Chia sẻ kinh nghiệm về phòng chống thiên tai
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, thời gian qua, Bộ TN&MT Việt Nam đã phối hợp thành công với các đối tác Nhật Bản để trao đổi về những vấn đề mà 2 bên quan tâm, trong đó có lĩnh vực địa chất và khoáng sản, có được thành công đó là nhờ sự hợp tác hết sức hiệu quả từ phía đại diện JICA tại Việt Nam.
Thứ trưởng đánh giá, JICA và Nhật Bản có kinh nghiệm tốt trong chủ động ứng phó với hiện tượng thiên tai bất thường như động đất, sóng thần, lũ lụt. Chính phủ Việt Nam đang rất quan tâm và trong suốt thời gian qua đã có nhiều chương trình dự án lớn tập trung chủ động ứng phó với các hiện tượng thời tiết trên, trong đó Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và các đơn vị chủ công của Bộ TN&MT như: Vụ Khoa học và Công nghệ và Vụ Hợp tác quốc tế được giao chủ động đề xuất xây dựng các dự án tầm cỡ.
“Liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, cách đây 10 năm Việt Nam có khẩu hiệu “Thích ứng với biến đổi khí hậu”, nhưng từ 3 năm nay, khẩu hiệu đã cụ thể hơn, xác thực hơn, đó là “Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu”, Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên làm việc với ông Murooka Maomichi - Phó trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam |
Ông Murooka Maomichi - Phó trưởng đại diện JICA tại Việt Nam chia sẻ, Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng, trong đó, có đặc điểm là cả 2 nước đều xảy ra nhiều thiên tai. Do vậy, Nhật Bản mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm về khôi phục sau thiên tai để có thể hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam trong phòng chống thiên tai.
Về những dự án phòng chống thiên tai, theo ông Murooka Maomichi, gần đây JICA đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Việt Nam triển khai 1 số dự án. Tuy nhiên, vấn đề phòng chống và ứng phó với thiên tai có nhiều công việc, trong đó có dự báo, cảnh báo và nội dung này không chỉ là nhiệm vụ của Bộ NN&PTNT mà có cả những Bộ khác liên quan, trong đó, có Bộ TN&MT. Vì thế, tại các cuộc làm việc với Tổng cục Phòng chống thiên tai của Bộ NN&PTNT, JICA luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và đơn vị liên quan trong công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam.
Về nội dung này, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết: Tổng cục Khí tượng thủy văn là đơn vị thuộc Bộ TN&MT thực hiện việc quan trắc và đưa ra dự báo thời tiết, đặc biệt, cảnh báo về hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan như hạn hán, lũ lụt, mưa, bão... Bên cạnh đó, Bộ TN&MT đã đầu tư, nghiên cứu để có thể quan trắc, điều tra, nghiên cứu, khoanh định những khu vực có nguy cơ cao xảy ra trượt lở, lũ ống, lũ quét. Bộ đã giao nhiệm vụ này cho Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản triển khai trong thời gian qua trên diện tích khá lớn. Từ kết quả bước đầu của đề án đó, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho triển khai giai đoạn 2 trên quy mô rộng hơn, mục tiêu đa dạng hơn và có sự tham gia của các bộ, ban, ngành liên quan.
Phối hợp chặt chẽ trong các dự án về địa chất và khoáng sản
Tại buổi làm việc, đại diện 2 bên đã trao đổi về hợp tác giữa JICA và Tổng cục Địa chất về khoáng sản Việt Nam. Ông Lê Quốc Hùng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã trao đổi về các nội dung liên quan đến Dự án Phát triển mạng lưới cảnh báo khu vực tai biến địa chất bằng công nghệ vệ tinh và xe chuyên dụng được trang bị các thiết bị tiên tiến để phòng chống thiên tai tại khu vực miền núi phía bắc Việt Nam (dự án SATREPS).
Dự án này đã được Bộ TN&MT phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công hàm gửi Đại sứ quán Nhật Bản và JICA. Bộ TN&MT mong muốn JICA ủng hộ để dự án có thể được triển khai thực hiện vào cuối năm 2021.
Ông Lê Quốc Hùng cũng đề cập đến Dự án “đánh giá rủi ro thiên tai, sạt và trượt lở đất đã và lũ lụt tại các tỉnh miền Trung Việt Nam”. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã có một số cuộc họp với Đại sứ quán Nhật Bản và JICA để trao đổi khả năng hợp tác. Phía Đại sứ quán đã làm việc với Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Du lịch - MLIT, đã được MLIT đồng ý hợp tác với Tổng cục và yêu cầu Tổng cục gửi đề cương chi tiết dự án để cùng trao đổi với JICA và tham tán Toryama để triển khai thực hiện.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm |
Dự án “nghiên cứu và phát triển hệ thống thu hồi và lưu trữ cacbon dioxide” (CCS) cũng là nội dung trao đổi tại buổi làm việc. Về dự án này, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã có cuộc họp với Đại sứ quán Nhật Bản và JICA để trao đổi khả năng hợp tác. Phía Đại sứ quán đã làm việc với Bộ Môi trường Nhật Bản – MOEJ, đã được MOEJ đồng ý hợp tác với Tổng cục và yêu cầu Tổng cục gửi đề cương chi tiết dự án để cùng trao đổi với JICA và tham tán Haga để triển khai thực hiện.
Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Quý Kiên và ông Murooka Maomichi đã trao đổi về Chương trình phi dự án về chuyên gia địa chất và khoáng sản. Theo đó, Tổng cục đã trình công văn và bản đề cương chi tiết về chuyên gia cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ đã gửi công văn sang JICA để xem xét.
Các nội dung hợp tác về biển cũng được 2 bên quan tâm. Theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên, địa chất và khoáng sản biển là lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và hiện nay, đang tiến hành từng bước để điều tra, đánh giá.