Vĩnh Phúc: Không thu hút đầu tư các dự án có nguy cơ ô nhiễm

25/04/2019 15:29

(TN&MT) - Tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện nhất quán với chủ trương, quan điểm của Đảng, Chính phủ đối với việc thu hút đầu tư các dự án một cách chọn lọc, nhất là đối với dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao và lĩnh vực dệt nhuộm thuộc nhóm các dự án này.

Đây là ý kiến của ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc khi trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh nói chung và các khu công nghiệp nói riêng.

L Duy Th nh
Ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc
 

PV: Thưa ông, các khu công nghiệp là nơi tạo ra các chỉ tiêu tăng trưởng chủ yếu và là động lực phát triển nền kinh tế. Xin ông cho biết, công tác quản lý và chỉ đạo tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh được thực hiện ra sao?

Ông Lê Duy Thành: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục phát triển đến năm 2020 là 18 Khu công nghiệp, quy mô 5.540ha. Quan điểm của UBND trong việc quản lý và chỉ đạo tại các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là đảm bảo vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường được thể hiện trên các nội dung:

Cụ thể, phát triển các KCN phù hợp với định hướng phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh, định hướng phát triển công nghiệp của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước; đảm bảo sự phát triển bền vững về: Kinh tế, xã hội và môi trường; đảm bảo phát triển kinh tế gắn liền ổn định đời sống xã hội và dân cư, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn;

Phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo hiệu quả cao, sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất đai, nhất là đảm bảo sử dụng có hiệu quả đất công nghiệp trong KCN theo hướng thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch, cơ khí chế tạo, điện tử, tin học, công nghệ xanh, sạch, thân thiện với môi trường.

Phân bố các KCN hợp lý tạo động lực thúc đẩy các tiểu vùng phát triển, tạo hạt nhân để phát triển đồng đều các tiểu vùng và các địa phương trong tỉnh; tạo điều kiện để phát triển các đô thị và dịch vụ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu dân cư; phát triển đồng bộ các đô thị và ngành dịch vụ khác gắn liền với phát triển KCN để tạo ra sự phát triển hài hòa, đồng bộ hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành và lĩnh vực.

V nh Ph c
Vĩnh Yên hướng tới đô thị xanh. Ảnh: Vĩnh Phúc

PV: Được biết, hiện nay các địa phương từ chối hoặc hạn chế tiếp cận các dự án đầu tư về lĩnh vực dệt nhuộm vì ngành nghề này đã gây nhiều hệ lụy về môi trường. Vậy, chủ trương của tỉnh Vĩnh Phúc như thế nào đối với lĩnh vực này, thưa ông?

Ông Lê Duy Thành: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc qua các thời kỳ, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI) và quan điểm chỉ đạo nhất quán của Chính phủ “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế gây ảnh hưởng người dân”, tỉnh Vĩnh phúc chủ trương phát triển kinh tế theo hướng bền vững; thu hút đầu tư phải có chọn lọc; phát triển kinh tế phải gắn với môi trường, do đó, đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực dệt (có công đoạn nhuộm) gọi tắt là dự án dệt nhuộm, tỉnh Vĩnh Phúc không khuyến khích thu hút đầu tư vào địa bàn, điều này được lý giải trên 2 góc độ chính: Một là dự án dệt nhuộm thường sử dụng hóa chất để tạo các màu cho sản phẩm; hai là các dự án này đều có nhu cầu sử dụng khối lượng nước lớn hơn so với các ngành công nghiệp khác và theo đó là mức độ xả thải cũng lớn hơn, làm ảnh hưởng đến môi trường cũng như chất lượng sống của nhân dân xung quanh.

Thực tế, vừa qua, tại một số địa phương đã xảy ra sự cố môi trường lớn, tác động trên diện rộng, kéo dài gây ra hậu quả lớn về môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và sức khỏe của người dân, gây ra nhiều bức xúc trong xã hội. Theo đó, Chính phủ nhiều lần khẳng định đã đến lúc buộc phải thay đổi tư duy phát triển, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế gây ảnh hưởng cuộc sống bình yên của người dân. Vì vậy, chủ trương của Vĩnh Phúc cũng hoàn toàn nhất quán với chủ trương, quan điểm của Đảng, chính phủ đối với việc thu hút đầu tư các dự án một cách chọn lọc, nhất là đối với dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao và lĩnh vực dệt nhuộm thuộc nhóm các dự án này.

PV: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập năm 2019 là năm tăng tốc, bứt phá trên các lĩnh vực, trong đó, trọng tâm chỉ đạo, điều hành thứ ba của Chính phủ là tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông có thể cho biết, tỉnh Vĩnh Phúc đã có những hoạt động nào để “bứt phá” vào việc tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường?

Ông Lê Duy Thành: Để tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và tạo bứt phá so với giai đoạn trước đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo quyết liệt và có những chuyển biến nhất định. Các cấp, các ngành đã tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, siết chặt quản lý các hoạt động khai thác cát, sỏi, đất đá; yêu cầu các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản thực hiện khai thác theo đúng nội dung giấy phép được cấp; cam kết với chính quyền địa phương về thời gian hoạt động trong ngày, đăng ký số lượng phương tiện hoạt động, đảm bảo an toàn trong khai thác, an toàn giao thông, giữ gìn an ninh trật tự,…

Tình trạng khai thác khoáng sản cát, sỏi và đất san lấp trái phép được giải quyết và ngăn chặn kịp thời đã giảm rõ rệt so với trước đây, góp phần đảm bảo ổn định an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Việc cấp Giấy phép hoạt động khoáng sản được quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật. Qua đó, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế chung của tỉnh, đáp ứng nguyên vật liệu phục vụ các dự án công trình trọng điểm, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng nông thôn mới, phục vụ dân sinh, góp phần tăng ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm.

Hiện nay, để đảm bảo vấn đề an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh và kiểm tra, xác minh các thông tin liên đến phản ánh của công dân, UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản trên sông Hồng và sông Lô tạm dừng khai thác cho đến khi có chỉ đạo tiếp theo.

Về công tác bảo vệ môi trường, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường đến toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh, qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vị có liên quan và người dân về bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững; đẩy mạnh các phong trào bảo vệ môi trường, vận động, huy động cộng đồng người dân cùng tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường,...

Bên cạnh đó, tỉnh đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh xử lý chất thải phát sinh không đảm bảo quy định; đồng thời, kiên quyết xử lý người đứng đầu chính quyền cấp xã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để xảy ra ô nhiễm môi trường.

Để nâng cao hiệu quả quản lý môi trường ở khu vực nông thôn, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT xây dựng Đề án Bảo vệ môi trường tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 để từng bước giải quyết các vấn đề về môi trường của tỉnh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh Phúc: Không thu hút đầu tư các dự án có nguy cơ ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO