Tài nguyên nước

Tủa Chùa (Điện Biên) đang thiếu nước nghiêm trọng

Trần Hương 05/03/2024 - 11:44

(TN&MT) - Người dân trên địa bàn toàn huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt kể từ sau Tết Nguyên đán.

Đặc biệt, thời điểm này, đồng bào dành nước cho việc sản xuất vụ lúa chiêm khiến cho việc khan hiếm nước sinh hoạt càng trở nên nghiêm trọng.

Trung tâm huyện Tủa Chùa cách TP. Điện Biên Phủ 126km. Toàn huyện có tổng số 12 xã, thị trấn, thời điểm này, tất cả người dân trong vùng vô cùng vất vả vì thiếu nước sinh hoạt, nhất là khu thị trấn, trung tâm huyện. Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Tủa Chùa, hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng trên 4 vạn dân đang gặp khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt, phân bổ ở tất cả các xã, bản, thị trấn của toàn huyện.

11c.jpg
Hồ nước Tủa Chùa hiện đang rất cạn, dưới mực nước chết

Bà Hoàng Thị Toàn - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, cho biết: Năm nào cũng vậy, sau Tết Nguyên đán là thời điểm cả huyện Tủa Chùa khan hiếm nước. Khu vực thị trấn Tủa Chùa là trung tâm huyện có 1 nhà máy nước hợp vệ sinh, công suất 2.000m3/ngày đêm, lưu lượng nước của nhà máy chỉ đáp ứng được khoảng 90% nước sinh hoạt, cấp tạm đủ cho khoảng 8.000 dân của thị trấn. 11 xã còn lại, nước sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào các khe suối, những mó nước có mạch ngầm. Trong đó, có xã Trung Thu, Lao Xả Phình, Sín Chải, Tả Sìn Thàng thiếu nước trầm trọng.

Ông Thào A Vừ, thôn Bản Phô, xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa, chia sẻ: “Chúng tôi chưa biết phải khắc phục tình trạng thiếu nước hàng năm như thế nào. Chỉ có cách là mua bồn chứa nước về đựng nhưng cũng không thể đủ nước dùng sinh hoạt cho cả năm. Tôi và rất nhiều hộ dân ở bản và các bản khác, xã khác đi tìm thuê người về khoan giếng, mũi khoan sâu xuống mấy chục mét cũng không thấy có nước. Có nhà khoan được một ít thôi dùng vài ngày là hết. Bây giờ nước để dùng trong sinh hoạt hàng ngày còn chưa đủ thì nước tưới tiêu cho ruộng lúa, ruộng ngô cây trồng khác càng khan hiếm. Thế nên, năm nào trời mưa sớm thì được mùa, năm nào mưa muộn khô hạn thì người dân chúng tôi mất mùa”.

11.jpg
Người dân Tủa Chùa xếp hàng để lấy nước sinh hoạt từ một mó nước xa trung tâm

Được biết, giải pháp để có nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày của người dân ở Tủa Chùa, nhất là 5 xã thiếu nước nghiêm trọng như: Trung Thu, Lao Xả Phình, Sín Chài, Tả Sìn Thàng, là mỗi nhà cử 1 đến 2 người là lao động chính trong gia đình mang can đi chở nước từ rất xa. Có nhiều hộ, trẻ con, người già cũng phải tham gia vào việc đi lấy nước về để dùng trong sinh hoạt. Ở Tùa Chùa chỉ có 2 mùa mưa và mùa khô rõ rệt. Mùa khô bắt đầu từ tháng 9 đến tận tháng 4, kéo dài 7 tháng. Sau Tết Nguyên đán chính là đỉnh điểm của mùa khô, nên các lòng hồ, sông suối ở Tủa Chùa cạn nước. Đó cũng là thời điểm bà con đồng bào đổ nước xuống đồng để cấy lúa vụ chiêm nên nước sinh hoạt lại càng trở nên khan hiếm.

Ông Nguyễn Văn Đạt - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa, cho biết: Ở đây có nhiều hồ chứa nước sinh hoạt sử dụng chung với nước phục vụ trong sản xuất nông nghiệp nên khi lấy nước vào các ruộng để bà con gieo cấy thì nước sinh hoạt không đủ để bà con dùng. Cụ thể như hồ chứa nước sinh hoạt của thị trấn chung với nguồn nước của người dân bản Bình Châu và dân đội 8, đội 9 xã Mường Báng. Bây giờ đang là mùa vụ gieo cấy nên bà con lấy nước vào ruộng. Chính vì vậy mà khu vực thị trấn Tủa Chùa mất nước cả tuần qua.

Riêng nước để sản xuất cho 1.000m2 ruộng lúa 2 vụ của khu vực thị trấn, bà con phải lấy từ một nguồn nước khác trên hồ Tông Lệnh. Thời điểm này, dung tích tại tất cả các hồ chứa ở Tủa Chùa chỉ dao động từ 1.000m3 - 5.000m3, Ông Đạt cho biết.

Được biết, Tủa Chùa đã đề ra một số giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt và nước phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tình hình cũng không cải thiện, các công trình nước sinh hoạt được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước ở Tủa Chùa đều là công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy, nguồn nước không ổn định, thường chỉ đảm bảo được 6, 7 tháng trong năm. Các tháng còn lại, người dân phải đi rất xa để lấy nước sinh hoạt tại khu vực đầu nguồn hoặc các mó nước tự nhiên.

Ông Đạt cho biết thêm: “Chúng tôi đã cử cán bộ phối hợp chính quyền các xã, thôn, bản để hướng dẫn tuyên truyền người dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm. Nước lấy vào ruộng phục vụ cho sản xuất được tính luân phiên theo ngày cho từng khu vực. Đồng thời kiến nghị phía Công ty Quản lý Thủy nông tỉnh Điện Biên có giải pháp điều tiết nước, tăng hệ thống ống dẫn nước về cho các cánh đồng thị trấn, Mường Báng để giảm thiểu việc lãng phí nguồn nước phục vụ sản xuất cho người dân... Nhưng tình trạng thiếu nước sinh hoạt và nước phục vụ cho sản xuất vẫn diễn ra ở tất cả các xã, thôn, bản trên địa bàn toàn huyện Tủa Chùa. Câu chuyện thiếu nước ở đây lúc nào cũng là vấn đề nóng... diễn ra từ năm này qua năm khác và cũng chưa biết đến khi nào tình hình được cải thiện”.

Cũng theo bà Hoàng Thị Toàn - Trưởng phòng TN&MT huyện, do huyện Tủa Chùa nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, nhiều hang động, là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng ở nơi đây. Trước đây, đã có nhiều đoàn khảo sát về nghiên cứu địa chất và đánh giá Tủa Chùa là vùng đất có địa hình karst. Năm 2021, thôn 1, xã Huổi Só có nguy cơ sụt lún phải di rời cả bản.

Đến thời điểm này, UBND huyện Tủa Chùa đã nhiều lần kiến nghị đề xuất với UBND tỉnh Điện Biên và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phương án xây dựng cụm hồ Nậm Seo - Chiếu Tính bằng nguồn ngân sách do Trung ương cấp về để đảm bảo an ninh nguồn nước cho hơn 6 vạn dân của Tủa Chùa. Song đến nay vẫn chưa được đầu tư nên nước sinh hoạt vẫn là vấn đề "nóng" của huyện trong những tháng đầu năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tủa Chùa (Điện Biên) đang thiếu nước nghiêm trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO