Ứng phó BĐKH: Ưu tiên kiểm soát mặn và trữ ngọt

19/07/2016 00:00

(TN&MT) - Trong 6 tháng đầu năm 2016, các hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn gây tổn thất rất lớn, khiến ngành nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng trưởng âm 2,2%. Chính vì vậy, các giải pháp kiểm soát mặn, trữ ngọt và quản lý tài nguyên nước đang được chú trọng hơn bao giờ hết.

6 tháng đầu năm 2016,  nông nghiệp ĐBSCL chịu thiệt hại nặng nề do hạn mặn
6 tháng đầu năm 2016, nông nghiệp ĐBSCL chịu thiệt hại nặng nề do hạn mặn

Thách thức từ BĐKH và khai thác nước thượng nguồn

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, mặn xâm nhập sâu vào đất liền tới gần 80km, tỷ lệ độ mặn ở nơi cao nhất lên tới 23% (không thể sản xuất nông nghiệp). 6 tháng đầu năm 2016, sản lượng lương thực cả nước giảm 1,3 triệu tấn, riêng vùng ĐBSCL giảm 1 triệu tấn. Ngành nông nghiệp cả vùng tăng trưởng âm 2,2%, thiệt hại gần 5.000 tỷ đồng, chưa kể thiệt hại gián tiếp tới công nghiệp, ngành nghề khác và sinh kế của người dân.

Về thách thức của ngành nông nghiệp trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Hiếu cho biết, bên cạnh những ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng của BĐKH, ĐBSCL còn phải đối mặt với nguy cơ nếu các đập thủy điện đầu nguồn tích nước, dòng Mê Kông sẽ không đủ lực đẩy nước mặn ra biển và xâm nhập mặn sẽ ngày càng tiến sâu. Nếu không có giải pháp ứng phó ngay từ bây giờ, trong vòng 3 năm tới, nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ kiệt quệ và đến năm 2030, có tới 45% diện tích ĐBSCL có thể nhiễm mặn.

Vấn đề này cũng được nhắc lại tại Hội thảo “Các giải pháp kiểm soát mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh vùng ĐBSCL”, trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) 2016. Theo báo cáo của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT), từ năm 2015, dòng chảy thượng nguồn sông Mê kông bị thiếu hụt ở mức thấp nhất trong vòng 90 năm qua và không còn khả năng đẩy mặn. Trong khi đó, nguồn nước ngầm tại chỗ suy giảm mạnh do khai thác quá mức, nên nguồn bổ sung này khá hạn chế.

Chú trọng đến sinh kế lâu dài cho người dân

Tại hội thảo, các giải pháp giải quyết vấn đề hạn mặn đều thống nhất quan điểm phải tạo điều kiện cho người dân phát triển sinh kế bền vững, ổn định cuộc sống trong bối cảnh các hiện tượng cực đoan sẽ xảy ra ngày càng nhiều hơn, với cường độ mạnh hơn.

Các giải pháp phi công trình sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng thí điểm áp dụng các mô hình sinh kế hiệu quả tại nhiều vùng, tùy mức độ nhiễm mặn của từng vùng sẽ có những mô hình nuôi trồng thích hợp khác nhau. Ví dụ, các vùng Đồng Tháp, An Giang kết hợp nuôi trồng 1 vụ lúa luân canh nuôi tôm càng xanh hay sản xuất 2 vụ lúa và cá tự nhiên trong mùa lũ; đối với các vùng ven biển nhiễm mặn nặng như Bến Tre, Kiên Giang thích hợp ứng dụng mô hình nuôi tôm kết hợp rừng sinh thái, mô hình lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản.

Các chuyên gia cũng đề xuất các giải pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi thích hợp ứng phó với BĐKH (tưới tiết kiệm nước, lai tạo giống lúa chịu mặn, chịu hạn, chịu ngập) và tình trạng khan hiếm nguồn nước ngọt, xâm nhập mặn gia tăng; các địa phương cần liên kết để định hướng phát triển cây con cho các tiểu vùng tùy theo lợi thế riêng. Nghiên cứu các giải pháp trữ nước ngọt trong các ô ruộng và hệ thống kênh rạch phục vụ phát triển kinh tế xã hội, cũng như xây dựng các hồ chứa nhỏ phục vụ cho dân sinh; tích cực hợp tác với các nước thượng lưu trong khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước…

Để kiểm soát mặn, trữ nước ngọt, theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam: Cần tiếp tục đầu tư, xây dựng các công trình thủy lợi, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang; kết hợp tuyến đê biển vùng ĐBSCL với đường giao thông ven biển; hạn chế lũ tràn từ biên giới vào vùng ĐBSCL bằng hướng thoát lũ ra biển Tây (vùng Tứ giác Long Xuyên), sang sông Vàm Cỏ và qua sông Tiền (vùng Đồng Tháp Mười). Nên tận dụng khả năng trữ lũ, chậm lũ bằng các hệ thống kênh trục cắt ngang vùng lũ tạo nên, nhất là cho vùng Đồng Tháp Mười trong điều kiện lũ nhỏ và trung bình.

Đối với vùng bán đảo Cà Mau, do đây là vùng khó khăn về nguồn nước, nhất là vùng ven biển và trung tâm Quản Lộ - Phụng Hiệp nên giải pháp cấp nước ngọt cơ bản cho vùng này là mở rộng, nạo vét các kênh trục nối từ sông Hậu vào sâu trong nội đồng... Ngoài ra, có thể trữ nước ngọt bằng các hồ nhân tạo ở Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên, một số khu vực rừng U Minh (Cà Mau).

Khánh Ly

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó BĐKH: Ưu tiên kiểm soát mặn và trữ ngọt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO