Ứng phó với biến đổi khí hậu: Hà Nội dần chủ động hơn

20/08/2018 16:43

Trong khuôn khổ Dự án “Cam kết thành phố tham vọng”, Sở TN&MT Hà Nội vừa phối hợp với Hội đồng quốc tế về các sáng kiến môi trường địa phương (ICLEI) tổ chức hội thảo "Huy động các bên liên quan tham gia hành động về khí hậu tại địa phương". Đây là một trong những hoạt động nhằm tăng cường giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu khí nhà kính (KNK) của Hà Nội.

Báo động về lượng khí nhà kính

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định: TP Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện kiểm kê KNK, tập trung vào 2 lĩnh vực: Chất thải và năng lượng. Đối với chất thải, ước tính đến năm 2020 phát thải trung bình của Thủ đô là 4,053 triệu tấn CO2. Trong đó, phát thải KNK từ các bãi chôn lấp khoảng 2,35 triệu tấn CO2 tương đương (chiếm 57,97% tổng phát thải KNK trên địa bàn TP) là hạng mục phát thải KNK nhiều nhất. Đối với lĩnh vực năng lượng, ông Lê Tuấn Định dự báo, đến năm 2020, phát thải KNK trên toàn TP tăng lên đến 18,2 triệu tấn CO2 tương đương và đến năm 2030 con số này tăng lên đến 42,7 triệu tấn (tức tăng lên hơn 3 lần so với mức phát thải năm 2015).

“Quá trình đô thị hóa và mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội đã trở thành một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới và đang phải hứng chịu những tác động tiêu cực do biến đối khí hậu gây ra. Việc quy hoạch, phát triển TP còn chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép các giải pháp giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu và hạn chế trong hiểu biết của cộng đồng dân cư về biến đổi khí hậu đang là những thách thức không nhỏ đối với TP Hà Nội. Bên cạnh đó, mức độ tổn thương do biến đổi khí hậu tại các quận nội thành của Hà Nội ở mức độ cao nhất. Trong đó, gần 4.000ha diện tích nội thành có nguy cơ tổn thương cao và 648 ha có nguy cơ tổn thương rất cao” - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội nhận định.

ứng phó bđkh
10 vị trí lắp đặt trạm quan trắc tại Hà Nội.

Theo ông Lê Tuấn Định, trước năm 1970 tần suất mưa, lụt lớn tại TP Hà Nội xảy ra từ 15 – 25 năm/lần. Trong vòng 60 năm qua, các đợt lũ lụt xảy ra trở nên thường xuyên hơn với tần suất 5 - 7 năm/lần. Cùng với đó, dân số của Hà Nội cũng tăng cao (hiện TP có khoảng trên 7,7 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm trên 40%). Không những thế, với 17 khu công nghiệp, trên 1.300 làng nghề, 5,3 triệu xe gắn máy và 560.000 ôtô, TP mỗi ngày tiêu thụ ước tính 38 triệu kWh điện và hàng triệu lít xăng dầu… đây chính là nguồn phát thải KNK gây biến đổi khí hậu.

Cụ thể hóa những giải pháp ứng phó

Thời gian qua, TP Hà Nội đã nỗ lực thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đối khí hậu. Ngoài việc hoàn thiện các chính sách thông qua các văn bản pháp lý về biến đổi khí hậu, TP Hà Nội đã thực hiện cải tạo, duy trì các hồ điều hòa, lắp đặt thêm các trạm quan trắc, tiến hành nạo vét và xử lý rác thải tại những dòng sông trong nội đô.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, Hà Nội đã và đang thực hiện xây dựng thêm 25 công viên và 25 hồ; xây dựng mới các khu tái định cư cho những hộ gia đình thuộc khu vực biến đổi khí hậu và thiên tại; nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới một số công trình phòng chống thiên tai, cùng đó là những giải pháp sử dụng năng lượng hợp lý. Từ năm 2016, toàn bộ các công trình công cộng của TP đều được sử dụng đèn led, phấn đấu giảm 2/3 lượng điện tiêu thụ cho chiếu sáng công cộng. Đồng thời khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng các phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng...

Tại hội thảo, bà Jiwon Lee – Ban Thư ký Thế giới Hội đồng ICLEI cũng cho biết, Seoul là đô thị đầu tiên trên thế giới thực hiện thành công dự án của ICLEI. Trên cơ sở đó, bà đưa ra 5 nhóm giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu có thể áp dụng với Hà Nội, đó là: Năng lượng và tái sử dụng tài nguyên; Quy hoạch đô thị, giao thông, cấp thoát nước; Công tác quản lý chất lượng không khí; Sức khỏe cộng đồng, an toàn từ thảm họa khí hậu; Đô thị và nông nghiệp sinh thái.

Dự án “Cam kết thành phố tham vọng” do Hội đồng quốc tế về các sáng kiến môi trường địa phương (ICLEI) sáng lập, được tài trợ bởi Bộ Môi trường và An toàn hạt nhân Cộng hòa liên bang Đức (BMU) thông qua chương trình sáng kiến khí hậu quốc tế (IKI). Dự án tập trung vào những TP lớn của các nước trong khu vực Đông Nam Á có nguy cơ bị tổn thương cao do biến đổi khí hậu, như: Indonesia, Philippines và Việt Nam, đưa ra kế hoạch hành động theo mục tiêu cụ thể. Đồng thời tăng cường sự tham gia của các cấp chính quyền từ T.Ư đến địa phương để xây dựng chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai. Hà Nội là địa điểm đầu tiên của Việt Nam được lựa chọn để triển khai. Tháng 10/2017, TP Hà Nội chính thức tham gia vào dự án này. Trong khuôn khổ thực hiện, dự án sẽ tập trung xây dựng những cam kết giảm thiểu KNK.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó với biến đổi khí hậu: Hà Nội dần chủ động hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO