cư tại các tuyến đăng ký làm điểm tại 2 xã đảm bảo khả năng tiêu thoát nước thải, nước mặt, cảnh quan môi trường và mặt đường được mở rộng do nắp rãnh bê tông có kết cấu đảm bảo độ dày vững chắc để xe cộ lưu thông. Tại xã Nghĩa Hưng hoàn thành làm thí điểm 6 tuyến rãnh có tổng chiều dài 604m; còn xã Tam Phúc hoàn thành làm thí điểm 3 tuyến rãnh với tổng chiều dài xây mới 428m.
Hành động “rộng khắp”
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Phan Tuệ Minh, Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Phúc cho biết, cơ chế thực hiện theo hướng “nhân dân tự làm, tự quyết định” và được Nhà nước hỗ trợ. Với tinh thần đó, Sở TN&MT đã tham mưu cho Tỉnh ủy thực hiện theo cơ chế đặc thù trong xây dựng nông thôn mới; tức là với các dự án nhỏ, công trình nhỏ; xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của khu dân cư, nhân dân đề nghị và Nhà nước hỗ trợ quyết toán cho các nội dung đó. Đồng thời, Nhà nước cũng ban hành thiết kế mẫu cho việc xây dựng cống rãnh để nhân dân lựa chọn, bàn bạc và thực hiện với từng địa phương.
Theo ông Phan Tuệ Minh, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 38/2019/NQ-HĐND ngày 26/7/2019 về việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, cải tạo cống, rãnh thoát nước và nạo vét các thủy vực tiếp nhận nước thải, khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư. Để triển khai Nghị quyết, hiện, Sở TN&MT đang tổng hợp số liệu từ các huyện có nhu cầu của các địa phương nhằm xây dựng kế hoạch cụ thể. Trong đó, giai đoạn 2019 - 2020 tập trung xây dựng hệ thống cống rãnh đảm bảo vấn đề thoát nước thải hợp vệ sinh môi trường ở các khu dân cư.
“Tiêu thoát nước và xử lý nước thải là vấn đề lớn, cần có liên kết theo cụm xã hoặc vùng; chúng tôi sẽ có những đề xuất cụ thể cho giai đoạn từ 2021 trở ra và những năm tiếp theo”, ông Phan Tuệ Minh cho biết.
Với sự đồng thuận, đồng lòng, nhiệt tình hưởng ứng tham gia và thống nhất cao của nhân dân, tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai đồng bộ, rộng khắp mô hình này góp phần hoàn thành xây dựng Chương trình nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, tạo lập môi trường sống xanh, sạch, đẹp.