Mới chỉ có 7 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong hoạt động KTTV
Theo báo cáo của Tổng cục KTTV, từ trước đến nay, hệ thống văn bản pháp quy kỹ thuật về KTTV chủ yếu được xây dựng dưới hình thức các quy phạm. Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được Quốc hội thông qua ngày 29/12/2006 và Nghị định 127/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã quy định đối với Tiêu chuẩn ngành phải từng bước được chuyển đổi thành Tiêu chuẩn quốc gia và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Bão, áp thấp nhiệt đới thường xuyên xảy ra ở nước ta. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, đối với hoạt động KTTV cho đến nay mới xây dựng được 7 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ban hành đã góp phần hoàn chỉnh thêm một bước hệ thống pháp luật, không chỉ tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy sự phát triển toàn diện ngành KTTV Việt Nam mà còn tạo điều kiện cho sự tham gia của tổ chức, cá nhân vào hoạt động KTTV, đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với BĐKH, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.
Hiện nay, Luật KTTV đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 đã quy định các hoạt động KTTV phải tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật. Do đó, toàn bộ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã ban hành cần xem xét, đề xuất chuyển đổi thành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tuân thủ theo đúng Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Đảm bảo công tác quản lý nhà nước và KTTV và tạo điều kiện cho hoạt động KTT phát triển, cung cấp và sử dụng thông tin KTTV trong các linh vực kinh tế xã hội có hiệu quả.
Mặt khác, ngành KTTV đang được đầu tư mạnh mẽ về công nghệ quan trắc, truyền tin, xử lý và tính toán phục vụ công tác dự báo, cảnh báo. Các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn ngành đã bộc lộ nhiều bất cập, không đáp ứng được thực tế công tác KTTV.
Bởi vậy, trong giai đoạn tới cần tiếp tục chuyển đổi các văn bản trước đây theo Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với sự thay đổi về công nghệ, tiếp cận trình độ quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Đối với lĩnh vực dự báo, cảnh báo KTTV hiện đang áp dụng Thông tư số 4/2016/TT-BTNMT ngày 21/12/2016 của Bộ TN&MT quy định về Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo hiện tượng KTTV nguy hiểm; trong đó có bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Như vậy, chưa có một Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự báo, cảnh báo bão, ATNĐ. Việc xây dựng mới Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự báo, cảnh báo bão, ATNĐ càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Quy chuẩn tùy thuộc điều kiện phát triển KHCN từng quốc gia
Về tình hình đối tượng quy chuẩn kỹ thuật ngoài nước, Tổng cục KTTV cho biết, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về chương trình xoáy thuận nhiệt đới năm 2008; trong đó có báo cáo số No.TCP-23 là Tiêu chuẩn kỹ thuật các hoạt động liên quan đến bão và ATNĐ.
Tiêu chuẩn kỹ thuật do WMO ban hành nhằm đảm bảo tính đồng nhất và tiêu chuẩn hóa các quy trình kỹ thuật trong các hoạt động liên quan đến bão và áp thấp nhiệt đới, đáp ứng hiệu quả các yêu cầu cụ thể ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau.
Bên cạnh đó, tại một số quốc gia có nền khoa học và công nghệ phát triển, các quy chuẩn kỹ thuật về lĩnh vực khí tượng, đặc biệt là bão và ATNĐ cũng được ban hành và sử dụng. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn về dự báo, cảnh báo bão và ATNĐ tại các quốc gia thường khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện phát triển khoa học công nghệ của quốc gia đó.
Chẳng hạn như, ở Mỹ, năm 2019 đã ban hành Quy định nghiệp vụ về bão quốc gia số FCM-P12-2019; trong đó quy định rất chi tiết các hoạt động liên quan đến dự báo, cảnh báo bão, trách nhiệm, quy định, phương pháp và tất cả hoạt động liên quan đến hỗ trợ dự báo, cảnh báo bão. Hay tại một số quốc gia ở Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều có các quy định, quy trình kỹ thuật cụ thể hướng dẫn dự báo, cảnh báo bão và ATNĐ.
Với sự cần thiết phải xây dựng dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự báo, cảnh báo bão, ATNĐ, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái đề nghị trong thời gian tới, Trung tâm dự báo KTTV quốc gia phối hợp với các đơn vị tập trung hoàn thiện đề xuất thành lập Ban chỉ đạo nhiệm vụ; Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, nêu rõ nhiệm vụ của từng thành viên, phát huy tối đa sức mạnh của Ban chỉ đạo; đồng thời, tổ thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể, huy động các chuyên gia để định hướng, xây dựng nhiệm vụ sớm; cân nhắc các đối tượng áp dụng thực hiện theo Quy chuẩn...