Theo số liệu kiểm kê đất đai, huyện Tủa Chùa có tổng diện tích đất tự nhiên là 68.414,88ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 90%; đất phi nông nghiệp chiếm 4,5%, còn lại là đất chưa sử dụng.
Cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tủa Chùa kiểm tra hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. |
Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng phòng TN&MT huyện Tủa Chùa cho biết: Thực hiện các quy định của Nhà nước về đất đai, trong những năm qua, công tác quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 – 2020 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm được triển khai tích cực và theo đúng quy định. 100% các xã đã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới; thị trấn Tủa Chùa đã được phê duyệt quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết đô thị. Quỹ đất để phát triển nông lâm nghiệp và đầu tư phát triển đô thị cũng như nâng cấp, đầu tư mới cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu; chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất cơ bản phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Diện tích đất trồng cây lương thực trên địa bàn huyện tương đối ổn định và đang được đầu tư thâm canh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đất cây công nghiệp đang có hướng mở rộng, hình thành các vùng tập trung là nguồn nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp chế biến nông sản như phát triển cây chè tập trung ở 4 xã Sính Phình, Sín Chải, Tả Phìn và Tả Sìn Thàng.
Quỹ đất dành cho chỉnh trang và xây dựng mới các khu dân cư cả đô thị và nông thôn vẫn tiếp tục mở rộng. Việc bố trí đất ở trong các khu dân cư, trung tâm xã được gắn liền đồng bộ với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, nước, các công trình dịch vụ... đã làm cho diện mạo các khu dân cư ngày càng khang trang hiện đại hơn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân. Đất dành cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá, thể dục - thể thao và các công trình phúc lợi khác cũng được đầu tư mở rộng đáng kể góp phần từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng khám chữa bệnh và đời sống vật chất tinh thần của nhân dân.
Tuy nhiên, với địa hình phức tạp, chia cắt mạnh, gồm nhiều núi cao, vực sâu đất đai dễ bị bào mòn mạnh... đã ảnh hưởng không nhỏ đến tổ chức sản xuất, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc trong huyện, gây nhiều khó khăn trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và sản xuất nông - lâm nghiệp. Cùng với đó, tình trạng vi phạm về đất đai, tranh chấp đất đai vẫn còn diễn ra với quy mô nhỏ lẻ, chưa hình thành điểm nóng về vi phạm.
Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dược huyện Tủa Chùa đẩy mạnh. |
Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết: Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý đất đai, UBND huyện xác định cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên về đất đai đối với người dân. Trong đó, tập trung vào công tác thu hồi đất, giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Từ đó, nâng cao ý thức tự giác của người dân để không vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai gắn với bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, hoàn thiện điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn đến năm 2020, quy hoạch nông thôn mới. Công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm sau khi được phê duyệt theo đúng quy định đến các tổ chức, cá nhân; mở rộng công khai, dân chủ trong quá trình quản lý đất đai, tạo điều kiện để cộng đồng và người dân được tham gia giám sát quá trình quản lý sử dụng đất. Hàng năm, tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, tạo sự đồng bộ, thống nhất, hoàn chỉnh trong thực hiện quy hoạch. Kiên quyết không phê duyệt bố trí các dự án không đúng với quy hoạch, làm phá vỡ quy hoạch, thực hiện dự án không gắn với bảo vệ môi trường.
Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách về bồi thường giải phóng mặt bằng, bảo đảm hài hoà các lợi ích giữa Nhà nước và người có đất phải thu hồi. Giải quyết dứt điểm những vướng mắc, khó khăn về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho người sử dụng đất. Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng bộ dữ liệu hồ sơ địa chính. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai. Xử lý dứt điểm những vi phạm trong quản lý đất đai trước đây, ngăn chặn tiến tới chấm dứt tình trạng vi phạm mới xảy ra gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Hàng năm bố trí đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; giáo dục đạo đức, lối sống, phong cách làm việc; xây dựng quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ địa chính xã trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai đáp ứng quy định.