Theo biên bản ghi nhớ, UNDP và tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác vào các nội dung gồm: Tiếp tục hỗ trợ công tác tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương, tập trung vào mô hình nhà ở chống chịu thiên tai; xây dựng và triển khai các kế hoạch hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, bao gồm lồng ghép các thảm họa và rủi ro thiên tai vào các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; hỗ trợ các khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước và bảo tồn đa dạng sinh học thông qua việc xúc tiến các mô hình đồng quản lý đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên của cộng đồng và chính quyền địa phương.
UNDP và Thừa Thiên Huế đẩy mạnh hợp tác về thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học |
Về hoạt động đổi mới và phát triển đô thị carbon thấp thông minh sẽ tập trung vào các nội dung, gồm: Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư phổ biến Chỉ số Khí hậu Doanh nghiệp đến các doanh nghiệp tại Thừa Thiên Huế; phân tích và hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc theo đuổi mô hình doanh nghiệp xanh và đầu tư vào các sản phẩm và chuỗi giá trị xanh, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Triển khai thí điểm hệ thống chia sẻ xe đạp điện/xe đạp và pin tại Huế với khu vực tư nhân, góp phần giảm ô nhiễm và khí nhà kính. Xây dựng năng lực, đào tạo, trao đổi kiến thức và hỗ trợ phát triển hệ sinh thái sáng tạo thông qua trung tâm đổi mới sáng tạo.
Cung cấp khả năng tiếp cận thông tin thông qua ứng dụng thông minh của đô thị thông minh - Bản đồ thông tin dành cho người khuyết tật để hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận thông tin về Huế trên các ứng dụng thông minh. Hỗ trợ kinh tế vỉa hè của tỉnh Thừa Thiên Huế. Thí điểm mô hình quản lý rác thải nhựa dựa vào cộng đồng tại Phá Tam Giang - Cầu Hai; Phát triển mạng lưới kinh tế tuần hoàn tại Huế và kết nối với hệ thống kinh tế tuần hoàn toàn quốc.
Phát biểu tại lễ ký kết, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định, thời gian qua, đã có một số, chương trình, dự án của UNDP triển khai tại tỉnh Thừa Thiên Huế đem lại kết quả và góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh như dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” (Dự án GCF) và Dự án “Bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết”.
“Với quan điểm phát triển nhanh dựa vào tri thức, phát triển bền vững dựa vào văn hóa, tỉnh Thừa Thiên Huế đang đưa ra chiến lược cân bằng giữa phát triển và bảo tồn; quan điểm này cũng phù hợp với chiến lược hợp tác phát triển của Liên hợp quốc (UNDP). Vì vậy, việc UNDP tiếp tục tăng cường hợp tác với tỉnh Thừa Thiên Huế không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội của địa phương mà còn giúp tỉnh đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và những vấn đề mang tính chiến lược của Thừa Thiên Huế theo đúng tinh thần của nghị quyết 54-NQ/TW và mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc trong thời gian tới”, ông Thọ nhấn mạnh.