Mường Báng (Tủa Chùa): Du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường
(TN&MT) - Giáp trung tâm huyện Tủa Chùa, xã Mường Báng hội tụ nhiều yếu tố để phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, điểm nhấn là lưu giữ bản sắc văn hóa, ẩm thực dân tộc phong phú và các nghề truyền thống. Qua đó, xã Mường Báng đã tập trung phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường với hi vọng nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Xã Mường Báng có 3/4 diện tích tự nhiên là đồi, núi cao với độ dốc lớn, cách trung tâm huyện Tủa Chùa 1 km. Xã đông dân cư, với tổng số 1.157 hộ, 5.911 nhân khẩu, gồm dân tộc: Kinh, Thái, H’Mông, Khơ Mú, Ê Đê và các dân tộc khác sinh sống tại 13 thôn, bản trong đó 10 thôn, bản vùng cao, 3 thôn, bản vùng thấp.
Thời gian qua, để phát triển du lịch cộng đồng, cấp ủy, chính quyền xã Mường Báng đã lãnh đạo, chỉ đạo phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với các hoạt động tham quan, trải nghiệm phong tục tập quán, bản sắc văn hóa và thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây.
Ông Hạng A Chanh, Chủ tịch UBND xã Mường Báng, cho biết: Xác định phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi bền vững, cấp ủy, chính quyền xã luôn tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới đến nhân dân; tổ chức các đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm. Đồng thời, vận động người dân tích cực học hỏi kinh nghiệm về ẩm thực Tây Bắc, các món ăn dân tộc cũng như chỉnh trang môi trường, vệ sinh đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp để đón du khách đến tham quan du lịch.
Từ định hướng trên, xã Mường Báng đã lựa chọn một số thôn vùng thấp trong đó có thôn Tiên Phong và thôn Phai Tung để xây dựng mô hình bản văn hóa phục vụ khách du lịch. Đến nay, tại 2 thôn đã có nhiều hộ dân triển khai mô hình kinh doanh homestay phục vụ nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi của khách du lịch trong nước và quốc tế. Đến với các điểm du lịch cộng đồng, du khách sẽ được khám phá trải nghiệm thực tế sinh hoạt, lao động sản xuất của bà con dân tộc Thái; trực tiếp tham gia chế biến món ăn, giao lưu văn hóa văn nghệ, thưởng thức ẩm thực địa phương, nghỉ ngơi tại các gia đình trong thôn.
Đến bản Tiên Phong, với vẻ đẹp thơ mộng, bình yên của những nếp nhà sàn. Khung cảnh nơi đây cuốn hút bởi cảnh quan thiên nhiên thoáng đãng, môi trường xanh, sạch, đẹp, tô thắm bởi những con đường hoa rực rỡ. Những đoạn đường bê tông nội bản được bà con đồng lòng dốc sức hoàn thành để thay thế những con đường đất đá gồ ghề. Những căn nhà sàn khang trang được gắn biển homestay được trang trí bắt mắt xuất hiện trên khắp các tuyến đường…
Nhằm phát huy tiềm năng du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái, vừa qua huyện đoàn đã phát động phong trào "Trồng cây phục vụ phát triển du lịch", tại khu vực điểm săn mây xã Mường Báng.
Ông Lò Văn Quyến, chủ homestay Quyến Choi chia sẻ: Thông qua tuyên truyền vận động của chính quyền xã, gia đình tôi đã cải tạo, nâng cấp nhà cửa, chỉnh trang đường ngõ, công trình vệ sinh đảm bảo, xung quanh homestay trang trí nhiều cây cảnh cùng các đồ vật gắn với đời sống của đồng bào Thái, khôi phục nghề sản xuất thủ công truyền thống… Qua đó, homestay của gia đình tôi đã đón nhiều đoàn du khách đến tham quan và trải nghiệm.
Có thể thấy, du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Từ đó, mang lại hiệu quả thiết thực, vừa phát huy được thế mạnh văn hóa của các dân tộc, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Điều quan trọng nhất chính là hoạt động du lịch cộng đồng đã giúp người dân thật sự hiểu và trân trọng bản sắc văn hóa của chính cộng đồng mình bởi đó là vốn để phát triển du lịch.